Thời khắc 'ngàn năm có một'
Những ngày mùa thu tháng 8-1945, dưới sự lãnh đạo của Đàng và Mặt trận Việt Minh, nhân dân ta khắp 3 miền đã vùng lên giành chính quyền về tay giai cấp công - nông. Cần sớm ra mắt chính phủ lâm thời và tuyên bố độc lập trước khi quân Đồng Minh vào giải giáp quân Nhật.
Trong thời khắc lịch sử khẩn trương 'ngàn năm có một' đó, tại một căn phòng ở nhà số 48, phố Hàng Ngang, Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã soạn thảo bản Tuyên ngôn Độc lập. Những tư tưởng lớn trong bản Tuyên ngôn Độc lập đã được Bác Hồ đọc trước cuộc mít-tinh hơn 500.000 người ở quảng trường Ba Đình lịch sử vào ngày 2-9-1945. Giọng người gần gũi, ấm áp mà hào sảng đã thể hiện khát vọng độc lập, tự do và phát triển của toàn thể dân tộc Việt Nam.
Tuy ra đời sau Tuyên ngôn Độc lập của Mỹ 169 năm, sau Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của cách mạng Pháp 164 năm, nhưng tư tưởng bất hủ của Tuyên ngôn Độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn sánh ngang với những bản tuyên ngôn nổi tiếng.
Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập tại Quảng trường Ba Đình ngày 2-9-1945. Ảnh: Tư liệu
Bác viện dẫn Tuyên ngôn Độc lập của Mỹ: 'Tất cả mọi người sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc'. Người cũng trích dẫn Bản tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của cách mạng Pháp: 'Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi, và phải luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi'. Qua đó, khẳng định những giá trị vĩnh hằng của nhân loại, đó là quyền độc lập của các dân tộc và quyền tự do của nhân dân, trong đó có dân tộc và nhân dân Việt Nam.
Tuyên ngôn Độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng là sự nối tiếp và kế thừa những tư tưởng độc lập, chủ quyền của bản tuyên ngôn độc lập thời nhà Lý (bài thơ 'Nam quốc sơn hà' của Lý Thường Kiệt) và bản 'Bình Ngô đại cáo' của Nguyễn Trãi.
Có thể nói, Tuyên ngôn Độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh là sự kết tinh tư tưởng lớn lao của nhân loại và dân tộc Việt Nam.
Độc lập dân tộc và tự do của nhân dân là một
Bản Tuyên ngôn Độc lập nhấn mạnh: 'Dân ta đã đánh đổ các xiềng xích thực dân gần một trăm năm nay để gây dựng nên nước Việt nam độc lập. Dân ta lại đánh đổ chế độ quân chủ mấy mươi thế kỷ mà lập nên chế độ dân chủ cộng hòa'. Đồng thời, khẳng định: 'Chúng tôi, lâm thời Chính phủ của nước Việt Nam mới, đại biểu cho toàn dân Việt Nam, tuyên bố thoát ly hẳn quan hệ với thực dân Pháp, xóa bỏ hết những hiệp ước mà Pháp đã ký về nước Việt Nam, xóa bỏ tất cả mọi đặc quyền của Pháp trên đất nước Việt Nam'.
Với khẳng định đanh thép đó, Tuyên ngôn Độc lập tuyên bố với thế giới về sự ra đời của một chủ thể quốc gia độc lập cùng với nhân dân tự do. Tuyên ngôn Độc lập khẳng định thành quả to lớn của cách mạng tháng Tám năm 1945, đưa dân tộc ta từ một dân tộc thuộc địa thành một dân tộc độc lập, đưa nhân dân ta từ thân phận nô lệ thành người tự do.
Điều độc đáo trong tư tưởng của Tuyên ngôn là đã gắn quyền độc lập dân tộc với quyền tự do của nhân dân làm một. Sự khẳng định này đã làm nên giá trị nhân bản của bản Tuyên ngôn Độc lập.
Giữ vững nền độc lập
Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: 'Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vũng quyền tự do và độc lập ấy'.
Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, dân tộc Việt Nam đã trải qua nhiều chặng đường phát triển khác nhau với nhiều bước thăng trầm nhưng tư tưởng độc lập, tự do của bản Tuyên ngôn Độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn luôn được giương cao và kiên trì thực hiện.
Chỉ hơn 4 tháng sau khi cách mạng thành công, cuộc bầu cử Quốc hội đầu tiên đã được tổ chức. Dưới họng súng quân thù, lần đầu tiên người dân được thực hiện quyền làm chủ trong một quốc gia theo chính thể cộng hòa - dân chủ. Quốc hội Khóa I đã họp phiên đầu tiên bầu ra chính phủ chính thức, khẳng định tính hợp hiến và hợp pháp, đại diện chân chính cho dân tộc Việt Nam. Quốc hội đã thông qua Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa.
Với dã tâm xâm lược Việt Nam lâu dài, thực dân Pháp đã gây chiến ở Nam Bộ. Ngày 18-12-1946, thực dân Pháp gửi tối hậu thư cho chính phủ ta yêu cầu giải tán lực lượng tự vệ thủ đô và giao quyền kiểm soát thủ đô cho chúng. Nguy cơ mất nước, mất độc lập tự do một lần nữa bị đe dọa, ngày 19-12-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh soạn thảo Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến. Lời kêu gọi của Bác được truyền qua làn sóng đài phát thanh vào rạng sáng 20-12-1946: 'Hỡi đồng bào toàn quốc! Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp cáng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta một lần nữa. Không, chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ... Giờ cứu nước đã đến. Ta phải hy sinh đến giọt máu cuối cùng để giữ gìn đất nước..'.
Nhân dân ta đã tiến hành cuộc kháng chiến trường kỳ 9 năm, kết thúc bằng trận Điện Biên Phủ buộc thực dân Pháp phải ký Hiệp định Genève, chấm dứt chiến tranh ở Đông Dương.
Năm 1966, khi đế quốc Mỹ đưa lực lượng vào trực tiếp tham chiến ở miền Nam Việt Nam, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước diễn ra rất ác liệt. Ngày 17-7-1966, Hồ Chủ tịch đã ra Lời kêu gọi chống Mỹ cứu nước. Người nêu rõ: 'Chiến tranh có thể kéo dài năm năm, mười năm, hai mươi năm hoặc lâu hơn nữa. Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, xí nghiệp có thể bị tàn phá, song nhân dân Việt nam quyết không sợ. Không có gì quý hơn độc lập tự do. Đến ngày thắng lợi, nhân dân ta sẽ xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn'.
Lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch đã lôi cuốn hàng triệu người tham gia vào cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Đất nước thống nhất, non sông thu về một mối, sự nghiệp "xây dựng lại đất nước đàng hoàng hơn, to đẹp hơn" đã trở thành hiện thực. Mục tiêu hướng tới xây dựng "một xã hội dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng và văn minh" là sự tiếp tục hiện thực hóa những khát vọng mà Tuyên ngôn Độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề xướng từ Cách mạng tháng Tám năm 1945.