Bài học kinh nghiệm từ dự án đường Vành đai 4
Năm 2023, Hà Nội hoàn thành toàn diện 18/23 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, trong đó, có 3 chỉ tiêu vượt kế hoạch đề ra. Giữa muôn vàn khó khăn thách thức hậu COVID-19, kinh tế Thủ đô vẫn phục hồi nhanh, duy trì mức tăng trưởng khá: GRDP đạt 6,27%; thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 151 triệu đồng/người/năm...
Cùng với đó, các lĩnh vực văn hóa, xã hội được chú trọng phát triển; đời sống của người dân ngày càng được nâng lên.
Đáng kể, nhiều nhiệm vụ lớn, có vai trò quan trọng đối với sự phát triển của TP trong thời gian tới như: Xây dựng dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), xây dựng Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 đã được TP triển khai hiệu quả. Đồng thời, TP tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, công trình trọng điểm; đặc biệt, đã khởi công dự án đầu tư đường Vành đai 4 -Vùng Thủ đô theo đúng tiến độ.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng gặp gỡ, trao đổi với người dân có đất nằm trong dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô trên địa bàn huyện Hoài Đức
Trong mọi nhiệm vụ, đặc biệt là với những việc mới, việc khó như thực hiện dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô, sự ủng hộ, đồng thuận của người dân là rất tích cực. Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành uỷ Đinh Tiến Dũng từng chia sẻ, có lẽ ít có dự án nào nhận được sự đồng thuận như vậy. Ông nhấn mạnh, sự hy sinh của bà con nhường một phần đất ở, đất canh tác và chủ động di dời phần mộ của người thân để bàn giao mặt bằng cho dự án là biểu hiện rõ nhất về tinh thần yêu nước, trách nhiệm công dân vì lợi ích chung, vì sự phát triển đi lên của Thủ đô và đất nước.
Vì thế, quá trình thực hiện dự án, lãnh đạo TP mà đích thân là Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng đã nhiều lần đi khảo sát thực địa, trao đổi cùng chính quyền và người dân 7 quận, huyện với quan điểm, phải bảo đảm tiến độ dự án vì chậm một ngày thì dân khổ thêm một ngày, vốn đầu tư cũng tăng thêm…
Bí thư Thành uỷ cũng nhắc nhở lãnh đạo cấp ủy, chính quyền các quận, huyện, nhất là người đứng đầu phải quán triệt tinh thần trách nhiệm cao vào cuộc thực hiện công tác giải phóng mặt bằng; sát sao công việc, bám sát tình hình ở cơ sở, tuân thủ nghiêm các nguyên tắc, bảo đảm tiến độ, chất lượng, hiệu quả, không để xảy ra sai sót ảnh hưởng lòng tin của dân.
Nhớ lại hơn 2 năm dịch COVID-19 hoành hành, người dân Thủ đô đã chia sẻ, gánh vác nhiệm vụ chống dịch cùng cấp ủy, chính quyền bằng việc tự nguyện tham gia các tổ COVID -19 cộng đồng, nghiêm túc thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch.
Mô hình cách ly 3 lớp khi ấy tại huyện Đông Anh đã huy động 11.000 người tham gia. Các lực lượng phân công trực ba ca/ngày. Người dân đóng góp tiền của, vật chất để ủng hộ, giúp những người "giữ chốt" yên tâm với công việc.
Kinh nghiệm mà lãnh đạo TP Hà Nội rút ra là "phải tin dân, phải thật sự thật lòng với dân và mình phải là dân luôn".
Nhân dân phải là điểm xuất phát quan trọng của mọi quyết sách
Theo Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến , Hà Nội rất quan tâm triển khai bài học dân là gốc, dân là trung tâm.
Quá trình thực hiện các Chỉ thị, Nghị quyết của Trung ương, Thành ủy Hà Nội luôn hướng tới người dân và lấy người dân làm trung tâm phục vụ, cụ thể hóa bằng các chương trình công tác cụ thể. Nổi bật là Chương trình về xây dựng Đảng, xây dựng Nông thôn mới, bảo đảm an sinh xã hội... Thông qua việc triển khai có hiệu quả các chương trình công tác lớn, Thành ủy Hà Nội đã đưa nghị quyết vào cuộc sống, từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân.
Bí thư Thành uỷ Đinh Tiến Dũng đối thoại với MTTQ các cấp TP
Những năm gần đây, cụm từ "lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ" luôn được lãnh đạo TP Hà Nội nhấn mạnh tại các hội nghị, cuộc họp, các buổi tiếp xúc cử tri, đối thoại với Nhân dân. Nhận thức về sức mạnh toàn dân, phát huy dân chủ trong thực hiện các nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế-xã hội, đồng thời, đổi mới phương thức lãnh đạo, nhiều cấp ủy các cấp TP Hà Nội đã chủ động tổ chức các buổi đối thoại trực tiếp với Nhân dân, kịp thời giải quyết những vướng mắc, bức xúc ở cơ sở, tạo sự đồng thuận cao trong việc thực hiện chủ trương phát triển kinh tế-xã hội tại địa phương.
Ngoài ra, các đồng chí lãnh đạo TP đã có nhiều buổi đối thoại với đại biểu MTTQ, công nhân lao động, nông dân, phụ nữ, đoàn viên, thanh niên…
Có thể nói, trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với nhân dân” - quan điểm ấy luôn đúng trong mọi giai đoạn và càng quan trọng trong bối cảnh hiện nay, khi Hà Nội đang thực hiện nhiều nhiệm vụ lớn, đòi hỏi có sự đồng thuận, tham gia đóng góp của đông đảo các tầng lớp Nhân dân.
Theo lãnh đạo TP Hà Nội, lợi ích hợp pháp chính đáng của Nhân dân phải là điểm xuất phát quan trọng của mọi quyết sách của cấp ủy Đảng, chính quyền và cũng là tiêu chí quan trọng nhất để đánh giá hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị. Nếu người dân không ủng hộ, không tham gia, không tháo gỡ thì việc nhỏ cũng không làm được.
Trước những khó khăn, thách thức đang tiếp tục đặt ra, TP Hà Nội xác định phải phát huy tính chất gắn kết của các làng, xã có hàng nghìn năm lịch sử với hệ thống hương ước đã được người dân bàn bạc, xây dựng và thống nhất để tiếp tục xây dựng nếp sống, quan tâm nghiên cứu để phát huy vai trò tự chủ, tự quản của người dân.
Đồng thời, có đề án hoặc kế hoạch ứng dụng mạnh mẽ hơn khoa học công nghệ, ứng dụng mạng xã hội trong công tác dân vận để tiếp nhận nhanh nhất các ý kiến của các tầng lớp Nhân dân cũng như phổ biến các thông tin chính thống của Trung ương và TP đến với đông đảo người dân...