Sáng nay (25-3), TAND TP HCM tiếp tục xét xử vụ án xảy ra tại Công ty CP Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB). Đây là ngày xét xử thứ 14 trong tổng thời gian dự kiến gần 2 tháng của phiên tòa.
Dùng từ ngữ gợi sự thương cảm
Theo hồ sơ, từ ngày 1-1-2012 đến 17-10-2022, bà Trương Mỹ Lan chỉ đạo nhiều đồng phạm thực hiện hành vi trái pháp luật, chiếm đoạt số tiền 677.286 tỉ đồng của SCB.
Trong 13 ngày xét xử, nhiều tình tiết vụ án được làm rõ hơn Ảnh HOÀNG TRIỀU
Tại tòa, sau khi kết thúc phần xét hỏi và được 5 luật sư nêu quan điểm bào chữa, bị cáo Trương Mỹ Lan tự bào chữa bổ sung. Cựu chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát khẳng định nhiều người trong vụ án không biết mặt bà ta. Bị cáo cho rằng 'bản thân đau xót' khi VKS nhận định bà ta quanh co, chối tội.
'Đau xót' cũng là từ mà bị cáo này từng dùng để nói về cảm xúc của mình liên quan cáo buộc thâu tóm, lũng đoạn, chiếm đoạt của SCB số tiền đặc biệt lớn.
Bị cáo còn nói 'tim như rỉ máu' để miêu tả cảm giác đau khổ, đồng thời phủ nhận sử dụng SCB như công cụ tài chính để huy động tiền gửi và vốn rồi 'rút ruột' ngân hàng này.
Dù vậy, bị cáo Trương Mỹ Lan lại thừa nhận bản thân 'phải có trách nhiệm với thiệt hại của vụ án' và đồng ý dùng các tài sản đang bị thu giữ, kê biên của mình khắc phục hậu quả cho SCB. Bị cáo lặp lại nhiều lần việc có nhà đầu tư, tổ chức tài chính nước ngoài muốn hợp tác để tái cấu trúc SCB, khắc phục hậu quả vụ án nhưng vì bà ta bị tạm giam nên không thực hiện được.
Bị cáo Trương Mỹ Lan
Đối với lời khai này, chủ tọa phiên tòa nhấn mạnh HĐXX sẽ tạo điều kiện tối đa cho bị cáo gặp những người muốn khắc phục hậu quả vụ án, song phải nói cụ thể hoặc có đơn nêu rõ đó là những cá nhân, tổ chức tài chính nào. Tuy vậy, đến nay, bị cáo Trương Mỹ Lan chưa cung cấp thêm gì.
Thất vọng, xấu hổ
Cựu chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát phủ nhận sử dụng 'quyền lực' cổ đông để điều hành tuyệt đối SCB ngay từ thời điểm tái cơ cấu (hợp nhất từ 3 ngân hàng Đệ Nhất, Việt Nam Tín Nghĩa và SCB cũ ngày 1-1-2012) đến khi khởi tố vụ án.
Kết luận điều tra thể hiện trước thời điểm hợp nhất 3 ngân hàng, Trương Mỹ Lan đã là bà chủ đứng sau SCB (cũ) và Việt Nam Tín Nghĩa. Trong giai đoạn hợp nhất, bà ta thu gom cổ phần của Ngân hàng Đệ Nhất để trở thành cổ đông mạnh nhất với 91,5% cổ phần. Từ đó, bà ta sử dụng SCB như công cụ tài chính, dùng huy động tiền gửi và vốn, sau đó 'rút ruột' số tiền rất lớn của ngân hàng phục vụ mục đích cá nhân.
Ngoài 5 người bỏ trốn và 1 người không liên quan hành vi phạm tội của Trương Mỹ Lan là Nguyễn Cao Trí, lời khai của chồng, cháu gái bị cáo này và 77 bị cáo khác (gồm cựu lãnh đạo, nhân viên SCB, hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát) đã chỉ ra nhân vật chỉ đạo nhiều thủ đoạn phạm pháp tinh vi để chiếm đoạt tiền của SCB trong suốt 10 năm chính là bà ta.
Trong đó, sai phạm 'giải ngân trước, hợp thức hóa hồ sơ sau' đối với các khoản vay khống được nhận biết qua mật hiệu 'HSTT' đã tồn tại như nếp làm việc, được các đời lãnh đạo chủ chốt của SCB duy trì. Chuyện 'kế thừa' thể hiện qua việc 3 đời chủ tịch HĐQT SCB từ khi hợp nhất - gồm Nguyễn Thị Thu Sương (2012 - 2013), Đinh Văn Thành (2014 - 2020), Bùi Anh Dũng (2020 - 2022) - đều do cựu chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát dựng lên.
Từng là cán bộ chủ chốt của SCB, Trần Thị Mỹ Dung, cựu phó tổng giám đốc ngân hàng này, khóc và nói rằng 'bị cáo thất vọng về chị Trương Mỹ Lan' khi nghe bị cáo Lan phủ nhận vai trò điều hành SCB.
Bị cáo Dung kể sau những lần gặp mặt kín đáo với Trương Mỹ Lan tại tầng 39 tòa nhà Times Square, quận 1, TP HCM, Dung tổ chức họp hội đồng kinh doanh đầu tư trước khi 'giải ngân trước, hợp thức hóa hồ sơ sau' để rút tiền ngân hàng cho bà ta. Tại mỗi cuộc họp, Dung nói rõ: 'Đây là chỉ đạo của chị Lan'. Với vai trò chủ tịch HĐQT SCB, bị cáo Bùi Anh Dũng là người đầu tiên có ý kiến và thường phát biểu 'anh tin tưởng chị Lan'.
Nhiều người thừa nhận bản thân chỉ làm công ăn lương cho SCB và hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát vẫn bị buộc tội tiếp tay cho Trương Mỹ Lan. Lý do, theo VKS, họ đều là người có trình độ, có nhận thức pháp luật, nhận thức xã hội, đủ để biết việc thực hiện các hợp đồng hứa chuyển nhượng, hợp đồng vay khống giúp Trương Mỹ Lan 'giải ngân trước, hợp thức hóa hồ sơ sau', nâng khống giá trị tài sản cho rất nhiều khoản vay tại SCB là sai nhưng vẫn làm.
Một số bị cáo cho rằng mức thiệt hại mà VKS đánh giá liên quan cá nhân họ là quá lớn nên mong được HĐXX xem xét lại để lượng hình. Điển hình, bị cáo Hồ Bửu Phương (cựu phó tổng giám đốc phụ trách tài chính của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và Công ty Đầu tư Vạn Thịnh Phát) đã khóc.
Theo Phương, khi được đọc nội dung cáo trạng, so sánh hành vi của mình với 'bức tranh tổng thể' của vụ án, bị cáo cảm thấy nhẹ lòng vì cho rằng vai trò của mình không quá quan trọng. Tuy nhiên, khi nghe VKSND đề nghị mức án từ 19-20 năm tù, bị cáo cảm thấy sốc và xấu hổ, không dám gặp vợ con nữa...
Những diễn biến đáng chú ý tại phiên tòa vẫn còn ở phía trước, trong những ngày xét xử tới đây.
Bằng chứng đáp trả lời phủ nhận
Trong khi bị cáo Trương Mỹ Lan phủ nhận cáo buộc đưa hối lộ cho Đỗ Thị Nhàn (cựu cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng II - Ngân hàng Nhà nước) 5,2 triệu USD để bưng bít sai phạm của SCB, người nhận hối lộ và người mang tiền đến nhà bà Nhàn là bị cáo Võ Tấn Hoàng Văn (cựu tổng giám đốc SCB) đã khai ngược lại.
Bị cáo Văn khai có lần đưa tiền đến nhà bà Nhàn (bỏ trong các thùng xốp dán kín), Văn được Nhàn cho mật khẩu nhà để tự mở cửa vào cất tiền. Bị cáo Nhàn cũng thừa nhận việc này và nộp lại tiền nhận hối lộ.
Theo hồ sơ vụ án, Nguyễn Văn Thùy, cựu phó trưởng Ban Giám sát tổng hợp - Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, nhận xét dàn lãnh đạo của SCB yếu khả năng quản trị do phụ thuộc chỉ đạo của Trương Mỹ Lan. Sự yếu kém này thể hiện qua thực trạng tài chính rất xấu của SCB tại thời điểm tháng 6-2017, từ kết quả thanh tra của đoàn thanh tra liên ngành.