Vào khoảng 19h30 ngày 18/8, ông P.Q.Q (50 tuổi, ngụ quận 1, TP.HCM) điều khiển ô tô biển số 51K - 094.xx từ đường Trần Cao Vân ra đường Hai Bà Trưng. Khi đến giao lộ Nguyễn Thị Minh Khai (quận 1), ông Q cho xe rẽ trái thì đụng vào một người đi bộ đang đứng dưới lòng đường.
Theo một số nhân chứng, nạn nhân bị thương nặng, được đưa đi cấp cứu; còn ông Q hoảng sợ nên bỏ xe rời khỏi hiện trường.
Nhận được tin báo vụ việc, lực lượng cảnh sát giao thông đã có mặt sau đó, tiến hành lập biên bản hiện trường tai nạn và tạm giữ chiếc ô tô trên để giải quyết vụ việc.
Ảnh minh họa.
Được biết, chủ sở hữu chiếc ô tô nói trên là anh Phạm Nam Anh (37 tuổi, ngụ TP Thủ Đức), còn người lái xe gây tai nạn là bảo vệ của một nhà hàng tại phường Đa Kao, quận 1.
'Khi tôi đến nhà hàng ăn tối thì anh bảo vệ kêu tôi cứ đậu xe trước quán và để chìa khóa trên xe, khi nào cần thiết dời xe thì anh ấy sẽ tự dời. Đến khi đang ăn gần xong thì nhận được tin báo xe tôi gây tai nạn.
Tôi cam đoan không giao xe cho tài xế, tôi nghĩ nhà hàng lớn thì bảo vệ chạy xe của khách phải có giấy phép lái xe và phải chịu trách nhiệm với tài sản của khách', anh Nam Anh nói.
Cũng theo anh Nam Anh, sau khi xảy ra tai nạn, anh liên hệ với nhà hàng để tính cách giải quyết hậu quả thì nhà hàng đổ hết trách nhiệm cho công ty bảo vệ vì cho rằng bảo vệ không phải là nhân viên của nhà hàng.
'Họ không có thiện chí xin lỗi hay tìm hướng giải quyết mà chỉ đổ trách nhiệm cho nhau. Nạn nhân bị thương, xe tôi hư hỏng chưa biết giải quyết như thế nào', chủ xe bày tỏ sự bức xúc.
Được biết, ông Q đã đến trụ sở cảnh sát giao thông trình diện, thừa nhận gây tai nạn khi không có giấy phép lái xe.
Hiện ông Q và nạn nhân đang trong quá trình thương lượng bồi thường, cảnh sát giao thông sẽ căn cứ vào kết quả đó để tiếp tục xử lý hành vi của người gây tai nạn.
Lời khai của ông Q và chủ xe trùng khớp nhau, chủ xe không trực tiếp giao xe cho ông Q mà do tự ông lên xe chạy đi.
Trao đổi với PV Infonet về vụ việc, luật sư Phạm Quang Xá – Giám đốc Công ty luật TNHH XTVN (Hà Nội) phân tích: “Khi khách hàng đi ô tô đến nhà hàng thì nhân viên bảo vệ phải hướng dẫn hoặc tự mình lái xe thay khách hàng sắp xếp xe vào nơi đỗ xe của nhà hàng. Khi tuyển dụng bảo vệ, nhà hàng phải xác thực bảo vệ có đầy đủ điểu kiện để lái xe.
Luật sư Phạm Quang Xá trao đổi với PV Infonet về vụ việc.
Căn cứ Điều 600 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại do người làm công, người học nghề gây ra thì cá nhân, pháp nhân phải bồi thường thiệt hại do người làm công gây ra trong khi thực hiện công việc được giao, và có quyền yêu cầu người làm công có lỗi trong việc gây thiệt hại phải hoàn trả một khoản tiền theo quy định của pháp luật.
Đối với trường hợp này, tuy bảo vệ thuộc công ty bảo vệ, nhưng khi vụ việc xảy ra, người bảo vệ đang thực hiện công việc mà nhà hàng giao, người bảo vệ trực tiếp chịu sự giám sát và quản lý của nhà hàng. Như vậy, nhà hàng phải có trách nhiệm thay nhân viên bảo vệ bồi thường các chi phí sửa chữa xe cho khách hàng và những thiệt hại khác liên quan đến vụ tai nạn, sau đó nhà hàng sẽ yêu cầu nhân viên bảo vệ và công ty bảo vệ liên đới chịu trách nhiệm hoàn trả số tiền bồi thường.
Nếu nhân viên bảo vệ không có bằng lái nhưng nhà hàng yêu cầu, hoặc biết mà vẫn để cho bảo vệ lái xe của khách vào chỗ đậu thì chủ nhà hàng phải chịu trách nhiệm về hành vi giao xe cho người không đủ điều kiện lái xe gây tai nạn, đồng thời phải liên đới bồi thường trách nhiệm dân sự cho chủ phương tiện và người bị tai nạn.
Hiện nay, nhiều nhà hàng đều có bảo vệ biết lái xe để đưa xe của khách hàng đến chỗ đỗ xe, xếp chỗ, thậm chí có nhà hàng còn có bảo vệ lái xe cho khách về tận nhà nếu thấy khách không đủ khả năng lái xe khi đã sử dụng bia rượu. Do đó, khách hàng về ý chí luôn tin tưởng bảo vệ lái xe nhà hàng đã được tuyển dụng đủ điều kiện làm việc, lái xe xếp chỗ cho khách'.
Về trách nhiệm hình sự đối với các bên trong vụ việc, luật sư Quang Xá nhận định: “Nhân viên bảo vệ có thể sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự và trách nhiệm bồi thường thiệt hại về mặt dân sự.
Về trách nhiệm hình sự, trong vụ việc này, ông Q là người không có giấy phép lái xe, không đủ điều kiện điều khiển ô tô theo quy định của pháp luật, nhưng vẫn điều khiển xe và gây tai nạn cho người khác, nên có thể sẽ bị xử lý về hành vi 'Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ' theo quy định tại Điều 260 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017 (BLHS).
Trong trường hợp này, ông Q có lỗi trong quá trình điều khiển phương tiện giao thông đường bộ dẫn đến tai nạn giao thông với hậu quả làm người khác bị thương, do đó, ông Q có thể sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự theo Khoản 2 Điều 260 BLHS với mức hình phạt đối với hành vi trên là phạt tù 3 - 10 năm tù'.
Luật sư phân tích thêm, ngoài việc bị xử lý về trách nhiệm hình sự, ông Q còn phải thực hiện trách nhiệm dân sự theo quy định tại Điều 589 và 590 Bộ luật Dân sự 2015. Cụ thể như sau:
Thứ nhất, bồi thường thiệt hại do tài sản bị xâm phạm được quy định tại Điều 589 Bộ luật Dân sự. Căn cứ theo lỗi của ông Q trong trường hợp này, ông Q sẽ có trách nhiệm phải bồi thường thiệt hại là chi phí sửa chữa đối với những hư hỏng của chiếc xe mà ông Q điều khiển gây tai nạn.
Thứ hai, bồi thường thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm. Trường hợp gây tai nạn ảnh hưởng tới sức khỏe, căn cứ Điều 590 Bộ luật Dân sự, lái xe gây tai nạn phải bồi thường các chi phí bồi thường thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm, bao gồm: Chi phí cho việc cứu chữa; bồi dưỡng, phục hồi sức khoẻ và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại.
Thứ ba, bồi thường phần thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại; nếu thu nhập thực tế của người bị thiệt hại không ổn định và không thể xác định được thì áp dụng mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại.
Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị; nếu người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần phải có người thường xuyên chăm sóc thì thiệt hại bao gồm cả chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại.
'Các bên có thể thỏa thuận về mức bồi thường, hình thức bồi thường đối với trường hợp này. Ngoài ra, ông Q có thể sẽ phải bù đắp tổn thất về tinh thần người bị hại. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thoả thuận; nếu không thoả thuận được thì mức tối đa cho một người có sức khỏe bị xâm phạm không quá 50 lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định', luật sư Phạm Quang Xá chia sẻ.