Những kẻ bất hảo
Al-Shabaab được cho là nhóm chân rết toàn cầu lớn nhất và giàu có nhất của al-Qaeda. Với hàng chục nghìn chiến binh và thu nhập ước tính lên tới 100 triệu USD/ năm nhờ nhiều hoạt động bất hợp pháp khác nhau, al-Shabaab thống trị phong trào thánh chiến trên khắp Đông Phi.
Tại Somalia, Al-Shabaab trực tiếp kiểm soát hoặc gián tiếp ảnh hưởng đến những vùng lãnh thổ rộng lớn của đất nước. Ở nước láng giềng Kenya, tổ chức này không ngừng tiến hành các cuộc tấn công khắp các khu vực phía Đông Bắc đồng thời kiểm soát một số phần lãnh thổ. Al-Shabaab thậm chí còn bành trướng địa bàn hoạt động sang nhiều khu vực láng giềng, tiến hành các cuộc tấn công xuyên biên giới vào Ethiopia và chiếm giữ đất đai; mở rộng mạng lưới tuyển dụng ở các khu vực như Tanzania và Uganda. Al-Shabaab bị Mỹ liệt vào danh sách tổ chức khủng bố từ tháng 3/2008 và liên tục có những chiến dịch đe dọa hòa bình, an ninh và ổn định tại Đông Phi, nhất là Somalia và Kenya.
Nhận dạng của Maalim Ayman.
Trong khu vực, lực lượng al-Shabaab được gọi bằng cái tên Jaysh Ayman, nổi lên mạnh mẽ từ năm 2014, tự thể hiện mình là một phong trào địa phương với nhiều căn cứ lập trong rừng Boni, một vùng rừng rộng lớn ở hạt Lamu ven biển Kenya, kéo dài đến biên giới với Somalia. Chính từ đây, nhóm này liên tục tiến hành khủng bố các làng mạc và thị trấn, đồng thời nhắm vào cảnh sát, quân đội và các cơ quan chính phủ khác. Nguồn gốc hình thành của Jaysh Ayman được cho là bắt nguồn từ những sự kiện đẫm máu nhằm tranh giành quyền lực xảy ra vào ngày 20/6/2013 tại Barawi, một thị trấn ven biển Somali. Barawi là trụ sở hoạt động của al-Shabaab sau khi nhóm này bị quân đội Kenya tấn công và trục xuất khỏi Kismayu, nơi từng là thành trì của al-Shabaab từ khi thành lập vào năm 2006.
Jaysh Ayman được đặt theo tên của một trong những thủ lĩnh hàng đầu là Maalim Ayman (có tên gọi khác là Dobow Abdiaziz Ali), đến từ hạt Mandera, Kenya, nơi giáp với Ethiopia ở phía Bắc, và Somalia ở phía Đông. Một số ý kiến cho rằng Maalim Ayman có thể được bổ nhiệm vào vai trò này với hy vọng rằng việc có một thủ lĩnh Kenya phụ trách cánh khu vực của al-Shabaab sẽ giúp xoa dịu những đấu đá trong nội bộ. Thực tế không có nhiều thông tin chi tiết về Ayman cũng như vai trò của nhân vật này ngoài một số báo cáo cho biết Ayman có thể huấn luyện các chiến binh của nhóm về kỹ thuật sinh tồn nơi hoang dã và lên kế hoạch bài bản các vụ tấn công khủng bố.
Năm 2015, Jaysh Ayman tấn công Đại học Garissa, khiến 148 người, hầu hết là sinh viên thiệt mạng. Đây cũng được cho là vụ tấn công khủng bố đẫm máu nhất ở Kenya kể từ vụ đánh bom Đại sứ quán Mỹ năm 1998.
Năm 2020, Jaysh Ayman gây rúng động với vụ tấn công một căn cứ quân sự của Lực lượng Phòng vệ Kenya, nơi Mỹ sử dụng để huấn luyện và hỗ trợ chống khủng bố cho các đối tác Đông Phi, cũng như thực hiện các chiến dịch ứng phó khủng hoảng và bảo vệ lợi ích của Mỹ trong khu vực.
Sáng sớm ngày 5/1/2020, hàng chục chiến binh Jaysh Ayman đã tiến hành cuộc đột kích nhằm vào Sân bay Magagoni, nằm gần Vịnh Manda ở Lamu. Chuyên gia quân đội Henry Mayfield Jr. cùng 2 nhà thầu quốc phòng đã thiệt mạng khi xe và máy bay vẫn còn đậu trên đường băng trúng đạn. Một số khác bị thương. Sau vài giờ, cuộc tấn công bị đẩy lui, song 3 máy bay ISR, 2 máy bay trực thăng và một số phương tiện hỗ trợ đã bị phá hủy, đánh dấu một chiến thắng đáng kể cho hoạt động tuyên truyền của nhóm phiến quân Jaysh Ayman dù ít nhất 5 chiến binh đã thiệt mạng và một số tay súng khác bị bắt. Trong một video do al-Shabaab công bố, người phát ngôn của Jaysh Ayman hân hoan tuyên bố thực hiện vụ tấn công với Maalim Ayman là kẻ chủ mưu. Liên tiếp những tuần sau đó, Mỹ thực hiện các cuộc không kích nhằm vào các cứ điểm của al-Shabaab khiến lực lượng này thiệt hại nặng nề.
Mỹ sau đó treo thưởng 10 triệu USD cho ai cung cấp thông tin có thể giúp bắt giữ Maalim Ayman. Tháng 11/2020, Bộ Ngoại giao Mỹ đưa Ayman vào Danh sách khủng bố toàn cầu được chỉ định đặc biệt (SDGT) theo Sắc lệnh hành pháp (E.O.) 13224 đã sửa đổi, cùng một số thủ lĩnh cấp cao của al-Shabaab khác như Abdullahi Osman Mohamed. Mỹ cấm mọi công dân nước này tham gia bất kỳ giao dịch nào với Mohamed và Ayman. Tài sản và lợi ích của liên quan thuộc quyền tài phán của Mỹ đều bị phong tỏa; việc cố ý cung cấp, cố gắng hoặc âm mưu cung cấp hỗ trợ vật chất hoặc nguồn lực cho al-Shabaab cũng bị coi là phạm tội.
Các cuộc điều tra được tiến hành sau vụ tấn công tháng 1/2020 đã nhấn mạnh những lỗ hổng an ninh và tâm lý chủ quan của lực lượng Mỹ trong khu vực, dẫn đến thực tế binh sĩ Mỹ không có sự tập trung, thiếu nhận thức và triển khai phù hợp trước mối đe dọa mà các nhóm chiến binh như Jaysh Ayman gây ra.
Vụ tấn công Manda năm 2020 nhìn từ trên cao (Ảnh: Eliud Bii).
Cuộc truy lùng suốt 4 năm
Cuộc chiến chống al-Shabab của Mỹ cũng đã được khởi động từ năm 2014 với một số cố vấn quân sự và dần dần phát triển thành lực lượng huấn luyện gồm 700 thành viên. Tổng thống Donald J. Trump đã rút lực lượng ngay trước khi rời nhiệm sở vào năm 2021. Tổng thống Biden khôi phục lực lượng 450 quân vào năm 2022 để cố vấn cho binh lính Somali đang chiến đấu với al-Shabab, lực lượng vẫn kiểm soát phần lớn miền Nam đất nước.
Đầu năm 2023, Cơ quan Điều tra Hình sự Kenya (DCI) kêu gọi công chúng tình nguyện cung cấp thông tin có thể dẫn đến việc bắt giữ 4 nghi phạm khủng bố có liên quan đến mạng lưới khủng bố Al-Shabaab có trụ sở tại Somalia là Abdullahi Banati, Maalim Ayman, Ramadhan Kioko và Abdikadir Mohamed Abdikadir. Theo DCI, các nghi phạm được cho là có liên quan tới các cuộc tấn công gần đó ở Quận Lamu và được mô tả là 'được huấn luyện bài bản, có vũ trang và cực kỳ nguy hiểm'. Thông tin của người cung cấp sẽ được giữ kín.
Thông tin từ Kenya được đưa ra ngay sau khi chính phủ Mỹ treo phần thưởng lên tới 10 triệu USD cho bất kỳ ai cung cấp thông tin dẫn đến việc bắt giữ Mohamoud Abdi Aden, kẻ chủ mưu vụ tấn công khủng bố DusitD2 vào tháng 1/2019 ở Nairobi. Abdi, bí danh Mohamoud Abdirahman, là thành viên của nhóm lên kế hoạch cho vụ tấn công khách sạn DusitD2, cướp đi sinh mạng của 21 người, trong đó có một công dân Mỹ.
Thực tế, Al-Shabaab đã và đang đối mặt với nhiều thách thức nghiêm trọng nhất trong thập kỷ qua tại địa bàn Kenya và Somalia. Chính phủ Somalia, cùng sự phối hợp của nhiều đồng minh quốc tế - đặc biệt là Mỹ - và lực lượng dân quân, đã phát động các cuộc phản công lớn chống lại nhóm này trên khắp miền Nam và miền Trung Somalia. Áp lực với Al-Shabaab càng lớn sau khi nhóm này bị đánh bật khỏi Mogadishu vào năm 2011, rồi tiếp đó là Kismayo vào năm 2012, và giờ là một trong những nhân vật cốt cán bị tiêu diệt.
Hầu hết trong số 16 cuộc tấn công Mỹ tiến hành tại Somalia từ đầu năm 2023 là để bảo vệ và hỗ trợ quân đội Somali đang chiến đấu với al-Shabab trên bộ. Tuy nhiên cuộc tấn công ngày 17/12 là một cuộc tấn công tương đối hiếm hoi do lực lượng Đặc nhiệm Mỹ lên kế hoạch trước nhằm vào một thủ lĩnh al-Shabab và là cuộc tấn công đầu tiên kể từ tháng 5/2023.
Quan chức quân đội Mỹ cho biết cuộc tấn công nhằm vào Ayman diễn ra gần Jilib, một thành trì do al-Shabab kiểm soát ở miền Nam Somalia. Thông tin về chiến dịch truy quét Ayman không được tiết lộ nhiều, kể cả cách thức hắn bị tiêu diệt và cách người ta xác định danh tính. Tuy nhiên, giới chức khẳng định kẻ khủng bố này là mục tiêu duy nhất của cuộc tấn công và quá trình xác minh phải mất tới '3 ngày'. Các quan chức Mỹ khẳng định không có thương vong về dân thường trong vụ tấn công.
Đây là một bước tiến lớn cho Somalia, trong bối cảnh mới đầu tháng 12/2023 vừa qua, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã nhất trí dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí từng áp đặt vào năm 1992 sau khi cuộc nội chiến nổ ra ở Somalia. Tổng thống Somalia Hassan Sheikh Mohamud hoan nghênh động thái này, nhấn mạnh tại một hội nghị an ninh ở New York rằng đó là bằng chứng cho những tiến bộ mà chính quyền của ông đã đạt được. Chiến dịch tiêu diệt một 'biểu tượng' khủng bố như Ayman là một sự khích lệ của Somali bởi theo lời Tổng thống Hassan Sheikh Mohamud, điều này gửi một thông điệp cứng rắn, khẳng định Mogadishu quyết tâm buộc những kẻ chịu trách nhiệm về các hành động bạo lực tàn nhẫn đối với người dân đều phải bị trừng phạt hoặc đưa ra công lý. Ayman cùng những kẻ khủng bố khác bị Somalia xem như trở ngại cho mục tiêu gắn kết và hòa hợp nội bộ cũng như với các nước láng giềng.
Liên minh châu Phi đã bắt đầu rút lực lượng khỏi Somalia theo điều phối của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Thay vào đó, các lực lượng quân sự và cảnh sát Somali tiếp quản việc đảm bảo an ninh cho các cơ sở quan trọng của chính phủ.