Kết hôn hay không kết hôn là lựa chọn của mỗi người. Tuy nhiên, trong xã hội bây giờ, nhiều người lựa chọn không muốn kết hôn. Họ tận hưởng cuộc sống độc thân, thành công cùng đầy đủ những thứ đẹp đẽ.
Câu chuyện 'Tại sao phụ nữ bây giờ không muốn kết hôn' đã được đăng tải trên group Weibo Việt Nam. Bài viết đã gây ra nhiều tranh cãi. Chuyện như sau:
'Tôi lên Zhihu (mạng xã hội Trung Quốc) hỏi đàn ông bây giờ sao lại không muốn kết hôn, không muốn yêu đương. Câu trả lời được nhiều người ủng hộ nhất là 'Tại con gái bây giờ kiêu căng quá' hoặc là kể chuyện đàn ông thật thà bị gái đểu lừa.
Bọn họ vẫn có khát vọng đi đến hôn nhân, nhưng lại không tìm được đối tượng để kết hôn.
Nhưng khi bạn đi hỏi con gái tại sao lại không muốn kết hôn, ít ai bảo tại vì đàn ông bây giờ toàn người xấu nên không muốn kết hôn, bọn họ đa phần sẽ nói một người sống vẫn tốt mà, không cần thêm đàn ông bước vào cuộc sống của họ.
Bọn họ không còn khát vọng về hôn nhân nữa, trừ khi gặp được người mà họ thực sự thực sự muốn gả.
Điều này chứng tỏ rằng: tỷ lệ kết hôn ngày càng giảm xuống, nguyên nhân là ở chỗ chị em phụ nữ.
Chính là sự thay đổi về vai trò và địa vị của người phụ nữ ngày càng được nâng cao, khiến cho nhu cầu hôn nhân ngày càng giảm đi.
Trong cấu trúc của xã hội phụ hệ truyền thống, trong đó nam giới giữ vai trò là nhân vật quyền lực chủ yếu, có quyền về việc phân bổ tài sản.
Nữ giới được xem là tài sản tư của nam giới, được nam giới bảo hộ, phụ trách việc duy trì nòi giống, gánh vác trách nhiệm nuôi dạy đời sau, lấy việc đặt họ tên làm hình thức, dựa theo gia tộc của bên nam rồi nối tiếp từ thế hệ này qua thế hệ khác.
Việc con gái khi đã gả đi rồi thì không còn là người trong nhà mình nữa chính là dựa trên hình thức gia đình này.
Cùng với sự phát triển của phúc lợi xã hội, chính phủ bắt đầu cung cấp bảo hiểm xã hội cơ bản cho công dân, sử dụng hệ thống phúc lợi khác nhau để giảm bớt các gánh nặng cơ bản trong cuộc sống. Quyền lực công cộng đã làm suy yếu quyền lực của chế độ phụ hệ.
Khi công việc phát triển, tạo ra nhiều cơ hội việc làm, ý thức của nữ giới được giác ngộ, mang đến cho mọi người một môi trường tương đối bình đẳng để tạo ra 'nguồn', nam giới lúc này không còn là cái 'nguồn' duy nhất nữa.
Hay nói cách khác, nguy cơ phải đối mặt với các vấn đề khó khăn của nữ giới không còn nhiều như trước nữa, tầm quan trọng của việc một gia đình tồn tại chỉ để chống lại các rủi ro đang dần bị suy yếu.
Gia đình không còn phải dựa vào một mình nam giới để tạo ra 'nguồn' nữa, phụ nữ cũng có thể kiếm tiền, quyền phân bổ 'nguồn' của nam giới đang dần bị mờ đi.
Với sự phát triển như thế này, tỉ lệ kết hôn giảm xuống là điều không thể tránh khỏi, có gia đình hay không là điều không cần thiết, cái 'nguồn' mà nam giới tạo ra cũng không còn quan trọng nữa.
Trở lại đầu bài, tại sao nam giới vẫn cho rằng hôn nhân là điều cần thiết, còn nữ giới thì không?
Bởi vì duy trì nòi giống trong định nghĩa phụ quyền là duy trì huyết thống của bên nam. Nếu không lấy quyền bình đẳng làm chủ, thì đa phần nam giới vẫn mang theo phần nào tư tưởng phụ quyền còn sót lại, nhu cầu của việc kết hôn là để duy trì nòi giống.
Nhưng đối với phụ nữ, bọn họ sống trong xã hội phụ quyền, dựa vào hôn nhân để nhận được cái gọi là 'nguồn' và sự bảo hộ. Nếu những phúc lợi xã hội phát triển đủ để họ có được những điều này, thì sự cần thiết của việc kết hôn có còn quan trọng không?
Càng không nói đến những ám ảnh trong sinh đẻ, rồi sự nghi ngờ về lòng trong thành của đối phương.
Khi nữ giới nhận thấy dựa vào đàn ông để kiếm tiền chăm sóc gia đình sẽ mất đi tiếng nói của bản thân, lúc mà họ muốn dùng công việc để có được một địa vị bình đẳng, nam giới vẫn cho rằng việc nuôi con, chăm sóc gia đình là bổn phận và trách nhiệm của người vợ. Đã vậy họ còn phải làm việc để kiếm tiền nữa.
Vì vậy trong hôn nhân, nhận được sự hoan nghênh nhất không phải là kiếm được nhiều tiền nhất hay là biết chăm con nhất mà là những người như nhân viên, công chức, giáo viên... ngoài việc có thu nhập họ còn có thời gian chăm sóc con cái.
Không tin thì bạn có thể hỏi đàn ông, họ muốn một bà nội trợ hay một công chức, từ đó bạn có thể biết những gì mà họ đang mong đợi ở người vợ.
Đừng cho rằng việc cân bằng giữa gia đình và sự nghiệp là điều dễ dàng.
Tôi lấy một ví dụ rất thực tế, con của bạn đi mẫu giáo, 9 giờ đi học, 4 giờ tan trường, ai là người đưa đón?
Con cái phải ngủ sớm, vì vậy ăn cơm cũng phải sớm, bây giờ ở thành phố thời gian tan ca về nhà cũng đã 7 giờ, ai mới là người có thời gian để nấu cơm?
Thuê bảo mẫu ư? 6-7 triệu một tháng, nếu như còn mang theo cả khoản tiền vay để mua xe, mua nhà rồi cũng chẳng sót lại đồng nào.
Bảo bố mẹ qua chăm con, bạn mua nhà hay đang ở nhà thuê? Trong nhà còn thừa phòng trống cho các cụ ở không?
Muốn một người phụ nữ gánh vác trách nhiệm gia đình giống như một người phụ nữ truyền thống, vừa muốn cô ấy sống độc lập như phụ nữ hiện đại bây giờ, cái này hơi khó.
2 chọn 1 ư, dù sao tiền và địa vị có được cũng là của cô ấy, có công việc vẫn cứ chắc ăn hơn mà.
Vậy còn những người muốn kết hôn, làm sao để phối hợp một các ăn ý để xây dựng một gia đình êm ấm?
Hoặc là bạn tuân theo kết cấu của gia đình truyền thống, đàn ông kiếm tiền, đàn bà phụng chồng nuôi con, hoặc là bạn dựa vào sự phân công bình đẳng, cả nhà cùng nhau kiếm tiền, cùng nhau nuôi con.
Lại có người nói, không phải con gái khi kết hôn còn yêu cầu sính lễ dạm hỏi gì đó sao, cần phải có nhà cửa đàng hoàng, kết hôn rồi còn phải đưa tiền lương cho vợ nữa.
Các anh không muốn cưới thì thôi, có ai ép các anh phải cưới một người phải bỏ ra nhiều thứ không công bằng như vậy đâu? Không phải là anh muốn kết hôn đến mức đã gặp được một người con gái đã nhượng bộ đến bước này rồi sao?
Tìm một người chỉ để kết hôn rồi sinh con, và gặp được một người mà mình muốn kết hôn đây là hai chuyện khác nhau. Đối với tôi, ý nghĩa của hôn nhân chỉ tồn tại vế sau kia mà thôi.
Tôi cảm thấy không muốn kết hôn cũng chả vấn đề gì cả, ít nhất điều đó chứng tỏ bạn vẫn sống tốt.
Nếu mọi người không xem việc kết hôn là điều bắt buộc phải làm đến một độ tuổi nhất định, không xem nó là một phần không thể thiếu trong đời người, chúng ta sẽ duy trì được cái nhìn thận trọng hơn về hôn nhân.
Vậy một cuộc hôn nhân thuần túy là hai người yêu thương nhau, cùng nhau đi đến mọi chân trời góc bể.
Ít nhất hôn nhân mà tôi mong muốn chính là cả đời ở bên người ấy có ý nghĩa hơn việc tôi phải sống một mình, như vậy tôi mới kết hôn, chứ không phải là do người nhà giục, anh có nhà, tôi có thể sinh con, như vậy thì thôi. Dẹp!'.
Quan điểm này đang được nhiều người bàn luận nhưng cuối cùng, ý kiến chung của nhiều người vẫn đi đến kết luận rằng, nếu muốn kết hôn, hãy chọn người mà bạn muốn ở bên cạnh cả đời. Xã hội thay đổi, có không nhiều trường hợp áp đặt cho phụ nữ vào chuyện phải lấy chồng nữa. Bởi vậy, các bạn đừng bao giờ vội vàng đi đến kết luận gắn bó cùng ai cả cuộc đời. Hãy bình tĩnh, suy xét kỹ và đến lúc cảm thấy muốn ở cạnh ai đó thật bền lâu, khi ấy hãy kết hôn.
Đừng vì bất cứ yếu tố bên ngoài nào ảnh hưởng đến quyết định của bạn nhé!