Tỷ lệ tiêm chủng vắc-xin Covid-19 thấp cùng sự lây lan nhanh chóng của biến chủng Delta khiến nhiều nước châu Á đang rơi vào cuộc khủng hoảng dịch bệnh trầm trọng nhất, theo CNN.
Trong khi nhiều nước như Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc mới ghi nhận sự bùng nổ số ca mới mắc Covid-19, một số nước ở Đông Nam Á đã và đang trải qua số ca mắc và tử vong theo ngày tăng nhanh chóng.
Thi thể bệnh nhân Covid-19 được chôn cất ở Indonesia. (Ảnh: AP)
Trong năm 2020, các nước Đong Nam Á đã kiểm soát được dịch Covid-19, nhưng hiện thời dịch bệnh tái bùng phát cùng với sự xuất hiện của các biến chủng có khả năng làm virus lây lan nhanh hơn như Delta, các cơ sở y tế ở khu vực này đã rơi vào khủng hoảng khi thiếu giường bệnh, thiếu thiết bị và bình oxy để chữa trị cho bệnh nhân. Chấp nhận thiệt hại tài chính to lớn, nhiều nước buộc phải tiến hành phong tỏa, đóng cửa nhà máy tại những khu công nghiệp sản xuất chủ chốt và hạn chế hoạt động đi lại của người dân để kiềm chế dịch bệnh.
Các nước giàu có như Anh và Singapore đã tiến hành tiêm phòng vắc-xin Covid-19 cho hơn 1/2 dân số. Số liệu của trang Our World in Data cho thấy, tỷ lệ tiêm phòng đủ liều vắc-xin Covid-19 tại Thái Lan là khoảng 5%, Philippines 7,2% và Indonesia là 7,6%.
Indonesia
Với dân số đứng thứ 4 thế giới, Indonesia gần đây đã vượt qua Ấn Độ trở thành tâm dịch Covid-19 ở châu Á. Mỗi ngày, quốc gia này ghi nhận có hơn 50.000 ca mới mắc Covid-19.
Hôm 4/8, Indonesia đã vượt qua con số 100.000 người tử vong vì Covid-19 và trở thành quốc gia đứng thứ 2 ở khu vực châu Á có số người chết vì Covid-19 nhiều nhất.
Các chuyên gia nhận định, nếu số ca mắc Covid-19 không giảm, hệ thống y tế của Indonesia có thể rơi vào thảm họa. Nhiều người còn nhận định, tình hình dịch bệnh thực tế ở Indonesia nghiêm trọng hơn do nhiều người không được làm xét ngiệm. Một cuộc điều tra ở địa phương cho thấy, gần 1/2 trong tổng số 10,6 triệu dân ở thủ đô Jakarta có thể đã nhiễm virus corona.
Indonesia đang trải qua cuộc khủng hoảng y tế khi bệnh viện đã quá tải, các nghĩa địa không còn chỗ để chôn bệnh nhân Covid-19 qua đời và nhân viên y tế bị kiệt sức vì làm việc tăng ca.
Các chuyên gia cho rằng, Indonesia đang phải trả giá do không thi hành lệnh phong tỏa nghiêm ngặt ngay từ đầu và cũng không chú tâm vào hệ thống truy vết hiệu quả.
Song theo Reuters, chính phủ Indonesia đang hướng tới mục tiêu dần dần mở cửa trở lại nền kinh tế quốc gia vào tháng Chín tới.
Malaysia
Dù đã áp dụng lệnh phong tỏa toàn quốc, Malaysia vẫn phải chứng kiến số ca mắc và tử vong vì Covid-19 cao kỷ lục.
Số ca mắc Covid-19 ở Malaysia đã vượt qua con số 1 triệu người. Hôm 4/8, Bộ Y tế Malaysia thông báo nước này ghi nhận số ca mới mắc Covid-19 trong ngày cao kỷ lục với 19.819 trường hợp. Con số này cao hơn nhiều so với mức 7.000 ca mắc mỗi ngày vào tháng Bảy. Số người chết vì Covid-19 mỗi ngày cũng đạt con số kỷ lục với 257 ca vào ngày 4/8.
Malaysia chứng kiến sự bùng phát của các ổ dịch Covid-19 trong khu vực sản xuất và giao thông vận tải. Dù lệnh phong tỏa toàn quốc được thi hành vào ngày 12/5, nhưng theo báo cáo của Reuters, nhiều lĩnh vực sản xuất được coi là thiết yếu, công nhân vẫn phải làm việc bất chấp nguy cơ mắc Covid-19 tăng cao.
Tuy nhiên, trong tháng Bảy, tỷ lệ tiêm vắc-xin Covid-19 ở Malaysia đã được cải thiện đáng kể so với nhiều nước láng giềng. Theo Our World in Data, khoảng 22,5% người dân Malaysia đã được tiêm phòng đủ liều vắc-xin Covid-19.
Bệnh viện dã chiến 1.800 giường bệnh được thiết lập ở thủ đô Bangkok của Thái Lan hồi tháng Bảy. (Ảnh: AP)
Thái Lan
Dù là quốc gia đầu tiên báo cáo có trường hợp mắc Covid-19 bên ngoài lãnh thổ Trung Quốc vào tháng 1/2020, nhưng nhờ các biện pháp kiểm soát dịch thành công, Thái Lan đã giữ được số lượng ca nhiễm virus corona ở mức thấp.
Nhưng trong năm nay, quốc gia này đang phải đối mặt với những thách thức lớn hơn từ dịch bệnh. Sau khi kiểm soát được làn sóng Covid-19 thứ 2 bùng phát vào tháng 12/2020, Thái Lan đang phải nỗ lực kiềm chế làn sóng thứ 3 với số ca mới mắc và tử vong theo ngày cao chưa từng có.
Hôm 4/8, Trung Tâm Quản trị Tình hình Covid-19 (CCSA) của Thái Lan thông báo nước này có thêm 20.920 ca mới mắc Covid-19 trong 1 ngày. Đây là ngày thứ 2 liên tiếp Thái Lan có hơn 20.000 ca mới mắc bệnh/ngày. Tổng số người chết là hơn 5.660.
Các bệnh viện ở thủ đô Bangkok đang bị quá tải do số lượng ca mắc Covid-19 tăng nhanh, khiến nhiều người phải nhập viện điều trị.
Vào ngày 3/8, Thái Lan đã quyết định kéo dài thời gian phong tỏa toàn quốc tới hết tháng Tám nhằm làm giảm số ca mắc Covid-19. Theo CNN, 29 tỉnh ở Thái Lan với số người chiếm khoảng 40% tổng dân số quốc gia này đang thi hành lệnh phong tỏa.
Thái Lan đặt mục tiêu tiêm phòng cho 50 triệu người dân vào cuối năm nay. Theo số liệu của CCSA, 23% trong tổng số 70 triệu dân Thái Lan đã được tiêm ít nhất 1 mũi vắc-xin Covid-19 và 5% dân số đã tiêm đủ liều.
Myanmar
Myanmar đang trải qua cuộc khủng hoảng y tế trầm trọng khi nguồn cung bình oxy hỗ trợ điều trị cho các bệnh nhân Covid-19 thiếu hụt trầm trọng.
Các bác sĩ cho hay, nhiều người dân đã chọn cách tự chữa bệnh tại nhà bởi những cơ sở y tế đã hết bình oxy, thuốc men điều trị và giường nằm, cũng như không còn đủ nhân viên y tế chăm sóc cho bệnh nhân. Theo ước tính của Liên Hợp Quốc (LHQ), chỉ có 40% cơ sở y tế của Myanmar còn có khả năng làm nhiệm vụ.
Từ con số khoảng 100 người mắc Covid-19 trong 1 ngày vào đầu tháng Sáu, Myanmar hiện ghi nhận có khoảng 5.000 ca mắc Covid-19 mỗi ngày. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tổng số ca mắc Covid-19 ở Myanmar là 315.118 và số trường hợp tử vong là 10.373.
Hồi tuần trước, đại sứ LHQ tại Anh Barbara Woodward từng lên tiếng cảnh báo 1/2 trong tổng dân số 54 triệu người ở Myanmar có thể bị nhiễm virus corona trong vòng 2 tuần tới.
Bộ Y tế Myanmar đặt mục tiêu tiêm chủng vắc-xin Covid-19 cho 50% dân số trong năm nay. Kế hoạch tiêm phòng vắc-xin Covid-19 được triển khai vào đầu tháng Tám này tại thành phố Yangon.