Khát vọng sống
Thuyền trưởng Bùi Văn Toàn, người được mệnh danh là “Sói biển”, người lần thứ hai trở về từ cõi chết vui mừng khi được đoàn tụ bên vợ con và người thân cho biết, 12 ngày đêm lênh đênh trên biển là khoảng thời gian kinh khủng nhất trong hơn 20 năm đi biển của ông.
Theo ông, kế hoạch chuyến đi biển này kéo dài 2 tháng. Nhưng, trong quá trình đánh bắt, tàu của ông đã trúng lớn, đánh bắt được nhiều hải sản, hơn nữa lại có tin vợ ông ở nhà phải đi viện. Một công đôi việc, ông quyết định rút ngắn kế hoạch, quay về thăm vợ con và chuyển thành quả lao động về. Trên đường trở về thì con tàu gặp nạn.
Những người vừa trở về từ cõi chết.
Con tàu bị sóng lớn đánh úp. “Sóng nó vô hầm, chúng tôi bơm không kịp nên tàu chìm. Tôi kêu anh em thả 2 thúng xuống biển, chia nhau thoát nạn”, ông Toàn kể.
Những ngày đầu, hai chiếc thúng cố gắng bơi gần để hỗ trợ lẫn nhau. Có lúc sóng đánh lật thúng này thì thúng bên kia hỗ trợ để tiếp tục chống chọi. Tuy nhiên, khoảng một tuần sau, các ngư dân đã kiệt sức. Sau một đêm chống chọi với sóng lớn, hai thúng đã thất lạc nhau. 12 ngày lênh đênh trên biển, các ngư dân chỉ hứng nước mưa uống cầm cự. Nhiều lúc, họ phải uống nước biển để cầm hơi. Sau nhiều ngày chống chọi với sóng lớn, đói khát, 3 ngư dân trên thúng của ông Toàn lần lượt qua đời vì kiệt sức.
Nhớ lại vụ chìm tàu tại biển Kê Gà năm 2014, ông Toàn nói lần gặp nạn này nặng hơn rất nhiều. Lần đó tàu cá của ông bị chìm, cũng có 6 người nằm lại với biển khơi. Nhưng, thời gian phải chiến đấu với tử thần ngắn hơn nhiều. Hỏi ông còn dám đi biển nữa không, ông Toàn bảo: “Không đi chắc nhớ biển lắm”. Cũng chỉ vì nhớ biển mà sau tai nạn năm 2014, ông lại đóng tàu vươn khơi. Con tàu BTh-97478 TS của ông ra khơi từ năm 2019.
Vợ ốm, con gái Bùi Thị Mỹ Ngọc thay mẹ ra Cam Ranh đón cha. Về đến nhà, trong niềm vui, Mỹ Ngọc nói trong nước mắt: “Trước lúc đi, em sợ không nhận ra cha. Đây là lần thứ hai cha em sống lại, mẹ em như là lấy được chồng mới, chắc em phải gọi cha bằng dượng!”. Mẹ Mỹ Ngọc bẽn lẽn trước lời nói của con gái. Quả thật, “Sói biển” chưa về, bà như người mất hồn, hỏi không nói. Nhưng, từ lúc chồng về đến nhà, bà như sống lại. Tay thoa thuốc lên vết thương cho chồng, miệng nói cười.
“Sói biển” Bùi Văn Toàn và vợ.
Với kinh nghiệm 30 năm đi biển, ngư dân Nguyễn Văn Mỹ, hai bàn tay bị lở loét nặng, cho biết, ông chưa bao giờ trải qua thời gian kinh khủng như 12 ngày qua.
Anh Nguyễn Thành La, một trong 5 người từ chiếc thúng chài 8 người, vẫn chưa hết bàng hoàng. Anh cũng không tin là mình và các bạn thuyền có thể trở về trong vòng tay người thân. Về tới nhà, chưa kịp chào hỏi cha, anh vội lao tới bàn thờ người anh trai cả, đốt nén hương, quỳ lạy anh trong giàn giụa nước mắt. Trong căn nhà nhỏ, nơi cha và 3 anh em trai sinh sống, giờ người anh Nguyễn Thành Lãng của anh đã nằm lại biển khơi. Trên con tàu BTh-97478 TS bị nạn, gia đình anh có 4 chú cháu, anh em ruột, thì 2 trong số đó mãi mãi không về.
Nguyễn Thành La kể: “Chắc mẹ thương nên chúng tôi mới thoát chết, khi tất cả đã sức cùng lực kiệt, mọi người muốn buông tay, tôi động viên mọi người đừng buông, buông là chết, ai mệt thì nghỉ, tuyệt đối không buông. Tôi và anh Vinh chia nhau bơi (bơi thúng). Bất ngờ, chúng tôi phát hiện một vài quả bơm (táo), liền lái thúng đến vớt lên, chia nhau mỗi người một miếng. Trước đó chúng tôi phải vớt rong biển, hứng nước mưa để uống, giờ có táo ăn, vậy là có sức để sống và hy vọng...”.
Phận người lênh đênh
Trong khi kể về những ngày vật lộn với thần chết, một cô gái cầm lẵng hoa cùng dòng chữ “Mừng anh La trở về”. Anh La đang mệt nhưng cũng ngồi dậy đón nhận lẵng hoa, cười tươi. Bỗng nước mắt anh tràn ra khi nhìn thấy một cô bé thập thò ngoài cửa. Đó là cô con gái lớn của anh. Ôm con gái đang học lớp 11 vào lòng, hai cha con cùng khóc. Anh vỗ về con: “Nín đi, ba về rồi, ráng học nghe con! Ba sẽ không để cho các con phải khổ!”. Anh vừa khóc, vừa nói, vừa xoa đầu con gái, bởi anh không tin mình được gặp lại con. Có mặt trong căn nhà nhỏ ấy, chẳng mấy ai cầm được nước mắt.
Trước đó, cùng anh trai thắp hương cho người anh cả Nguyễn Thành Lãng, hai anh em La và Luyến đã ôm nhau khóc. Giờ, anh trai ngồi trò chuyện cùng bà con, Luyến cũng ngồi bên cạnh, không nói mà chỉ lau nước mắt. Chắc chỉ những ai từ cõi chết trở về mới thấu hiểu được tâm trạng của anh em họ.
Với 2 chiếc thúng chài như vậy, 15 con người đã vật lộn với sóng biển hàng chục ngày đêm.
Nguyễn Thành Luyến kể lại rằng, những ngày đó, có một vài chiếc tàu lạ đi ngang thúng chài 7 người. Mọi người kêu cứu, ra hiệu gặp nạn... nhưng họ làm ngơ, có thể họ không nghe, cũng có thể họ không muốn cứu. Lúc này, do sức cùng lực kiệt, chú Lương không chịu nổi và ra đi. Tôi và anh Lãng đành nhắm mắt thả chú xuống biển. Đó là ngày 16-7. Đêm hôm sau, ngày 17-7, anh Lãng cũng bỏ tôi và các bạn tàu mà đi. Tôi lại lần nữa tự tay mình thả thi thể người thân xuống biển.
Ngày 18, chúng tôi gặp được chiếc tàu lạ thứ 8. Chúng tôi áp sát, tôi và một người nữa leo lên nhờ họ cứu giúp nhưng họ đuổi xuống. Sau đó, một người trên thúng chúng tôi leo lên tàu thì bị họ cầm dao dọa chém, đuổi xuống. Cũng may, chúng tôi ra hiệu đói, khát nên họ lẳng xuống cho chúng tôi một thùng bánh sữa và một bình nước. Có thức ăn, nước uống, hy vọng sống của chúng tôi được kéo dài. Nhưng, rạng sáng ngày 19, một người nữa trong số chúng tôi lại ra đi. Anh em chúng tôi dù không muốn cũng phải thả thi thể bạn chài xuống biển lần nữa. Đến đầu giờ chiều ngày 19, chúng tôi được tàu cá Bình Định cứu vớt”.
Nguyễn Thành Luyến cũng là người lần thứ hai từ cõi chết trở về. Đến lúc này Luyến vẫn chưa tin là mình còn sống. Khi hai người con trở về, lão ngư Nguyễn Thành Là không dám lại gần. Nước mắt chảy dài, ông bảo: “Chúng nó còn yếu, gặp tôi, sợ chúng xúc động nên tôi phải ngồi xa nhìn...”. Thực ra, chính ông mới là người xúc động, không kìm được mình, ông sẽ bật khóc mới ảnh hưởng đến con. Bởi, ông đâu dám nghĩ con mình sẽ trở về. Hằng ngày ông vái trời đất, tổ tiên, cha mẹ và người vợ tần tảo của ông đã mất 12 năm trước phù hộ cho con, em ông trở về. Hy vọng cứ tắt dần, bỗng một ngày ông nhận được tin từ cơ quan chức năng thông báo tàu cá của Bình Định cứu được 4 ngư dân trên một chiếc thúng chài. Ông như người chết sống lại. Nhưng rồi ông lại hồi hộp, những cái tên được thông báo lần lượt không có tên con, em ông, lão ngư cứ lặng người đi... Đến cái tên thứ tư, Nguyễn Thành Luyến, ông không cầm được nước mắt. Vây là một trong 4 người thân của ông đã may mắn sống sót và đang trên đường về với ông rồi. Tiếp đó, ông lại hy vọng sẽ có phép màu đến với những người còn lại trong gia đình là em trai ông và 2 người con trai nữa cùng trên chuyến đi định mệnh đó. Và, phép màu đã đến, nhưng không nguyên vẹn. Khi cái tên Nguyễn Thành La được xướng lên, ông lại khóc...
Đốt nén nhang và châm điếu thuốc cho con lên bàn thờ mới lập, lão ngư lầm bầm cảm ơn trời phật. Ông kể, từ khi tàu cá bị mất tích, những hy vọng ngày một vơi thì ông và người thân đã lập bàn thờ cho những người xấu số. 4 cái ban thờ không có ảnh, chỉ khi biết rõ người đó không về thì gia đình mới để ảnh lên. Và, khi Nguyễn Thành La trở về, kể rằng chú và anh cùng một lao động khác đã chết trong những ngày lênh đênh trên biển do đói khát, bệnh tật và chính tay Luyến là người đã thả thi thể chú, anh và bạn chài xuống biển, lúc này gia đình mới lập ban thờ và đặt hình của người con trai lớn lên.
Vượt qua nỗi đau để bám biển
Từ khi 17 tuổi, với gần 50 năm đi biển, dù lão luyện nhưng ông không còn đủ sức đi xa, chỉ đánh bắt ven bờ, ông đã trải qua nhiều cơn bão. Ông từng chứng kiến bao người nằm lại biển khơi. Cơn bão số 5, năm 1997, ông cũng có mặt. Theo ông đó là cơn bão lớn nhất từ trước đến nay mà ông từng gặp. Nhưng, với ông, đó không phải là cơn bão lớn nhất đời đi biển của mình. Lần này, chỉ là cơn dông thôi nhưng nó chẳng khác gì cơn bão lớn vì đã cướp đi của ông 2 người thân.
Anh Nguyễn Thành Luyến thắp hương cho anh trai Nguyễn Thành Lãng.
Nói về cậu con trai Nguyễn Thành Lãng, ông không khỏi tự hào. 8 năm trước, cũng vào những ngày sóng gió bất chợt này (tháng 7-2014), trong vụ tàu BTh-96984 TS cũng do ông Bùi Văn Toàn làm thuyền trưởng bị đắm ở biển Kê Gà (Bình Thuận). Lần đó, gia đình ông cũng có 4 người đi, 2 người em trai và 2 người con nhưng tất cả cùng trở về. Khi đó, anh Lãng được anh em vạn chài tôn danh “người hùng” vì giữa sóng biển đã một mình cứu sống 3 thuyền viên, 3 người khác đuối sức đành buông tay khỏi vai Lãng về với biển. Lần này thì khác, “người hùng” đã về với biển.
Trò chuyện với ông Trần Theo, một trong 4 ngư dân được tàu cá Bình Định cứu vớt, ông cho biết: “Những ngày lênh đênh trên biển, chúng tôi nhặt bất cứ vật gì có thể dùng được, từ chai nước khoáng đến mảnh nilon. Khi nhặt được chai nước khoáng, bên trong còn nước, chúng tôi chia nhau từng giọt. Người nào yếu thì được nhiều hơn. Xong, chúng tôi dùng vỏ chai làm gầu tát nước ra ngoài. Ngày được cứu, ai cũng sức cùng lực kiệt, lúc đó chúng tôi nhặt được mảnh rác trôi trên biển, cột vào đầu cây que, làm cờ vẫy vẫy. May quá, tàu cá phát hiện và chúng tôi được cứu”.
Nói đến đây, ông Trần Theo chùng xuống: “Rất tiếc, chúng tôi không thể cứu anh Hạ. Khi có bánh, anh em chúng tôi bóp nhỏ đưa vào miệng anh từng tí, rồi nhỏ từng giọt nước và thì thầm động viên anh... Nhưng, anh không thể... Giá như có bánh, nước sớm hơn chút nữa thì chắc anh không phải nằm lại giữa biển khơi!”.
Nước mắt rơi trong niềm vui đoàn tụ của những gia đình có thuyền viên trở về từ cõi chết thì cũng có những giọt nước mắt đau buồn từ thân nhân của những thuyền viên đã gửi thân nơi biển khơi. Tấp nập kẻ ra người vào, những lời chúc mừng, những lời động viên của người thân, bà con chòm xóm nhưng trên khuôn mặt ông Bùi Văn Toàn vẫn phảng phất nỗi buồn. Nhất là khi có cuốc điện thoại của ai đó hỏi thăm về ngày giờ tử vong của bạn chài.
Cuộc sống của những người vừa từ cõi chết trở về và của những gia đình có người không trở về vẫn phải tiếp tục. Có điều lạ, tất cả những người vừa thoát khỏi tử thần không ai nói sẽ bỏ nghề. Chưa biết khi nào sẽ ra khơi nhưng trong họ luôn có một tình cảm đặc biệt là yêu biển và luôn nhớ biển.