Hôm nay (6/7), Chỉ huy Các lực lượng vũ trang Philippines là Tướng Cirilito Sobejana cho hay, lực lượng chức năng đã thu hồi được hộp đen từ chiếc máy bay vận tải C-130 của không quân Philpiines gặp nạn hôm 4/7, khiến 52 người thiệt mạng.
Ông Sobejana nhấn mạnh, phi công điều khiển vận tải cơ C-130 là người đã có vài năm kinh nghiệm lái máy bay loại này và nằm trong số những người tử vong khi máy bay rơi xuống đảo Jolo.
Tổng thống Philippines tới thăm những người may mắn sống sót sau tai nạn của vận tải cơ C-130 khiến 52 người chết. (Ảnh: EPA-EFE)
Tướng Sobejana cho biết thêm, hộp đen của máy bay C-130 đã được thu hồi vào ngày 5/7 và sẽ giúp các nhà điều tra tìm hiểu chuyện gì xảy ra trước vụ tai nạn thông qua các đoạn ghi âm nói chuyện giữa phi công và những người có mặt trên máy bay.
'Tôi đã nói chuyện với những người còn may mắn sống sót và họ cho biết chiếc máy bay đã bị chao đảo từ 2 – 3 lần. Phi công đã cố lấy lại thăng bằng để đưa máy bay bay lên cao, nhưng mọi chuyện đã là quá muộn. Phần cánh bên phải của máy bay đã va vào một cái cây', Reuters dẫn lời ông Sobejana.
Đáng nói, ông Sobejana khẳng định không có ai trên máy bay nhảy ra khỏi chiếc C-130 trước khi nó lao xuống đất. Trong khi đó, một số nhân chứng trước đó lại cho rằng, một số hành khách đã cố nhảy khỏi máy bay trước khi nó đâm sầm xuống mặt đất.
Theo ông Sobejana, phần đầu của máy bay đã bị hở do có vết cắt nên một số binh sĩ đã dùng vị trí này làm lối thoát ra ngoài. Trong khi những người khác đã bị bất tỉnh và không thể tỉnh lại trước thời điểm chiếc máy bay lao xuống đất và bốc cháy dữ dội.
Máy bay vận tải Lockheed C-130 của không quân Philippines chở theo 96 binh sĩ không may gặp nạn trong quá trình đưa quân đi làm nhiệm vụ tiêu diệt các nhóm phiến quân ở miền nam Philippines.
Bộ Quốc phòng Philippines tuyên bố tính tới ngày 5/7, có 52 người được xác định đã thiệt mạng bao gồm 3 dân thường ở dưới mặt đất và 2 binh sĩ dù đã được đưa vào viện cấp cứu nhưng qua đời do vết thương quá nặng. Đây là thảm họa kinh hoàng nhất của lực lượng không quân Philippines trong gần 30 năm qua.
Phát ngôn viên quân đội Philippines là ông Edgard Arevalo cho hay trước khi gặp tai nạn, chiếc C-130 'vẫn ở trong tình trạng rất tốt' và còn tới 11.000 giờ bay nữa mới tới lần bảo dưỡng tiếp theo.
Chiếc C-130 gặp nạn là 1 trong 2 vận tải cơ đã được tân trang và được không quân Mỹ chuyển giao cho Philippines trong năm nay theo khuôn khổ chương trình hỗ trợ quân sự. Philippines hiện là đồng minh lâu đời nhất của Mỹ ở khu vực châu Á.
Đáng nói, trước thời điểm xảy ra vụ tai nạn, chính chiếc C-130 đã chở Tướng 2 sao Romeo Brawner Jnr cùng vợ và 3 con của ông này từ Manila tới thành phố Cagayan de Oro, nơi ông được bổ nhiệm làm Tướng chỉ huy quân sự của khu vực vào ngày 5/7.
Vấn đề an ninh hàng không của quân đội Philippines hiện được cho là rất thấp. Máy bay C-130 của không quân Philippines cũng từng bị rơi vào năm 1993 và cướp đi sinh mạng của 30 người.
Vào năm 2008, một phiên bản máy bay dân sự của hãng Lockheed do không quân Philippines sử dụng đã bị rơi và khiến 11 người tử vong.
Vụ tai nạn hàng không khủng khiếp ở Philippines phải kể tới một chiếc Boeing 737 bị rơi vào năm 2000, khiến 131 người thiệt mạng.
Tai nạn vì làm việc quá tải?
Trong những năm gần đây, không quân Philippines liên tiếp ghi nhận các vụ tai nạn máy bay gây thương vong lớn về người.
Ông Jose Antonio Custodio, lịch sử gia quân sự và từng làm việc trong quân đội Philippines, cho rằng một phần nguyên nhân của những vụ tai nạn là do Tổng thống Duterte đã từ chối lời đề nghị hỗ trợ từ phía Mỹ sau các thảm họa thiên nhiên.
Hiện trường chiếc máy bay vận tải C-130 của không quân Philippines bị rơi. (Ảnh: Reuters)
'Theo tôi, đó là lỗi của ông Duterte bởi các khí tài của lực lượng không quân đã bị làm việc quá tải, trong khi không một ai đưa ra quyết định nhờ tới sự hỗ trợ của Mỹ. Chuyện này khiến không quân Philippines phải làm việc một mình suốt những ngày tháng xảy ra thiên tai và mưa bão', Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) dẫn lời ông Custodio.
Hồi tháng Một năm nay, một chiếc trực thăng UH-1H Huey cũng đã bị rơi khiến toàn bộ 7 người có mặt trên máy bay thiệt mạng. Sau tai nạn, 20 chiếc trực thăng Huey đã được yêu cầu dừng bay.
Mới đây, hồi tháng Sáu, chiếc trực thăng S-70i Black Hawk Utility của quân đội Philippines cũng đã gặp nạn trong quá trình huấn luyện và khiến 6 người thiệt mạng. Tai nạn cũng đã khiến hơn 10 chiếc Black Hawk phải dừng bay. Trong khi đây là lô máy bay mới được bàn giao cho Philippines theo bản hợp đồng trị giá 241 triệu USD được Philippines ký kết với công ty PZL của Ba Lan. Công ty PZL sản xuất Black Hawk theo giấy phép của công ty Sikorsky ở Mỹ.
Khi được hỏi về các loại máy bay vẫn đang hoạt động trong không quân Philippines, ông Custodio cho biết một nửa phi đội trực thăng đã bị 'phủ bạt' và chỉ có những trực thăng cỡ nhỏ như Bell 205 và 412 còn đang được sử dụng.
Sau tai nạn của chiếc C-130, Thượng nghị sĩ Richard Gordon đã hối thúc chính phủ Philippines mua thêm các vận tải cơ.
'Singapore có 10 chiếc C-130, Thái Lan có 12 chiếc. Nhưng chúng ta chỉ có 3 chiếc và giờ 1 chiếc đã gặp nạn', ông Gordon nhấn mạnh.
Phát ngôn viên của Tổng thống Philippines là ông Harry Roque hôm 5/7 tuyên bố các vụ tai nạn của không quân nước này sẽ 'làm thúc đẩy quá trình hiện đại hóa hơn nữa' cho các lực lượng quân sự quốc gia.
Trong đêm ngày 5/7, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã bay tới thành phố Zamboanga để gặp gỡ và thăm hỏi các binh sĩ bị thương, cũng như tưởng niệm những nạn nhân không may qua đời. Ông Duterte đã hứa sẽ hỗ trợ thân nhân của các binh sĩ tử nạn và hứa tăng ngân sách cho quá trình hiện đại hóa các lực lượng vũ trang.
'Với vai trò Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang, tôi cực kỳ đau lòng khi chứng kiến mất mát quá lớn', ông Duterte nhấn mạnh.