Bến xe buýt Cầu Muối (quận 4) dừng hoạt động từ sáng 20-6.
Chỉ thị giãn cách mới
Từ ngày 20-6, thành phố Hồ Chí Minh tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn theo Chỉ thị số 10/CT-UBND của UBND thành phố ban hành tối 19-6. Các biện pháp 'siết chặt' được đưa ra được xem là phép cộng giữa Chỉ thị 15/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và một số quy định mang tính đặc thù của thành phố Hồ Chí Minh.
Đáng chú ý, từ ngày 20-6, thành phố Hồ Chí Minh nghiêm cấm tụ tập quá 3 người ở nơi công cộng; dừng hoạt động vận tải hành khách công cộng và taxi; dừng xe công nghệ dưới 9 chỗ (trừ xe công nghệ 2 bánh). Cơ quan, đơn vị nhà nước tổ chức cho cán bộ, nhân viên sử dụng công nghệ thông tin làm việc tại nhà; chỉ những trường hợp thật sự cần thiết mới đến làm việc tại công sở, nhưng không quá 1/2 tổng số người lao động. Riêng lực lượng vũ trang và ngành Y tế thành phố đảm bảo 100% quân số.
Xe công nghệ 2 bánh vẫn được hoạt động, nhưng tài xế phải khai báo sức khỏe hằng ngày.
Các khu phố 2, 3 và 4 phường An Lạc, quận Bình Tân là 3 trong 6 khu dân cư tại thành phố Hồ Chí Minh áp dụng Chỉ thị 16/CT-TTg từ ngày 20-6. Bà Lê Thị Ngọc Dung, Phó Chủ tịch UBND quận Bình Tân cho biết quận đã thành lập 37 chốt với 198 nhân lực, chốt chặn các tuyến đường xung quanh khu vực này.
'Các vùng bị phong tỏa có số hộ dân bị ảnh hưởng là 17.441 hộ (55.931 người), có 306 doanh nghiệp bị ảnh hưởng và 4 cơ quan, đơn vị nằm trong khu vực phong tỏa gồm Văn phòng tiếp công dân của Trung ương Đảng, Tòa án, Viện Kiểm sát và Chi cục Thi hành án dân sự quận Bình Tân. Địa phương đã phối hợp với các sở, ngành, doanh nghiệp đảm bảo cung cấp đủ nhu yếu phẩm cho người dân vùng phong tỏa', bà Lê Thị Ngọc Dung thông tin.
Còn tại huyện Hóc Môn, 13 chốt kiểm soát xung quanh ấp Tân Thới 2, Tân Thới 3 và một phần ấp Thới Tây 1 của xã Tân Hiệp đã hoạt động từ rạng sáng 20-6. Chính quyền địa phương sẽ hoàn tất việc cấp giấy xác nhận các xe được ra vào vùng phong tỏa trong ngày 20-6. Với những người làm ở các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp được phép hoạt động, phải xuất trình giấy tờ chứng minh công việc tại các chốt kiểm soát và phải thực hiện khai báo y tế theo quy định.
Trao đổi với phóng viên qua mạng xã hội, anh Dương Công Thành, 28 tuổi ngụ tại ấp Tân Thới 3, cho biết: 'Tâm lý chung của người dân là đoàn kết cùng chính quyền thực hiện cách ly phong tỏa triệt để trong 14 ngày tới để có cơ hội ngăn chặn dịch Covid-19, còn hơn là thấp thỏm nhìn các ca nhiễm liên tục xuất hiện trên địa bàn như mấy ngày qua'.
Bản đồ vùng phong tỏa 3 khu dân cư tại huyện Hóc Môn.
Chưa áp dụng cách ly F1 tại nhà
Tối 19-6, trả lời câu hỏi của các phóng viên tại cuộc họp báo thông tin tình hình phòng, chống dịch Covid-19, ông Từ Lương, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Hồ Chí Minh cho biết hiện thành phố chưa có chủ trương thực hiện việc này. Các trường hợp F1 tại thành phố Hồ Chí Minh vẫn thực hiện cách ly y tế tập trung theo quy định.
Trước đó, ngày 17-6, Bộ Y tế có đề xuất thành phố Hồ Chí Minh nghiên cứu quy trình, triển khai thí điểm việc cách ly F1 tại nhà và nơi cư trú. Nói về vấn đề này, Phó Giám đốc Sở Y tế thành phố Nguyễn Hữu Hưng cho rằng cách ly tại nhà sẽ giúp người bị cách ly có tâm lý thoải mái hơn vì vẫn được ở chung với người thân, giảm tải cho điểm cách ly tập trung. Tuy nhiên, không phải gia đình nào cũng đủ điều kiện để cách ly tại nhà. Bên cạnh đó, việc giám sát người cách ly tại nhà cũng gặp nhiều khó khăn.
Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục trưng dụng ký túc xá của nhiều trường đại học để làm nơi cách ly tập trung các trường hợp F1.
Nhận xét về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Hạnh, 58 tuổi, nguyên cán bộ Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh, ngụ tại số 60/68 đường Lâm Văn Bền, quận 7, nói: 'Rác thải từ những hộ cách ly này sẽ được xử lý thế nào? Ai sẽ là người ngay lập tức đến giải quyết vấn đề khi F1 vi phạm giới hạn khu vực cách ly? Trong một phường, nếu chỉ có 1 khu vực cách ly tập trung thì còn bố trí lực lượng giám sát. Nếu trải ra thành nhiều điểm cách ly F1 tại nhà, sẽ rất khó khăn để huy động lực lượng này'. Còn anh Dương Đức Định, một chủ khách sạn mini ở quận 5 được tham gia cùng ngành Y tế tổ chức cách ly tập trung cho người nhập cảnh có trả phí cho biết: 'Đối tượng cách ly tại cơ sở của tôi không phải là F1, nhưng các cơ quan chức năng phải thẩm tra rất kỹ cơ sở lưu trú, bao gồm cả vị trí, điều kiện ăn ở, sinh hoạt, quy trình xử lý rác thải, nước thải… rồi mới đồng ý cho tham gia tổ chức cách ly tập trung. Việc cách ly F1 tại nhà cần quy trình chặt chẽ'.
Chiến dịch tiêm vắc xin phòng Covid-19 lớn nhất từ trước đến nay tại thành phố Hồ Chí Minh sẽ lùi 1 ngày so với dự kiến trước đó và dự định diễn ra từ ngày 21 đến 26-6, với mục tiêu tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho khoảng 1 triệu người. Trong số này, có khoảng 289.000 người là đối tượng hộ nghèo, cận nghèo, bảo trợ xã hội. Chiều 19-6, Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức tập huấn trực tuyến cho hơn 5.000 nhân viên y tế tham gia 1.000 điểm tiêm chủng khắp thành phố. Đáng chú ý trong đợt tiêm chủng lần này, ngành Y tế thành phố sẽ triển khai Sổ sức khỏe điện tử để người dân cập nhật tình hình sức khỏe sau khi tiêm và làm tiền đề hình thành hộ chiếu vắc xin điện tử.