Thăm khám bệnh nhân trầm cảm sau sinh tại Viện Sức khỏe tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai). Ảnh: BVCC.
Đến thăm khám tại Viện Sức khỏe tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai), chị L.T.L. (ở Hà Nội) cho biết, ngay trong tháng đầu tiên sau khi sinh con đầu lòng, chị không có một đêm ngủ tròn giấc vì con khóc và hờn liên tục. Dù được chồng hỗ trợ nhưng chị cảm thấy không yên tâm nên chuyện gì cũng muốn tự làm. Ban ngày, bé ngủ ít nên chị cũng không thể ngủ bù. Đến tối, giấc ngủ bị cắt đứt liên tục.
“Mệt mỏi rũ rượi, có lúc tôi bức bối vì con quấy quá, rồi lại khóc theo con. Có lúc điên cuồng, tôi muốn lấy dao cứa vào người để giải tỏa nhưng chồng phát hiện và ngăn cản kịp. Hối hận, bàng hoàng, tôi tìm đến bệnh viện mong được các bác sĩ hỗ trợ” - chị L. tâm sự.
Theo các bác sĩ, ở giai đoạn sớm, phụ nữ trầm cảm sau sinh có khí sắc giảm, cảm xúc thay đổi, buồn rầu, dễ cáu, dễ khóc…; Rối loạn giấc ngủ, ăn uống; Giảm tập trung chú ý, trí nhớ; Các triệu chứng cơ thể: Đau đầu, đau bụng, ngực...
Ở giai đoạn toàn phát, bà mẹ có khí sắc trầm tăng hơn; Mất quan tâm thích thú, bi quan chán nản; Buồn bã, mặc cảm, tự ti, tội lỗi, đau khổ...; Khó khăn trong việc ra quyết định, không muốn giao tiếp với mọi người; Khó khăn trong việc chăm sóc con, tạo mối quan hệ mẹ - con, xa lánh người thân...; Lo lắng quá mức tới sức khỏe của con. Sản phụ cũng gặp các triệu chứng cơ thể, rối loạn thần kinh thực vật hoặc rối loạn hành vi: Bồn chồn, bất an...
Thực tế, dù không phải là vấn đề mới, thế nhưng, những người phụ nữ có nguy cơ, hay đang mắc trầm cảm sau sinh lại thường bị xem nhẹ bởi chính những người thân xung quanh. Hậu quả là những vụ việc đau lòng vẫn liên tiếp xảy ra.
Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bình Thuận cho biết, khoảng 2 giờ sáng 15/9, gia đình chị N.T.N.Q. (37 tuổi, trú xã Thiện Nghiệp, TP Phan Thiết) nghe tiếng cười phát ra từ phòng ngủ của chị Q.. Thấy bất thường nên người nhà vào kiểm tra, phát hiện bé trai 2 tháng tuổi (con của chị Q.) đã tử vong, trên cổ có vết thương. Chị Q. cũng có vết cắt ở cổ tay, nên người nhà đã đưa vào viện cấp cứu. Theo người nhà, chị Q. có biểu hiện bị trầm cảm sau sinh.
Còn tại Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Phú Thọ, một sản phụ (34 tuổi, ở TP Việt Trì) đã nhảy từ tầng 7 của bệnh viện xuống đất. Theo lãnh đạo bệnh viện, người phụ nữ này mới sinh con được khoảng 2 tháng, trước đó vài ngày, nạn nhân có đến Bệnh viện khám. Trước khi nhảy lầu, sản phụ đã ngồi rất lâu trên tầng 7 bệnh viện, sau đó để lại áo, điện thoại di động và nhảy xuống đất. Nạn nhân nghi mắc chứng trầm cảm sau sinh.
Thông tin từ Viện Sức khỏe tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai), mỗi ngày cơ sở y tế này tiếp nhận khoảng 250-300 bệnh nhân/ngày, trong đó liên quan đến trầm cảm khoảng 20-30%, bao gồm cả trầm cảm sau sinh.
Thế nhưng, theo các chuyên gia y tế, đây có thể mới chỉ là bề nổi của tảng băng chìm. Theo ước tính, gần 50% phụ nữ bị trầm cảm sau sinh không được chẩn đoán bởi chuyên gia y tế.
PGS.TS Nguyễn Văn Tuấn - Viện trưởng Viện Sức khỏe tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai) đánh giá: Bên cạnh những trường hợp nặng được gia đình đưa tới viện, còn rất nhiều trường hợp sản phụ có biểu hiện nhẹ hoặc không chia sẻ, cố tình giấu bệnh dẫn tới tình trạng nặng nề hơn hoặc có trường hợp biểu hiện bằng triệu chứng khác như mệt mỏi, mất ngủ, tức ngực, không đến viện mà đi khám chuyên khoa về thần kinh, tim mạch nên không tìm ra được căn nguyên để điều trị.
TS.BS Vũ Thy Cầm - Trưởng phòng tâm lý lâm sàng, Viện Sức khỏe tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai) nhấn mạnh, tất cả phụ nữ đều có nguy cơ mắc trầm cảm sau sinh, đặc biệt ở những người có nguy cơ cao (đã từng bị trầm cảm, gia đình có người trầm cảm hay các bệnh tâm thần khác). Có những sản phụ cả 3 lần sinh con đều bị trầm cảm. Do vậy, khi có dấu hiệu trầm cảm cần được khám sớm tại chuyên khoa tâm thần, tránh để đến khi tình trạng bệnh quá nặng gây khó khăn trong điều trị.
“80% phụ nữ bị trầm cảm sau sinh sẽ hồi phục hoàn toàn nếu được quan tâm đúng mức. Sự đồng hành của gia đình với phụ nữ sau sinh rất quan trọng để hỗ trợ về mặt tâm lý kịp thời. Gia đình nên dành thời gian quan tâm chăm sóc người phụ nữ sau sinh, đặc biệt là người chồng cần phải luôn luôn lắng nghe cảm thông và tạo điều kiện cho người vợ có thời gian thư giãn, nghỉ ngơi, chế độ dinh dưỡng hợp lý” - BS Cầm nói.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), trầm cảm là căn bệnh phổ biến nhất toàn cầu. Trong đó, có từ 10 - 20% số phụ nữ trên toàn thế giới mắc bệnh trầm cảm sau sinh. Còn ở Việt Nam, tỷ lệ này có thể lên tới 33%. Đáng quan ngại hơn khi ước tính, gần 50% phụ nữ bị trầm cảm sau sinh không được chẩn đoán bởi chuyên gia y tế.