“Tôi vẫn phải kiếm sống, phải có kinh phí để “nuôi” đam mê gây dựng không gian đọc cho những đứa trẻ ở quê tôi. Tôi làm nhiều công việc vào ban ngày. Cuối tuần và bất cứ thời gian nào rảnh rỗi, tôi đều dành cho thư viện. Nhưng tôi không thấy vất vả, cũng không thấy áp lực, vì đó là một phần trong cuộc sống của tôi”, Hưng đã trả lời như thế…
Con đường đến Mỹ
Không phải đến khi Phùng Bá Hưng nổi như cồn khi giành học bổng với ngành học đặc biệt: ngành thư viện, tôi mới chú ý đến anh. Biết Hưng đã vài năm, tôi luôn thấy anh chàng sinh năm 1990 này có những điều đặc biệt khiến người khác tò mò.
Thủ thư Phùng Bá Hưng vừa giành được học bổng thạc sĩ toàn phần Fulbright của Chính phủ Mỹ.
Hưng luôn có những dự định chẳng giống ai. Bởi thế, nhìn vào những việc Hưng làm, có người bảo anh táo bạo, có người lại bảo viển vông. Nhưng nếu kiên trì dõi theo, thì sẽ nhận ra rằng đó là những lối đi đầy cá tính. Hưng tốt nghiệp khoa Báo chí – Truyền thông, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội năm 2013. Trong khi bạn bè hăng hái lao vào nghề, Hưng lại đủng đỉnh xách ba lô lặn lội khắp Hà Giang để thực hiện dự án chụp ảnh về trẻ em vùng cao.
Bẵng đi mấy tháng, Hưng về Hà Nội với “lưng vốn” khoảng 10.000 bức ảnh. Trong số ấy, anh chọn in và mở triển lãm ở Kí túc xá Đại học Quốc gia tạo nhiều dấu ấn. Rồi Hưng vào nghề, làm truyền thông cho một công ty của Nhật Bản. Tưởng đó là con đường Hưng chọn để gắn bó dài lâu. Nhưng sau gần 6 năm, anh nghỉ việc. Không phải là công việc ở đó không hấp dẫn, mà vì anh không đành lòng ở yên một chỗ nào đó quá lâu, bởi còn rất nhiều lĩnh vực cần trải nghiệm.
Năm 2019, Hưng nhận học bổng 6 tuần sang Mỹ tham gia chương trình Thủ lĩnh trẻ Đông Nam Á. Sau chuyến đi đó, Hưng nhận lời làm điều phối cho một chương trình của Đại sứ quán Mỹ. Song song đó, Hưng phụ trách truyền thông cho một số tổ chức ở Việt Nam. Anh bảo học bổng toàn phần Fulbright thực sự là một mối duyên lành, nhưng anh đã không nhận ra mối duyên đó sớm hơn. Trước đó, từng có ý định đi du học, nhưng Hưng chú ý đến các trường ở châu Âu. “Lúc đó tôi chưa hề nghĩ, hay nói đúng hơn không đủ tự tin để nghĩ tới học bổng danh tiếng này. Lúc đó, tôi nhìn Fulbright như nhìn một ngôi nhà cao tầng”, anh chia sẻ.
Đợt sang Mỹ năm 2019, Hưng có 4 tuần thực tập cho thư viện Missoula ở Montana. Bốn tuần đó, Hưng vỡ ra nhiều điều về việc đọc sách ở nơi đây. Ở thành phố nhỏ với hơn 80.000 dân mà có tới hơn 70.000 người có thẻ đọc sách. Thư viện Missoula có vị trí quan trọng trong cộng đồng dân cư. Đây cũng là một trong những thư viện công cộng tốt nhất thế giới. Bên trong thư viện, không chỉ có sách mà còn có hàng trăm sự kiện diễn ra mỗi tháng, có các phòng chuyên về tâm lý, công nghệ, lịch sử, nấu ăn,… phù hợp với nhiều độ tuổi. Ở Montana, sách cũng sẽ đều đặn được đưa đến các trại dưỡng lão, khu ở của người vô gia cư. Có cảm giác rằng sách như là cơm ăn, nước uống hàng ngày, và tất cả mọi người đều được hưởng lợi từ sách. Chính nơi đó đã gợi cho Hưng cảm hứng để học chuyên sâu về ngành thư viện và theo đuổi một mô hình thư viện rõ ràng hơn.
Năm 2020, Hưng nhận được món quà từ Mỹ nhân dịp năm mới, là cuốn lịch để bàn có chữ Fulbright. Năm 2021, Hưng vẫn nhận được món quà, vẫn dòng chữ quen thuộc đó. “Lúc đó mình nghĩ đây phải chăng là mối duyên lành. Vậy là mình cắt nguyên logo Fulbright dán lên tủ và quyết định tìm hiểu học bổng này. Chỉ khi dừng hết các mảng công việc chiếm trọn thời gian trong ngày, Hưng mới có thời gian chuẩn bị hồ sơ và “đánh liều” nộp thử Fulbright. Mọi nỗ lực cuối cùng đã được đền đáp.
Năm 2023 này, Thư viện Dương Liễu kỷ niệm chặng đường 10 năm hoạt động. Cũng đúng thời điểm Hưng - người đồng sáng lập và quản lý thư viện, bắt đầu hành trình theo học thạc sỹ ngành Thư viện tại Mỹ thông qua Chương trình học bổng toàn phần thạc sỹ Fulbright. Học thạc sĩ ngành thư viện, nhưng chuyên ngành sâu hơn Hưng dự định chuyên tâm là dịch vụ dành cho thanh thiếu niên và trẻ em. Bởi Hưng muốn học cách tổ chức nhiều sự kiện hữu ích cho trẻ em trong không gian thư viện.
Mơ ước có một không gian đọc cho tất cả mọi người
Hưng thích sách từ ngày bé. Cứ có quyển sách, quyển báo nào là đọc ngấu nghiến. Mặc dù nhà không có điều kiện nhưng bố vẫn đặt báo Thiếu niên Tiền phong định kỳ cho Hưng. Kí ức tuổi thơ của Hưng là hình ảnh chị bán sách quẩy quang gánh đi bán sách dạo trên triền đê. Chị bày sách báo trên mặt đê, khiến bọn trẻ như Hưng mê mẩn sà vào. Mua được quyển sách, cậu bé Hưng ngày đó sẽ vừa đi vừa đọc cho đến lúc về đến nhà. Hình ảnh ấy chị bán sách vẫn nhớ đến tận bây giờ.
Bọn trẻ quê Hưng đọc sách ở thư viện Dương Liễu.
Tốt nghiệp đại học, Hưng muốn có một địa điểm để cất giữ sách cho trẻ con trong làng tới đọc, muốn lôi chúng ra khỏi các quán net, tách chúng khỏi những trò chơi điện tử. Muốn thì muốn vậy, nhưng đâu phải là chuyện đơn giản. Thật may, có một người anh trong xã đã dành phòng khách của gia đình để làm phòng đọc. Kê mấy bộ bàn ghế, đóng vài giá sách. Rồi sách cứ nhiều dần lên. Thư viện tư nhân Dương Liễu được thành lập đơn sơ như thế.
Rồi Hưng tham gia vào thư viện. Có những thời điểm, ngày đi làm, tối về thủ thư Hưng cần mẫn nhập sách, làm thẻ. Trong đầu Hưng luôn tồn tại nhiều câu hỏi: Làm sao để có được nguồn sách? Làm sao để thu hút được bọn trẻ đến thư viện lâu dài? Hưng kì công tạo dựng nhiều hoạt động thú vị để “nhử” bọn trẻ đến. Ban đầu, có khi chỉ là đến chơi. Rồi “chuyển hoá” dần, khiến chúng nghiện sách lúc nào không hay. Bọn trẻ ở Dương Liễu đa phần giờ đều mê thư viện. Rồi bọn trẻ ở các xã bên cũng đến đăng kí đọc sách.
Ở vùng quê Dương Liễu, huyện Hoài Đức, ngoại thành Hà Nội, những ngày đầu khi thấy Hưng lập thư viện, ngày ngày cần mẫn với sách, hồn nhiên với bọn trẻ, nhiều người “nói mát” là vô công rồi nghề. Nhưng sự thông minh và cách làm việc chuyên nghiệp đã giúp anh vận hành thư viện một cách hiệu quả. Hưng đã mang mô hình thư viện làng mình ra thế giới.
Thư viện Dương Liễu ngày càng được biết đến nhiều hơn, tổ chức các hoạt động với quy mô vượt ra ngoài phòng đọc sách. Ngoài đọc sách, còn là những buổi nói chuyện, giao lưu với các nhân vật, làm đồ chơi truyền thống, hoạt động bảo vệ môi trường,… Sau này Hưng tham khảo thêm các chương trình và hoàn thiện từng ngày. Mọi hoạt động ngày càng sôi nổi. Chỉ có một điều 10 năm qua không thay đổi, đó là không thu bất kỳ khoản phí nào của các bạn nhỏ và người dân tham gia các hoạt động của thư viện.
Khi thư viện Dương Liễu trở thành điểm sáng của cả nước, nhiều cá nhân, tổ chức đã liên hệ với Hưng để học hỏi về mô hình thư viện. Năm 2019, Hưng quyết định thành lập Local Bookable và Mạng lưới thư viện địa phương tại Việt Nam với mục tiêu kết nối và hỗ trợ chuyên môn, kinh nghiệm điều hành cho các nhóm thư viện tư nhân, thư viện cộng đồng trên khắp cả nước. Cũng năm này, Hưng mang mô hình thư viện cấp xã sang giới thiệu tại Mỹ theo một chương trình của Đại sứ quán. Không thể ngờ rằng mô hình thư viện bé nhỏ, thô sơ ở một vùng quê lại gây nhiều sự chú ý cho bạn bè quốc tế đến vậy. Họ không nghĩ rằng ở Việt Nam có một thanh niên bỏ ra 6 - 7 năm trời để xây dựng nên một thư viện tư nhân miễn phí, để hình thành thói quen đọc sách cho trẻ em thôn quê.
Hưng bảo tuy rời Việt Nam đi học, nhưng anh yên tâm khi có đội ngũ 80 tình nguyện viên thay anh vận hành thư viện, và anh vẫn sẽ hỗ trợ họ từ xa. Thư viện Dương Liễu là nơi chứng kiến sự thay đổi của nhiều bạn trẻ, từ lúc nhỏ đến khi vào đại học, rồi đi du học. Không chỉ đến Hưng, mà trước đó đã có các bạn giành học bổng đi du học Nhật Bản, Trung Quốc. Còn gì tuyệt vời hơn khi chính thư viện là nơi góp phần vào sự trưởng thành đó của các bạn. Chỉ có một điều Hưng luôn canh cánh, là thư viện Dương Liễu sau 10 năm hoạt động vẫn “ở nhờ” nhà người dân.
Bởi thế, khi hội đồng xét học bổng hỏi về ước mơ của Hưng, anh trả lời rằng: “Tôi ước mơ sau này sẽ có được một không gian thư viện của riêng mình. Đó sẽ là một không gian đọc cho tất cả mọi người. Đó là nơi các bạn dù học bất cứ ngành nghề gì nhưng nếu muốn đóng góp cho thư viện thì đều được tham gia và được trả lương”.