Những thiệt hại không đong đếm được
Chiều 30/7, mái taluy dương tại Km 103+100 Quốc lộ 20 qua đèo Bảo Lộc (tỉnh Lâm Đồng) đã bị sạt lở, một khối lượng đất đá lớn đã tràn xuống mặt đường gây ách tắc giao thông.
Đau xót hơn cả là vụ sạt lở đã vùi lấp chốt cảnh sát giao thông khiến 3 chiến sĩ hy sinh và một người dân thiệt mạng. Với những nỗ lực các cơ quan ban ngành, chính quyền địa phương, tuyến đường đã được thông ngay sau đó. Tuy nhiên trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng vẫn còn hàng trăm điểm nguy cơ sạt lở trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ.
Tới sáng 2/8, tại Km 1900+350 - Km 1900+650, đường Hồ Chí Minh đoạn đi qua TP. Gia Nghĩa (tỉnh Đắk Nông) cũng xảy ra sạt lở mái taluy âm, chiều dài khoảng 300m. Đến ngày 7/8, tình hình sạt trượt tiếp tục lan rộng, sâu thêm.
Mưa lũ cũng làm tuyến đường tránh Gia Nghĩa (đoạn qua tổ dân phố 4, phường Nghĩa Tân) sạt lở tại Km 11+800 - Km 11+900. Đáng chú ý, dự án hồ thủy lợi Đắk N’Ting (xã Quảng Sơn, huyện Đắk Glong), khu vực bon Bu Krắc và bon Bu Prăng (xã Quång Trực, huyện Tuy Đức) đã xảy ra sụt lún, sạt lở nghiêm trọng. Tiềm ẩn nguy cơ vỡ đập hồ chứa nước Đắk N’ting.
Hàng loạt vụ sạt lở đất đá gây thiệt hại lớn về người và tài sản đòi hỏi những giải pháp cấp bách và đồng bộ để giảm thiểu. Ảnh: TL.
Tình trạng mưa lũ, sạt lở đất không chỉ diễn biến phức tạp tại khu vực Tây Nguyên mà các tỉnh miền núi phía Bắc cũng đã phải chịu những thiệt hại nặng nề. Sáng 8/8, báo cáo nhanh của Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh Điện Biên, Lai Châu, Cao Bằng, Lào Cai, Yên Bái; mưa lớn, sạt lở đất trong hai ngày 6 và 7/8 đã khiến 3 người chết và 2 người bị thương.
Toàn huyện Mù Cang Chải (tỉnh Yên Bái) mất điện. Đường giao thông sạt lở trên các tuyến Quốc lộ 4H, 279D, 32, 6, 70, 34A, 34B, 4A 543D, 7A. Ngoài ra, còn hàng trăm điểm sạt lở trên các tuyến tỉnh lộ.
Thông tin đáng chú ý những ngày qua là sự việc nhiều xe ô tô bị bủa vây bởi bùn đất ngập quá bánh xe tại xã Minh Phú (huyện Sóc Sơn, TP. Hà Nội). Lý giải của UBND huyện Sóc Sơn, do mưa lớn khiến một số xã có rừng xảy ra hiện tượng xói, lở đất, gây úng ngập cục bộ trên địa bàn.
Đặc biệt tuyến đường làm bằng
bê tông, đường cứu hỏa thuộc đội 5, xóm Ban Tiện có độ dốc lớn, bề mặt nhẵn đã tạo thế năng dòng chảy lớn, cuốn theo bùn đất, đá xuống chân dốc, khi gặp vật cản là ôtô đỗ hai bên đường gây úng ngập cục bộ tại vị trí chân dốc.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng sự cố xảy ra còn có nguyên nhân từ những tác động của con người tới thiên nhiên, công trình xây dựng kiên cố. Thực tế, khu vực bị sự cố có nhiều homestay nằm dọc con đường bê tông ở xóm Ban Tiện. Các khu nhà này thường có diện tích lớn, một phần được xây dựng kiên cố, xen kẽ với các công trình tạm.
Dù báo chí đã thông tin, Thanh tra TP. Hà Nội đã có kết luận về tình trạng hàng trăm công trình vi phạm trật tự xây dựng, xây dựng trái phép trên đất rừng tại xã Minh Phú (huyện Sóc Sơn). Nhưng đến nay những vi phạm này liệu đã được xử lý dứt điểm, liệu rằng công trình mới có mọc lên để rồi có thể xảy ra sự cố sạt lở nghiêm trọng hơn hay không...?
Hiện trường nhiều ô tô bị đất đá bủa vây. Ảnh: TL.
Ngoài sạt lở đất diễn biến phức tạp thì tình trạng ngập úng tại các đô thị diễn ra ngày càng phổ biến ở nhiều địa phương trên cả nước như TP. Đà Lạt, TP. Lào Cai, TP. Hà Nội,... trong thời gian qua đang gióng lên hồi chuông cảnh báo về công tác quy hoạch đô thị, phát triển bền vững.
Dừng tác động thô bạo, quản lý chặt chẽ
Theo Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành, tình hình sạt lở đất vừa qua tại Tây Nguyên đã gây thiệt hại nặng nề về người và của, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân. Điển hình là vụ sạt lở đất tại TP. Đà Lạt, tại đèo Bảo Lộc rồi vấn đề an toàn hồ đập, sụt lún tại một số điểm tại tỉnh Đắk Nông, Đắk Lắk.
Về nguyên nhân gây nên tình trạng sạt lở, ông Lê Công Thành cho biết, những sườn đồi, sườn núi tự nhiên thì phong hóa đất đá xảy ra từ từ tạo nên sườn dốc tự nhiên. Tuy nhiên chúng ta cần không gian phát triển để làm nhà, chuyển đổi cây trồng, làm thủy điện… làm cấu trúc mặt đất thay đổi khiến nguy cơ sạt lở xảy ra khi mưa lớn.
Nhiều chuyên gia cho rằng, các vụ sạt lở đất đá xảy ra liên tiếp trong thời gian qua cùng với tình trạng ngập úng tại các đô thị ngoài những yếu tố do thời tiết mưa nhiều, cũng cần phải nói đến việc khi con người tác động vào tự nhiên càng nhiều thì chính chúng ta phải gánh những hậu quả càng lớn do tự nhiên phản ứng lại.
Quá trình phát triển đô thị ở nước ta chưa hài hòa. Sự tham lam khiến nhiều địa phương buông lỏng công tác quản lý đô thị, bê tông hóa thả giàn nhưng hạ tầng đi kèm lại không tương ứng. Mưa xuống, nước không có lối thoát, chỗ chứa tạm thời cũng không có nên ngập là chuyện đương nhiên.
Vì vậy, cần tăng cường công tác quản lý nhà nước trong quy hoạch xây dựng, đất đai. Thực trạng “đất chật người đông” nên không thể tránh khỏi việc con người tác động vào thiên nhiên để xây dựng nhà ở, đường sá,... Khi xây dựng cần giảm độ mái dốc xuống và có biện pháp chống trượt tại những điểm trượt cụ thể.
Có nhiều biện pháp chống trượt từ đơn giản đến phức tạp. Đơn giản nhất là giảm độ dốc và trồng cây. Trồng cây có thể giữ đất khỏi trôi trượt nhưng cần chọn các loại cây bám rễ sâu xuống đất xuyên qua lớp phong hóa mới giữ được.
Đề cập tới những giải pháp để phòng, chống và giảm nhẹ các thiên tai, PGS.TS Trần Tân Văn - nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản (Bộ TN&MT) cho biết, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục cộng đồng để người dân hiểu rõ mức độ nguy hiểm của việc san gạt, làm mất chân sườn dốc lấy mặt bằng xây dựng.
Các dự án làm đường rất hay để xảy ra tình trạng này, vì thế ngay từ đầu cần khảo sát, thiết kế, thi công các sườn dốc “nhân tạo” cẩn thận, có tính toán kỹ các hệ số an toàn và có giải pháp gia cường, phòng tránh, giảm nhẹ nguy cơ trượt lở.
Đối với người dân và chính quyền địa phương cần lưu ý, nứt đất khi mưa to, kéo dài là một trong những dấu hiệu trực tiếp của sạt trượt. Động thái đầu tiên địa phương cần thực hiện là di dời người dân ra khỏi khu vực sạt trượt tiềm năng.
Tiếp đó cần cử cán bộ kỹ thuật đến quan trắc, giám sát, theo dõi diễn biến của các vết nứt. Nếu vết nứt tiếp tục phát triển thì khả năng cao là trượt lở sẽ xảy ra, cần căn cứ kích cỡ các vết nứt để dự báo quy mô khối trượt, từ đó thực hiện di dời cho phù hợp.