Năm 2020 có lẽ là một trong những năm khó khăn nhất đối với nước Mỹ. Sự bùng phát của đại dịch COVID-19 đã đặt quốc gia phát triển nhất thế giới vào thế khó chưa từng có trong lịch sử. Từ cuối tháng 3, Washington đã phải ban hành biện pháp giãn cách xã hội do sự lây lan của chủng virus nguy hiểm SARS-CoV-2.
Chỉ trong thời gian ngắn, số ca mắc bệnh và trường hợp tử vong tại Mỹ đã tăng lên nhanh chóng. Vào tháng 4/2020, Mỹ nhanh chóng trở thành quốc gia bị ảnh hưởng nghiêm trọng lớn thứ 3 trên thế giới sau Trung Quốc và Italy.
Hình ảnh được ghi lại trong ngày 6/4, một người phụ nữ đã được các bác sĩ hỗ trợ sinh con sớm 2 tháng vì mắc COVID-19.
Tuy nhiên, những người Mỹ dường như không chịu được cảnh 'trói chân' trong nhà khi bị yêu cầu giãn cách xã hội. Hàng nghìn người đã đổ ra đường biểu tình để phản đối quy định này và đòi chính phủ mở cửa lại nền kinh tế.
Các phong trào biểu tình ngày càng lan rộng khiến Mỹ thật sự rơi vào bất ổn. Sau khoảng 2 tuần giãn cách, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nới lỏng lệnh giãn cách và mở cửa lại nền kinh tế. Tuy nhiên, quyết định này của ông đã vấp phải không ít chỉ trích vì khiến đại dịch bùng phát nghiêm trọng hơn tại Mỹ.
Ngày 28/4, phó Tổng thống Mike Pence đi thăm một bệnh nhân may mắn vượt qua dịch bệnh tại Minnesota. Khi bị chỉ trích vì không đeo khẩu trang phòng bệnh, ông Pence giải thích rằng ông được xét nghiệm COVID-19 thường xuyên.
Tới cuối tháng 5/2020, Mỹ tiếp tục 'chìm' trong phong trào biểu tình mới mang tên 'Black Lives Matter'. Phong trào này nổ ra sau vụ George Floyd, người đàn ông da màu, tử vong trong lúc bị bắt giữ bởi 4 cảnh sát Mỹ tại thành phố Minneapolis (bang Minnesota).
Đoạn video cảnh sĩ quan cảnh sát Derek Chauvin ghì chân lên cổ ông Floyd khiến ông tử vong được lan truyền trên mạng xã hội khiến dư luận vô cùng bất bình. Họ đã đổ ra đường biểu tình kêu gọi bình đẳng cho người da màu và yêu cầu giảm bớt quyền lực của cảnh sát.
Tang lễ của ông George Floyd thu hút sự tham gia của nhiều nhà hoạt động xã hội lớn Tại đây, họ đã một lần nữa kêu gọi xoá bỏ nạn phân biệt chủng tộc.
Các cuộc biểu tình tại Mỹ nhanh chóng chuyển thành bạo loạn đã giáng đòn kép vào một nước Mỹ đang bị tổn thương do dịch bệnh và sự phẫn nộ của người dân. Sau cái chết của George Floyd, một vài vụ việc người da đen bị tấn công, giết hại bởi cảnh sát đã diễn ra khiến chính phủ khó lòng 'xoa dịu' các phong trào biểu tình.
Một sự kiện lớn đặc biệt năm nay của Mỹ là cuộc bầu cử tổng thống Mỹ. Trong đó, Tổng thống đương nhiệm Donald Trump đối đầu trực tiếp với đại diện đảng Dân chủ Joe Biden. Dù bị chỉ trích bởi cách phản ứng chậm trễ với dịch bệnh, ông Trump vẫn nhận được sự ủng hộ đặc biệt nhờ khả năng chèo lái nền kinh tế Mỹ.
Khác với cảnh sôi nổi tại buổi vận động tranh cử của ông Trump, ông Joe Biden đã tuân thủ nghiêm ngặt những quy định giãn cách xã hội trong thời gian tranh cử. Ngoài ra, cựu phó tổng thống Mỹ cũng thể hiện sự quan tâm của mình đối với dịch bệnh, điều được cho là trái ngược hoàn toàn so với tổng thống đương nhiệm.
Điều này có lẽ đã giúp ông nhận được sự ủng hộ lớn từ người Mỹ, những người đã mệt mỏi vì số ca COVID-19 tăng lên mỗi ngày. Ngày 7/11, các hãng truyền thông lớn đã đồng loạt gọi tên ông Joe Biden và phó tướng Kamala Harris là người chiến thắng cuộc bầu cử tổng thống.
Quyết định này đã gây ra 2 làn sóng trái ngược ở Mỹ. Trong đó, những người ủng hộ đảng Dân chủ đã đổ ra đường ăn mừng đại thắng.
Còn những người ủng hộ tổng thống đương nhiệm đã thể hiện sự thất vọng về kết quả cuộc bầu cử năm nay.
Tối 7/11, ông Biden có bài phát biểu đầu tiên sau khi được dự đoán chiến thắng. Trong đó, ông kêu gọi người Mỹ đồng lòng, đoàn kết và cùng cho nhau cơ hội để tiến lên.
Tuy nhiên, không chịu chấp nhận thua cuộc, đội ngũ pháp lý của Tổng thống Trump đã tiến hàng hàng loạt nỗ lực pháp lý nhằm lật ngược kết quả bầu cử. Ngay cả khi cuộc họp Đại cử tri đoàn chính thức bỏ phiếu cho ông Biden, những người ủng hộ tổng thống đương nhiệm vẫn quyết giữ tinh thần chiến đấu tới cùng. Điều này đã đặt Mỹ rơi vào cảnh 'chia rẽ' chưa từng có, theo nhận định của các chuyên gia phân tích.
Tuy nhiên, năm 2020, Mỹ cũng đạt được nhiều thành tựu đặc biệt bao gồm việc làm trung gian hoà giải xung đột tại Trung Đông. Ngày 11/9, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã mời đại diện 3 nước Israel, Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) và Bahrain tới Nhà Trắng ký kết hiệp ước hoà bình lịch sử mang tên Abraham. Hiệp ước này xác nhận việc UAE và Bahrain bình thường hoá quan hệ với Israel sau nhiều thập kỷ mâu thuẫn. Đây được coi là bước ngoặt lớn và thành tích đặc biệt trong đối ngoại của ông Donald Trump.
Tháng 11/2020, Tổng thống Mỹ tiếp tục 'lập công' trong sự kiện đưa phi hành đoàn SpaceX Crew-1 lên trạm vũ trụ. Được biết, đây là sứ mệnh hoạt động đầu tiên của Chương trình Phi hành đoàn Thương mại và là lần thứ 2 trong vòng 20 năm các phi hành gia từ Mỹ bay vào không gian. Điều này là minh chứng cho thấy ông Trump thật sự quan tâm tới lĩnh vực không gian của Mỹ và muốn đưa Washington trở lại vị trí dẫn đầu trong cuộc đua vào không gian.
Cuối năm 2020, Mỹ có tín hiệu tích cực trong cuộc chiến phòng dịch COVID-19 khi 2 loại vaccine tiềm năng nhất của các hãng dược Pfizer/BioNTech và Moderna chính thức được phê duyệt và đi vào hoạt động. Điều này đã mở ra cơ hội mới cho Mỹ trong việc đẩy lùi dịch bệnh sau 1 năm đầy bất ổn.