Những tháng cuối năm 2022, dự báo Việt Nam tiếp tục phải hứng chịu nhiều loại hình thiên tai khắc nghiệt. Tại Nam Bộ, điều mà bà con lo lắng là những đợt triều cường cao gối nhau liên tục. Ngoài gây ngập úng các đô thị lớn như TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ, triều cường cao có thể làm vỡ đê bao, đe dọa các diện tích thủy sản, cây ăn trái, hoa màu phục vụ thị trường Tết.
Triều cường ở ĐBSCL lập kỷ lục mới
Đợt triều cường bắt đầu từ ngày 6/10 và duy trì hơn 1 tuần. Không chỉ thời gian kéo dài, mà mực nước triều cũng rất cao. Tại Cần Thơ, con nước nhiều ngày vượt báo động 3. Trong đó, đỉnh triều 2.27m đạt mốc cao nhất từ trước đến nay, cao hơn kỷ lục cũ 2.25m của 3 năm trước.
Triều cường gây ngập diện rộng ở Cần Thơ. Ảnh: HNM
Không chỉ Cần Thơ mà tại trạm Mỹ Thuận, Vĩnh Long cũng xác lập mức kỷ lục mới về triều cường. Con nước cao nhất 2.17m, cao hơn 5cm so với mức lịch sử cũ năm 2017.
Triều cường cao kỷ lục đã gây ngập úng sâu trên phạm vi rộng, khắp các vùng trũng thấp của Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh, Hậu Giang, Tiền Giang, Bến Tre, An Giang, Đồng Tháp và TP Cần Thơ.
Cứ đều đặn ngày 2 lần, con nước lên khiến nhiều hoạt động kinh tế xã hội bị gián đoạn. Việc sinh hoạt, đi lại của người dân bị ảnh hưởng rất lớn. Nhiều đoạn đê bao, bờ bao ngâm nước lâu cũng bị vỡ, sạt lở, nước tràn vào gây ngập úng vườn cây ăn trái, các diện tích nuôi trồng thủy sản, gây thiệt hại khá lớn về nông nghiệp.
Vì sao triều cường cao kỷ lục?
Bên cạnh lực hấp dẫn của mặt trăng, triều cường dâng cao lịch sử bởi có thêm tác động từ các yếu tố khí tượng, thủy văn.
Vào đúng đợt triều cường, có 1 đợt không khí lạnh khá mạnh từ phía Bắc xuống, khi xuống đến vùng cửa biển Nam Bộ gặp địa hình nên gió đổi hướng sang Nam đến Đông Nam, loại gió mà bà con Nam Bộ thường gọi là gió chướng, thổi chính diện vào đất liền, dồn thêm nước từ biển vào. Năm nay, mùa gió chướng cũng đến sớm hơn mọi năm.
Thêm nữa, khoảng thời gian có triều cường trùng với đỉnh lũ năm nay ở ĐBSCL, lũ từ thượng nguồn đổ về, lại gặp nước từ cửa sông đẩy vào, cả hai phía dồn lại, không còn cách nào khác buộc phải dâng lên, tràn bờ bao gây ngập lụt. Ngoài ra, triều cường kỷ lục còn do tác động của những trận mưa to tại chỗ.
Tiền Giang chủ động ứng phó với triều cường
Chính những nguyên nhân này đã khiến triều cường lên cao kỷ lục, một số tuyến đê ở Tiền Giang liên tục sạt lở, chia cắt đường giao thông đe dọa đến vườn cây ăn trái của người dân. Đây cũng là vùng trồng cây ăn trái trọng điểm ở ĐBSCL. Để giảm thiểu tối đa thiệt hại, người dân và chính quyền đang khẩn trương ứng phó.
Giữa tháng 10/2022, tiếp tục sạt lở nghiêm trọng bờ Đông sông Ba Rày (xã Hội Xuân, huyện Cai Lậy) chờ khắc phục. Ảnh: Minh Trí - TTXVN
Điểm sạt lở bờ sông Ba Rài thuộc xã Hội Xuân, huyện Cai Lậy khiến việc lưu thông trên Huyện lộ 54B gián đoạn hoàn toàn. Vườn cây ăn trái của bà con phía bên trong cũng bị đe dọa nghiêm trọng, nhất là khi triều cường dâng cao.
Đây là tuyến đường giao thông huyết mạch, cũng là tuyến đê bảo vệ vườn cây ăn trái của bà con nơi đây với chiều rộng mặt đê là 4m. Tuy nhiên, sau đợt triều cường vừa qua, đê chỉ còn lại chưa đầy 1m.
Ngay phía trong đoạn sạt lở là khu ô bao chuyên canh sầu riêng và mít. Nguy cơ vỡ đê trong các đợt triều cường sắp tới có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Các phương án bảo vệ vườn cây ăn trái đã được người dân và chính quyền địa phương chuẩn bị.
Trong đợt triều cường vừa qua, một số diện tích cây ăn trái tại tỉnh Tiền Giang đã bị ngập nhưng chưa gây thiệt hại nghiêm trọng. Trước tình hình triều cường và mưa bão có thể diễn biến phức tạp, các địa phương hiện đang khẩn trương gia cố các đoạn đê bao, bờ bao có dấu hiệu xuống cấp để tránh nguy cơ xảy ra tràn, vỡ, sạt lở khi nước dâng cao.
Nam Bộ còn 5 đợt triều cường từ nay đến cuối năm
Các chuyên gia nhận định, năm nay là một năm triều cường rất cao tại Nam Bộ, vì thế không loại trừ sẽ tiếp tục có những kỷ lục mới.
Dự báo từ nay đến cuối năm, Nam Bộ sẽ còn 5 đợt triều cường nữa. Trong đó, chú ý nhất là 3 đợt triều cường vào cuối tháng 10, cuối tháng 11 và cuối tháng 12.
Như vậy, đợt triều cường diễn ra ngay tuần tới cũng là một trong những đợt triều cường cao của năm. Dự báo đỉnh triều xuất hiện từ thứ Ba đến thứ Năm và có khả năng như sau:
Tại trạm Mỹ Thuận trên sông Tiền cao hơn báo động 3 khoảng 30-35 cm.
Tại trạm Cần Thơ trên sông Hậu cao hơn báo động 3 từ 22cm đến 27cm, xấp xỉ đỉnh triều đợt vừa rồi.
Tại trạm Phú An sông Sài Gòn cao hơn báo động 3 từ 10cm đến 15cm.
Nguy cơ xảy ra ngập úng do triều cường sẽ gần tương đương với đợt đầu tháng 10; cảnh báo tình trạng ngập có thể diễn ra tại vùng trũng thấp thuộc TP Hồ Chí Minh, TP Cần Thơ, Vĩnh Long, Đồng Tháp, Hậu Giang, Bến Tre, Tiền Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu và phía Đông của tỉnh Cà Mau. Trong đó, các địa phương ngập nặng nhất sẽ là TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Vĩnh Long.
Đảm bảo an toàn khi triều cường lên cao
Người dân ở các vùng trũng thấp cần lên sẵn những phương án ứng phó như sau:
- Tại những vùng ngập, cần lắp rào chắn quanh kênh rạch tránh trường hợp khi ngập sâu không phân biệt được đường và sông; ban đêm nên bố trí dây và đèn.
- Cập nhật các vị trí ngập, mức độ ngập, giờ đỉnh triều để chủ động di chuyển.
- Kê cao các đồ dùng điện và ngắt hết nguồn điện khi nhà có dấu hiệu ngập nước, đề phòng điện giật.
- Chủ động gia cố và tôn cao các đoạn đê bao, bờ bao thấp, xung yếu, đề phòng sạt lở, vỡ đê.