Trong một bài viết công bố hôm 2/1, Tòa án Nhân dân cấp cao tỉnh Sơn Đông của Trung Quốc nhận định người dân không thể đệ đơn ly hôn, nếu như họ chỉ đưa ra lý do 'ngoại tình' để yêu cầu được chia tay bạn đời. Ngay lập tức, bài viết đã vấp phải sự chỉ trích mạnh mẽ của dư luận Trung Quốc.
Theo tòa án tỉnh Sơn Đông, do phần lớn các cặp vợ chồng hiện không sống cùng với nhau nhau, ngoại tình không thể bị đánh đồng là 'ăn ở như vợ chồng' với người khác được quy định trong luật ly hôn ở Trung Quốc.
Tòa án tỉnh Sơn Đông của Trung Quốc cho rằng các cặp đôi không thể ly hôn chỉ vì lý do ngoại tình. (Ảnh minh họa)
'Khi một người đã kết hôn bị bắt gặp lừa dối, hành vi này không thể bị xem là ngoại tình trừ khi họ không sống với vợ hoặc chồng một thời gian dài. Do đó, cặp đôi không thể đệ đơn ly hôn vì lý do này. Ngoài ra, họ cũng không thể vin vào cớ ngoại tình để yêu cầu tiền bồi thường tổn thất', bài báo viết.
'Nói cách khác, nếu bạn có bằng chứng vợ hoặc chồng ở chung phòng với người khác giới, bạn không thể đệ đơn ly hôn vì chuyện này không thể bị xem là ăn ở với nhau như vợ chồng lâu dài', bài báo nhấn mạnh thêm.
Theo bài báo, hành vi lừa dối không thể bị xem là ăn ở như vợ chồng bởi ăn ở như vợ chồng có nghĩa là một người đã kết hôn sống với một người không có quan hệ hôn nhân trong thời gian dài và liên tục. Ngoại tình không thể là lý do để đệ đơn ly hôn, nếu như bên nguyên đơn không có bằng chứng để chứng minh mối quan hệ ngoài luồng của bạn đời mang tính lâu dài và ổn định.
'Ví dụ, bản ghi âm vợ hoặc chồng ở trong khách sạn với người khác, hoặc bức ảnh vợ hoặc chồng nắm tay người khác đi trên đường không thể là bằng chứng để nói người đó ăn ở như vợ chồng với người khác' bài báo giải thích.
Sau khi vấp phải sự chỉ trích mạnh mẽ của dư luận, bài báo trên đã bị gỡ bỏ.
Hồi tháng 1/2021, Trung Quốc đã thông qua luật cho phép các cặp đôi muốn ly hôn có 30 ngày hạ hỏa. Mục đích là để cặp đôi có thêm thời gian suy nghĩ chín chắn về quyết định quan trọng trong cuộc đời.
Bài báo của tòa án tỉnh Sơn Đông cũng đã trích dẫn bộ luật trên và viết, 'Nói cách khác, đối với những người nộp đơn ly hôn, luật pháp đã đưa thêm 30 ngày để hạ nhiệt căng thẳng. Với các vụ ly hôn, giải thích của luật pháp là loại hành vi lừa dối ra khỏi điều kiện để xem xét đơn ly hôn'.
Các học giả nghiên cứu pháp luật khẳng định tòa án tỉnh Sơn Đông đã hiểu sai về luật.
Giáo sư Zhou Youjun tại Trường Luật thuộc Đại học Beihang ở Bắc Kinh nhận định bài báo đã thể hiện sự lúng túng giữa quyền của những người muốn ly hôn và trách nhiệm của các tòa án Trung Quốc.
'Đề nghị được ly hôn là quyền cơ bản của người dân và trách nhiệm của tòa án là quyết định có thông qua ly hôn hay không. Hai chuyện này hoàn toàn khác nhau. Nguyên tắc cơ bản trong luật ly hôn của Trung Quốc là đảm bảo quyền được tự do ly hôn và phản đối những vụ ly hôn vội vàng', ông Zhou nhấn mạnh trong bài bình luận trên Hongxing News.
Theo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP), tỷ lệ ly hôn ở Trung Quốc đã tăng từ mức 2/1.000 người trong năm 2010 lên thành 3,4/1.000 người vào năm 2019, trước khi giảm xuống 3,1/1.000 người hồi năm 2020.
Bài báo gây tranh cãi lớn của tòa án tỉnh Sơn Đông được công bố giữa lúc Trung Quốc đối mặt với cuộc khủng hoảng dân số. Nguyên nhân là do tốc độ già hóa dân số đang diễn ra nhanh ở Trung Quốc, trong khi người trẻ trì hoãn kết hôn và sinh con.
Bởi theo số liệu thống kê năm 2020, Trung Quốc có 264 triệu người trên 60 tuổi và chiếm 18,7% trong tổng dân số 1,4 tỷ người. Nhưng tỷ lệ sinh năm 2020 tại Trung Quốc đã giảm 18% xuống còn 12 triệu trẻ. Trước đó, Trung Quốc có 14,65 triệu trẻ ra đời vào năm 2019. Tại các thành phố như Bắc Kinh, Thiên Tân và Giang Tô, tỷ lệ sinh đã ở mức dưới 1% trong hơn 20 năm qua.
Nhiều người đã để lại bình luận trên các trang mạng xã hội rằng dường như việc ly hôn ở Trung Quốc đang trở nên ngày càng khó khăn hơn.
'Bài báo của tòa án tỉnh Sơn Đông muốn nói với người dân rằng rất khó để ly hôn. Điều này có nghĩa chúng ta cần phải thận trọng trước khi tính tới chuyện kết hôn', một bình luận trên Weibo viết.