Bệnh nhân là một phụ nữ tên H. quê Tiền Giang, đã lấy chồng được 2 năm. Chị H. cho biết không hiểu vì lý do gì mà từ xưa đến giờ chưa bao giờ có kinh nguyệt.
Với bất thường về cơ thể như vậy từ khi lấy chồng, bản thân chị H. cũng không thể quan hệ, đậu thai và được làm mẹ như bao nhiêu người phụ nữ bình thường khác.
Bản thân chị H. vô cùng lo lắng. Chồng chị cũng rất yêu thương vợ nên muốn cùng vợ vượt qua khó khăn.
Khi tìm tới bác sĩ Cao Hữu Thịnh khám, chị H. đã tìm hiểu kỹ để can thiệp có được con của chính mình.
Bác sĩ Thịnh cho biết qua thăm khám, bác sĩ thấy rằng bệnh nhân này mắc hội chứng không có âm đạo bẩm sinh. Khi nghe kết quả chẩn đoán, hai vợ chồng chị H. thực sự tuyệt vọng. Tâm trạng lo lắng, chán nản đã bao trùm lấy đôi vợ chồng trẻ.
Trong lúc tuyệt vọng, lo lắng tột độ, câu nói duy nhất của vợ chồng chị H. là: 'Có cách nào giúp chúng em không bác ơi?'.
Bác sĩ Thịnh chia sẻ về ca bệnh đặc biệt
Qua quá trình siêu âm, may mắn là ông trời vẫn cho bệnh nhân nữ này có đủ tử cung và buồng trứng nên mình đã tư vấn cho bệnh nhân cần tiến hành phẫu thuật tạo hình âm đạo.
Tín hiệu khả quan đầu tiên chính là âm đạo đã được tạo hình thành công nhưng cũng nói rõ tình trạng với vợ chồng em mặc dù 'vườn hồng đã hé nhưng lối vào vẫn còn gian truân trắc trở' vì cổ tử cung bệnh nhân rất nhỏ, nhỏ đến mức nhìn bằng mắt thường còn khó thấy. Bác sĩ khuyên hai vợ chồng cứ về nghỉ ngơi, sinh hoạt bình thường rồi sau một thời gian xem thế nào rồi tính tiếp.
Không ngoài dự đoán, sau 2 năm dù rằng người vợ đã xuất hiện kinh nguyệt nhưng vẫn không thể thụ thai vì thế trong lần tái khám tiếp theo bác sĩ đã tư vấn cho đôi bạn trẻ làm thụ tinh trong ống nghiệm.
Theo bác sĩ Thịnh, đây là một trường hợp khá đặc biệt, các thủ tục kích trứng, tạo phôi đều được tiến hành bài bản và cho ra kết quả khá tốt nhưng khó khăn nằm ở chỗ 'lối vào' (cửa tử cung) rất hẹp, bác sĩ đã hết sức kiên trì và cẩn thận.
Một thủ thuật mà với những ca bình thường bác sĩ chỉ cần vài phút nhưng lần này mồ hôi ướt đẫm vai áo, hơn nửa tiếng đồng hồ mới dò được 'đường vào' sau bao tầng tầng, lớp lớp nguỵ trang. Cuối cùng, phôi đã được chuyển thành công.
Ngày 6/6, hai vợ chồng đến kiểm tra lại, tia hi vọng lạc quan đã soi rọi vào gia đình nhỏ của chị H. Phôi của chị chuyển khá 'đẹp' và đang đợi làm các xét nghiệm tiếp theo. Hi vọng này đã mang lại sự hân hoan, mừng rỡ của vợ chồng bệnh nhân và cả với bác sĩ.
BS Thịnh cho biết một bác sĩ điều trị hiếm muộn lấy hạnh phúc của người bệnh là hạnh phúc của bản thân. Chặng đường từ một phụ nữ không có âm đạo đang tiến về đích là một người sắp thực hiện thiên chức làm mẹ rất gian nan, vất vả.
Không có âm đạo là bệnh lý rất hiếm gặp, đặc điểm là người bệnh mắc hội chứng MRKH có sự phát triển bình thường của các đặc tính sinh dục nữ, cơ quan sinh dục ngoài và chức năng buồng trứng bình thường với kiểu hình nhiễm sắc thể 46, XX.
Hầu hết những trường hợp bệnh lý thường không được phát hiện sớm mà chỉ được phát hiện thường ở tuổi thanh thiếu niên với biểu hiện là vô kinh nguyên phát hoặc có vấn đề về quan hệ tình dục.
Cho đến thời điểm hiện tại, đã có nhiều phương pháp điều trị phẫu thuật và không phẫu thuật để tạo ống âm đạo cho những bệnh nhân không có âm đạo bẩm sinh.
Bác sĩ khuyến cáo, mọi bất thường ở cơ quan sinh sản cần được khám và điều trị kịp thời. Vì thế, phụ nữ có các dấu hiệu bất thường như đến tuổi dậy thì mà không có kinh nguyệt, không quan hệ vợ chồng được... đều phải thăm khám sớm để có hướng điều trị phù hợp.
Để có đời sống tình dục bình thường, nữ giới mắc dị tật này cần được tạo hình âm đạo bằng phẫu thuật. Mục đích của phẫu thuật là tạo ra một ống âm đạo có kích thước đủ và khả năng bài tiết để cho phép giao hợp được.
Có nhiều kỹ thuật phẫu thuật được áp dụng trong tạo hình âm đạo, lựa chọn loại phẫu thuật tùy thuộc vào kinh nghiệm của phẫu thuật viên và đặc tính riêng biệt của từng bệnh nhân.