Khi nhắc đến ngành Điện, nhiều người thường cho rằng công việc ngành này rất vất vả. Tuy nhiên công việc ngành Điện chẳng những không quá nặng nhọc như lời đồn mà còn có nhiều triển vọng tương lai. Theo chia sẻ của Thạc sĩ Nguyễn Đức Thành, Trưởng bộ môn Điện trường Cao đẳng Xây dựng TP.HCM trên báo Dân trí thì hạn chế lớn nhất của ngành Điện là kén nhân lực, đặc thù nghề nghiệp chỉ phù hợp với nam giới.
Trong ngành Điện, công việc của kỹ sư điện không quá nặng nhọc so với các nghề khác trong nhóm ngành kỹ thuật. Như vị trí thiết kế chỉ làm việc trong văn phòng, giám sát và vận hành đều làm việc tại các phòng điều khiển trung tâm, chỉ có vị trí thi công và sửa chữa là vất vả nhưng cũng không quá nặng vì hiện có nhiều máy móc để hỗ trợ nhân viên thi công.
Ảnh minh họa
Bù lại, vị trí này lại có triển vọng, dễ thăng tiến lên vị trí quản lý hơn, bởi người đảm nhận công việc phải am hiểu hết quy trình làm việc của ngành như đọc bản thiết kế, biết cách vận hành, hiểu việc sửa chữa,...
Bên cạnh đó, ngành Điện có nhiều phân ngành với vị trí làm việc cụ thể, kỹ năng chuyên biệt cho từng công việc nên khi học xong, người học dễ xác định vị trí việc làm cho mình. Với mỗi kỹ năng được học trong ngành điện, người học đã có thể hành nghề với những vị trí công việc chuyên biệt.
Vậy ngành Điện cụ thể học những kỹ năng gì, hiện có trường nào đào tạo và mức lương cụ thể ra sao? Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu ngay sau đây:
Ngành Điện học những gì?
Ngành Điện rộng lớn đến mức người ta đã phân ra nhiều chuyên ngành như ngành Điện công nghiệp, ngành Điện lạnh, ngành Điện điện tử... Ngành nào cũng có vai trò quan trọng cho sự hoạt động chung của toàn hệ thống điện.
Nếu ngành Điện công nghiệp tham gia giải quyết vấn đề truyền tải điện, phân phối điện... trong một mạng lưới rộng lớn. Thì ngành Điện điện tử đảm nhiệm vai trò khai thác và sử dụng nguồn điện theo mục đích cụ thể hơn. Chẳng hạn như nhà máy cần điều khiển một loạt công tắc đóng mở theo yêu cầu, hệ thống máy cần thay đổi tốc độ liên tục theo từng quy trình sản xuất, thang máy cần có sự tác động của hệ thống điện và điện tử để hoạt động trơn tru, các bóng điện cần tắt mở tự động...
Hay nghề Điện lạnh bao gồm các công việc như lắp đặt, sửa chữa, bảo trì, bảo dưỡng…các thiết bị điện lạnh gia đình như máy giặt, máy lạnh, tủ lạnh, bình nước nóng lạnh, lò vi sóng…Hay các máy lạnh công nghiệp dùng tại các xí nghiệp, công ty.
Ảnh minh họa
Nghề Điện lạnh còn chịu trách nhiệm thiết kế thi công các công trình điện lạnh dân dụng và điện lạnh công nghiệp,...
Khi theo học ngành Điện, tùy từng chuyên ngành mà sinh viên sẽ được trang bị, cập nhật những kiến thức cơ bản và chuyên ngành về kỹ thuật, thiết kế, điều hành sản xuất trong lĩnh vực mình đã lựa chọn.
Chẳng hạn như sinh viên có thể học học nhiều kiến thức liên quan đến khí cụ điện hạ áp, hình họa, vẽ kỹ thuật, máy điện, vật liệu điện, đo lường điện, vẽ điện, kỹ thuật truyền thanh, kỹ thuật truyền hình, kỹ thuật siêu âm, kỹ thuật cao tần, mạch điện, an toàn điện,...
Hiện tại, sinh viên có thể học ngành Điện ở không chỉ các trường đại học mà còn ở các trường cao đẳng, trung cấp. Một số trường có thể kể đến như:
- Đại học Bách Khoa Hà Nội
- Đại học Điện Lực
- Đại học Sư phạm Kỹ thuật Nam Định
- Đại học Sư Phạm Kỹ thuật Hồ Chí Minh
- Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội
- Trường Cao đẳng Giao thông vận tải Trung ương I
- Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội
Mức lương của ngành Điện ra sao?
Ở bất kỳ công việc nào cũng vậy, năng lực chuyên môn và kinh nghiệm sẽ là tiêu chí quyết định bạn sẽ nhận được mức lương bao nhiêu. Với ngành Điện, cụ thể là chuyên ngành Điện điện tử, sinh viên có thể tham khảo thông tin về mức lương như sau:
- Cử nhân mới tốt nghiệp ra trường/chưa có nhiều kinh nghiệm: Mức lương khoảng 7.000.000 – 9.000.000 vnđ/tháng
- Kỹ sư Điện điện tử có 1-2 năm kinh nghiệm: Mức lương khoảng 15.000.000 – 20.000.000 vnđ/tháng
- Kỹ sư Điện điện tử có nhiều năm kinh nghiệm, biết ngoại ngữ, mức lương khoảng 25.000.000 – 30.000.000 vnđ/tháng