Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 5, sáng 10/6, Quốc hội đã thảo luận tại tổ về dự án Luật Căn cước.
Theo báo cáo của Chính phủ, trong quá trình lập đề nghị xây dựng luật, Chính phủ thống nhất đưa vào luật quy định cấp giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt đang sinh sống tại Việt Nam nhưng chưa xác định được quốc tịch và căn cước điện tử (tài khoản định danh điện tử của công dân Việt Nam).
Vì vậy, Chính phủ đã chỉnh lý tên gọi của dự án luật từ luật Căn cước công dân (sửa đổi) thành luật Căn cước để phù hợp với phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng của luật.
Thông tin tới các đại biểu về dự luật này, Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an cho rằng, việc xây dựng luật nhằm tiếp tục tạo thuận lợi hơn nữa cho người dân, doanh nghiệp, tăng cường hiệu lực quản lý.
“Đặc biệt là quản lý với một số nhóm dân cư rất vất vả, những trường hợp không thể tìm được thân nhân, không mang giấy tời tùy thân nên không thể xác định danh tính” – Bộ trưởng phản ánh.
Ông nhấn mạnh, chủ trương của Đảng và Nhà nước là không để ai bị bỏ lại phía sau, nhưng thực tế vẫn đang còn tình trạng này.
“Có tới cả triệu người không có giấy tờ tùy thân, không có căn cước, hộ khẩu, nên không thể quản lý. Đó là con số đáng buồn” - Bộ trưởng thông tin và nhìn nhận, việc hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư sẽ dễ dàng quản lý, truy cập thông tin, đặc biệt với những người yếu thế.
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm phát biểu tại tổ
“Hiến pháp bảo vệ người dân, người dân có quyền cư trú ở bất cứ đâu và không ai cấm, hạn chế quyền theo Hiến pháp quy định. Do đó, việc xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cấp căn cước sẽ giúp bảo vệ người dân” - Bộ trưởng nêu quan điểm.
Vẫn theo lãnh đạo Bộ Công an, với căn cước công dân tích hợp và Cơ sở dữ liệu quốc gia dân cư đang được xây dựng, người dân sẽ thuận tiện hơn trong các giao dịch, thực hiện thủ tục hành chính, góp phần thúc đẩy cải cách và quản lý cũng thuận lợi hơn.
“Trước đây một cửa đã thuận lợi rồi, nhưng giờ không có cửa nào, hoàn toàn môi trường điện tử, người dân có địa vị pháp lý, danh tính rõ ràng, ngồi nhà vẫn giao dịch được với cơ quan nhà nước và làm các thủ tục” - Bộ trưởng phân tích. Ông nói, nhìn cảnh người dân xếp hàng xin hộ chiếu, hàng tập hồ sơ, xác nhận cơ quan công an, đủ thứ giấy tờ, thậm chí không đủ chỗ lưu giữ hồ sơ…, mới thấy giá trị hệ thống này mang lại là vô cùng lớn.
“Đến nay, 245 thủ tục hành chính của Bộ Công an đều đã được thực hiện trên môi trường điện tử” – Bộ trưởng cho hay.
Lý giải đề xuất đổi tên Luật Căn cước công dân thành Luật Căn cước, Bộ trưởng Tô Lâm chỉ ra, việc sửa tên luật như vậy nhằm đảm bảo tính chính xác và bao hàm hơn.
“Có những trường hợp bị tước quyền công dân nhưng vẫn có căn cước và sở hữu tài sản. Vì vậy, cách gọi là căn cước công dân sẽ không chính xác…” - Bộ trưởng phân tích.
Tên gọi “căn cước”, theo ông, còn để nhằm xác định những thông tin cơ bản như tên tuổi, nguồn gốc…; sử dụng căn cước để thực hiện các giao dịch, thủ tục hành chính.
Chia sẻ về quá trình làm căn cước công dân cho người dân và xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Bộ trưởng thông tin, đã có 19/63 tỉnh hoàn thành cấp căn cước 100%.
“Hệ thống cơ sở dữ liệu sẽ được cập nhật thường xuyên, đảm bảo tinh thần đúng, đủ, sạch, sống, tức là phải cập nhật liên tục” - Bộ trưởng nói.
Tới đây, theo Bộ trưởng, sẽ không phải thực hiện tổng điều tra dân số, tiết kiệm được cho nhà nước hàng ngàn tỉ đồng.
Căn cước cũng tích hợp kết nối về bảo hiểm y tế, giấy phép lái xe, sản xuất văn bằng chứng chỉ, in thẻ bảo hiểm y tế, sao y, chứng thực công chứng…, mang lại lợi ích rất lớn.
“Thẻ căn cước của công dân có tiến bộ hơn do ứng dụng công nghệ mới” – Bộ trưởng bình luận. Ông nói, mã số trên thẻ có thể sử dụng trong việc đi máy bay cả ở trong nước và quốc tế, tiến tới không cần sử dụng hộ chiếu, người dân chỉ cần thị thực, quẹt thẻ căn cước là có thể di chuyển.
Cũng theo lãnh đạo Bộ Công an, thẻ căn cước của công dân hiện nay mà Việt Nam sử dụng là một trong số ít các nước có tích hợp QR với nhiều thông tin.
“Bộ Công an cũng tính toán đưa công nghệ sinh học vào quản lý, tránh trường hợp những người phẫu thuật thẩm mĩ, thay đổi nhận dạng hoặc không có dấu vân tay” - Bộ trưởng thông tin thêm.
Ông cũng bác bỏ các quan điểm cho rằng người dân sử dụng thẻ này sẽ bị theo dõi. “Trên thẻ không có sóng, không có tín hiệu, nên không thể có chức năng theo dõi” - Bộ trưởng nhấn mạnh.
Vẫn theo Bộ trưởng, việc sử dụng thẻ căn cước cũng sẽ được quy định rõ, sẽ không cơ quan, đơn vị nào có quyền giữ thẻ của người dân, mà chỉ được sử dụng thông tin trong căn cước, ngoại trừ các cơ quan công an phục vụ cho điều tra.
“Trường hợp người dân vào khách sạn, cơ quan, không ai có quyền cầm giấy tờ này. Chúng tôi sẽ có quy định để không ai có quyền giữ thẻ này” - Bộ trưởng nêu rõ.
Bàn về dự luật này, Trưởng ban Đối ngoại Trung ương Lê Hoài Trung bày tỏ đồng tình với quy định mới tại dự thảo luật là cấp giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt đang sống ở Việt Nam mà chưa xác định được quốc tịch.
Ông Trung nhìn nhận, việc này nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho những người nói trên. Ông lưu ý thêm, cũng nên có thông tin về số lượng những người gốc Việt đang sống ở Việt Nam mà chưa xác định được quốc tịch.