Nhà tâm lý học người Nga Ilga Landgraf liệt kê một số thói quen nhỏ hàng ngày nhưng lâu dần có thể trở thành nguyên nhân làm tan vỡ hạnh phúc của các cặp đôi như sau:
Ít giao tiếp
Giao tiếp lứa đôi là cơ sở và bảo đảm cho một cuộc sống hạnh phúc. Nếu muốn truyền tải điều gì đó cho đối phương, cần phải mở lời, hoặc bạn muốn thay đối điều gì đó cũng cần phải ngồi xuống nói chuyện.
Hoặc chỉ đơn giản là cùng sẻ chia về những chuyện nhỏ nhặt nhất trong cuộc sống, trong công việc. Ngày nay, thời buổi công nghệ ngày càng phát triển, các cặp vợ chồng, các cặp đôi khi chỉ muốn làm bạn với chiếc điện thoại, chiếc máy game chứ không muốn giao tiếp với người bạn đời.
Hoặc đơn giản là trong cuộc sống có nhiều điều làm chúng ta mệt mỏi, có nhiều vấn đề bất đồng quan điểm, nhưng không ai chịu đặt cái tôi của mình xuống. Kết quả là việc ai người ấy làm, ít nói chuyện, ít sẻ chia, dần dần tạo nên khoảng cách và khoảng cách ngày càng lớn. Đến một ngày, bạn cảm thấy vai trò của người kia không còn quan trọng nữa. Điều này rất nguy hiểm, nhất là khi các bạn có dấu hiệu rạn nứt sẽ không tìm thấy động lực để hàn gắn.
Nhưng điều này nói thì dễ nhưng làm thì khó, bởi vì nỗi sợ hãi, niềm tin, cả lòng tự trọng của chúng ta đều cản trở điều này. Và để có thể nói chuyện nhiều hơn với người kia, trước tiên bạn phải tìm được nguyên nhân cản trở đối thoại của hai bạn, sau đó cố gắng khắc phục và sửa chữa từ đó.
Nếu những vấn đề không được nói ra, luôn giấu trong lòng, chúng không chỉ hủy hoại bạn từ bên trong mà còn dần tích tụ và đến một ngày sẽ “vỡ”. Hãy cố gắng lắng nghe nhiều hơn, chia sẻ nhiều hơn.
Thói quen khó chịu
Một số khoảnh khắc hàng ngày như sự vương vãi của những đôi tất bẩn khắp nhà, những sợi tóc dài bị vương vãi trên ghế sofa, hoặc nhiều thói quen khác như không sạch sẽ, ồn ào, lười biếng… đều có thể tạo nên sự khó chịu.
Một lần có thể là vô tình, nhiều lần có thể tạo thành thói quen khó chịu cho người khác. Có thể ban đầu là sự nhắc nhở, sau đó thành hằn học, khó chịu, là nguyên nhân của những cãi vã, làm lu mờ đi tình cảm của hai bạn.
Cãi vã đối khi chỉ là giải tỏa tâm trạng bực bội, chứ không thể giải quyết vấn đề. Lúc này tranh luận không còn phải để sửa chữa và bắt nguồn từ sự hằn học. Một hành vi nhỏ của đối phương cũng có thể mang đến sự khó chịu cho bạn nếu bạn không đủ yêu thương.
Cãi vã có thể do bạn “ngứa mắt” hành động của người ấy chứ chưa phải nhằm mục đích muốn người ấy thay đổi. Còn nửa kia “hằn học” không phải vì không thể thay đổi mà do thái độ của bạn.
Thiếu trách nhiệm, thiếu niềm tin
Mối quan hệ bền chặt phải được xây dựng trên tinh thần trách nhiệm của cả hai bạn. Khi chúng ta có thể dựa vào người bạn đời của mình, điều này giúp anh ấy trưởng thành và cảm thấy tự tin hơn.
Người đàn ông có trách nhiệm cũng làm cho người phụ nữ cảm thấy có thể dựa vào bạn. Nếu bạn không có trách nhiệm, không xây dựng được niềm tin, hai bạn dần dần sẽ thờ ơ với người kia, cảm giác tự mình cũng sống tốt hoặc đơn giản là tự mình cũng có thể tồn tại và không cần đối phương.
Sự tin tưởng là điều vô cùng quan trọng để xây dựng mối quan hệ bền chặt, là điều cần thiết để bạn có thể đồng hành cùng nhau. Tuy nhiên, niềm tin là một trong những điều khó gây dựng cũng như khó giữ nhất.
Thường có quan điểm khác nhau
Tính cách trái ngược nhau ở một khía cạnh nào đó có thể bù trừ cho nhau, tuy nhiên cũng là nguồn cơn của sự bất đồng. Ban đầu, sự trái ngược tính cách có thể là điểm thu hút, hấp dẫn đối phương.
Về lâu dài, điều này có thể làm cho hai bạn khó có thể hòa hợp. Nếu các bạn hoàn toàn khác biệt, ngay từ đầu nên thỏa hiệp. Hãy đưa ra những điều mà hai bạn cũng có thể chấp nhận được. Hãy nhường nhịn và chia sẻ, hãy cho đi để nhận lại.