Tôn trọng, đối xử công bằng giữa hai bên nội ngoại là một trong những yếu tố quan trọng nhất để có thể giữ gìn không khí gia đình hòa thuận. Đặc biệt với mỗi người phụ nữ, sau khi kết hôn họ không mong mỏi gì hơn là được chồng thấu hiểu, biết chăm sóc nhà vợ giống như họ tận tâm với bố mẹ chồng.
Khi tâm nguyện đó không đạt, họ sẽ thấy hụt hẫng bên chính người đàn ông mình chọn làm chồng giống như cô vợ trong câu chuyện dưới đây. Vì quá bất mãn với chồng vô tâm, cô đã vào mạng xã hội than thở: 'Ngẫm lại mới thấy các cụ nói cấm sai, đẻ con gái trăm đường thiệt. Ví như bố mẹ em đây, từ ngày con gái đi lấy chồng, họ như mất con. Em chẳng báo hiếu đỡ đần gì được, ngược lại chỉ làm ông bà thêm nặng gánh.
Bài chia sẻ đang thu hút sự chú ý của nhiều người
Cũng tại chồng em sống vô tâm với nhà vợ. Trong tư tưởng của lão, phụ nữ lấy chồng là hoàn toàn thuộc về nhà chồng nên sau cưới có mấy khi lão cho em về nhà ngoại đâu. Trừ khi nhà có việc, bố mẹ vợ phải gọi điện lên thông báo trước cả tuần lão mới cho vợ con về. Ông bà ngoại thương con nhớ cháu muốn giữ mẹ con em ở lại chơi thêm 1 hai hôm, chẳng bao giờ lão đồng ý.
Nói chung chồng em sống ích kỷ lắm, nhà ngoại thì lão lạnh nhạt thế. Ngược lại với bên nội, lúc nào lão cũng yêu cầu vợ phải tận tâm, cấm xao nhãng. Không ít lần em góp ý, nặng có nhẹ có mà không ăn thua.
Hôm cuối tuần vừa rồi bố mẹ em gửi đồ quê theo xe lên. Em bận việc không ra bến lấy được mới bảo lão ra nhận. Lúc về, mở thùng xốp thấy bên trong có mấy mớ rau sạch với 3 con vịt cỏ. Vịt ông bà nuôi thóc, không cho ăn tí cám nào nên gầy nhưng được cái sạch, đảm bảo. Không những thế, biết vợ chồng em đi làm suốt, không có thời gian thịt, mẹ em còn làm sẵn đóng hộp. Em chỉ việc rửa lại mang ra chế biến thế nào là tùy.
Ai ngờ chồng em nhìn mấy con vịt rồi cằn nhằn: 'Lần sau hỏi rõ ông bà gửi gì hãy nhận. Cho đồ tử tế mới lấy, không thì thôi. Mất công đi lại'.
Nghe cách nói chuyện của lão làm em tức điên. Dùng đúng từ là thái độ vô ơn. Ức chế, em cho vịt vào xoong rồi đứng sát mặt chồng bảo: 'Anh nói xem thế nào là đổ tử tế, đồ không tử tế. Bố mẹ vất vả nuôi được con vịt con gà nào cũng gửi lên cho vợ chồng mình. Có khi ông bà còn chẳng dám ăn, nhường nhịn hết cho con cho cháu.
Người ta vẫn bảo của 1 đồng, công 1 nén. Anh đã không biết trân trọng, không cảm ơn bố mẹ vợ thì thôi còn ăn nói kiểu đó. Nếu bố mẹ nghe thấy những lời này của anh họ sẽ nghĩ gì?'.
Ảnh minh họa
Nói xong em mang vịt đi luộc không rằng không nói thêm 1 lời nào nữa. Lão đứng tần ngần 1 lúc chắc cũng nhận ra mình sai nên nhặt mấy mớ rau bố mẹ em gửi lên cho vào tủ lạnh rồi lẳng lặng vào phòng lấy điện thoại gọi về cho ông bà ngoại. 1 là báo tin đã nhận được đồ, 2 là cảm ơn ông bà. Tí tới bữa, vừa ngồi xuống mâm lão gắp thịt vào bát luôn rồi khen ngon rối rít. Em thấy thế liếc xéo, nói mát: 'Sao bảo đồ không tử tế mà cũng ăn à?'.
Lão nhìn em cười hề hề coi như làm hòa đấy các chị ạ. Tính lão vậy, không bao giờ biết nói lời xin lỗi'.
Xung quanh cuộc sống hôn nhân có rất nhiều mối quan hệ cần được vợ chồng chăm sóc, vun vén. Trong đó quan trọng nhất là đối xử hai bên nội ngoại phải công bằng như nhau. Đặc biệt, khi lấy chồng phụ nữ thường chịu thiệt nhiều hơn. Điều đầu tiên ai cũng nhìn ra là họ phải rời xa nhà đẻ, tận tâm dốc sức chăm lo cho nhà chồng mà không thể ở bên báo hiếu người trực tiếp sinh ra mình. Thế nên điều họ mong mỏi chính là được chồng thấu hiểu, biết quan tâm, trân trọng gia đình bên ngoại giống như cách họ đối xử với nhà chồng. Nếu các anh làm được như vậy, tin rằng người vợ nào cũng mãn nguyện, sẵn sàng cả đời gắn bó, hi sinh vì chồng.