Trong một khóa học kỹ năng sống, tôi dã từng nghe người ta nói rằng, để có được hạnh phúc, bạn phải đảm bảo đủ 5 yếu tố làm nên một chiếc bánh xe cân bằng. Đó là tình yêu, mối quan hệ, sức khỏe, tiền bạc và năng lực làm việc. Rồi nhiều người khác lại nói, thế gian này chuyện 'một túp lều tranh, 2 trái tim vàng' chỉ tồn tại trong truyện mà thôi. Thêm một định lý nữa, rằng tình yêu là tình yêu, hạnh phúc là hạnh phúc, 2 khái niệm đó khác xa hoàn toàn. Họ bảo rằng, muốn yêu người phải có chất liệu để yêu, nếu chỉ có một trái tim biết đập và niềm tin trong đầu ta đang yêu người đó thì làm sao có thể đi cùng nhau đến hết cả cuộc đời?
Những điều ấy nói ra nghe thật hợp lý và có lẽ sẽ áp dụng đúng với rất nhiều người. Nhưng cuộc sống này giống như một chiếc cầu vồng 7 sắc, có cam đỏ thì cũng có vàng xanh, hồng tím. Thế nên chẳng gì là đúng 100%. Chúng ta chỉ có thể bình tĩnh sống, bình tĩnh mà tìm ra cho mình sự lựa chọn hợp lý nhất.
Giống như ông bà Phạm Thị Tảo (SN 1960) và Bùi Hữu Nhan (1952) cùng quê Liên Khê, Khoái Châu, Hưng Yên trong câu chuyện mà tôi sẽ kể sau đây. Một cặp đôi cả đời xa cách, sống trong nghèo khổ và bệnh tật, nhưng những chiêm nghiệm tình yêu sâu sắc của họ chắc chắn sẽ là liều thuốc quý giúp chúng ta có niềm tin hơn vào hạnh phúc, và chữa lành vết thương cho kẻ đang vật vã cùng tấm thân đầy vết sẹo do va chạm trên con đường tìm đến TÌNH YÊU mang tên ĐÍCH THỰC ấy.
Bà Phạm Thị Tảo.
41 năm về trước, bà Tảo là hoa khôi trong làng. Sắc vóc bà không phải quá xuất sắc nhưng vì tâm tính hiền lành, khéo léo mà đám thanh niên trai tráng xếp hàng đến hỏi. Giữa bao sự lựa chọn, giàu - nghèo, xấu - đẹp, người con gái ấy cuối cùng lại chọn lấy một người đàn ông vừa xấu, vừa nghèo lại là con trai trưởng họ, trách nhiệm gánh vác vô cùng nặng nề.
Ngày cưới nhau làm đám cưới tập thể hơn chục cặp đôi đúng hôm mùng 2 Tết. Về tới nhà chồng thì cô dâu buồn nao lòng vì ngay cả cái chăn, cái chiếu nhà trai cũng phải đi mượn. Vợ chồng chưa kịp qua đêm Tân hôn người ta đã đến đòi lại. Dâu vừa về tới, quan khách lui đi thì ngôi nhà trống trơn, lạnh lẽo, vách đất, mái tranh mưa dột như ngoài trời.
'Giữa đêm vợ chồng ôm nhau nằm co quắp, manh chiếu trải nền đất ẩm thấp mà chunge quanh nước mưa dột lênh láng, gió bấc thổi rét lạnh… Nghĩ cuộc đời mình thấy buồn nhưng nhìn người đàn ông nằm cạnh lại thấy thương. Thôi thì tiền bạc không bằng ai nhưng vợ chồng thương nhau. Ở đây mái đất, vách tranh lạnh lẽo thật đấy nhưng vẫn còn có vòng tay ấm và 2 trái tim cùng đập vì chung một tình yêu'.
Những vần thơ của chồng đã nuôi sống bà trong những ngày tháng cuối đời.
Rồi cũng chính suy nghĩ ấy đã kéo bà Tảo vực dậy vượt qua bao khó khăn. Nắng mưa, gió rét trong căn nhà đổ nát và bao nhiêu cái giỗ tết sắp phải gánh lên vai, trách nhiệm nuôi mẹ chồng, bà chồng bỗng nhiên không còn là một gánh nặng.
Ngày tháng qua đi, nhà không có thì bà Tảo xây đắp, từ mái tranh vách đất biến thành gạch ngói kiên cố; giỗ tết đến thì bà đứng ra lo liệu; sinh con đẻ cái rồi bà lo cho chúng ăn học nên người, gả chồng, cưới vợ cho hết thảy 3 người (2 gái, 1 trai)… Mỗi chuyện ập đến bà lại lặng lẽ đối mặt và bình tĩnh vượt qua. Chỉ có điều cuộc sống như sông dài biển rộng không biết sao mà lường trước. Có lẽ chính bà Tảo ngày con gái khi quyết định lấy ông Nhan cũng không thể ngờ, cả đời mình phải sống xa ông biền biệt suốt hơn 40 năm và gặp nhiều trắc trở từ tiền tài cho đến sức khỏe.
Bà Tảo kể về những năm tháng khó khăn.
Cưới nhau vội vã trong những ngày ông Nhan phải đi học xa nhà. Sau đêm Tân hôn, cô dâu phải chờ thêm 7 tháng sau mới gặp lại chồng mình… Cuộc đoàn tụ ngắn ngủi chưa được bao lâu, ông Nhan lại lên đường. Và cứ như thế, trong liên tiếp hơn 10 năm sau, ông Nhan công tác giảng dạy lái máy cày, máy xúc biền biệt xa cách ở trường Việt - Xô, Tam Điệp, Ninh Bình, cứ 2-3 tháng mới về thăm vợ 1 lần.
Chồng đi xa, bao nhiêu việc đổ dồn lên vai nhưng bà Tảo chưa bao giờ oán trách. Mỗi lần thư tay kể cho nhau nghe về cuộc sống hàng ngày, chưa khi nào bà Tảo than vãn chuyện nhà hết gạo, hết tiền dù có lúc nuôi con nhỏ, không có đủ sữa cho con bú vì mẹ quá đói, ăn không đủ no, mỗi bữa chỉ húp vội 1 bát cháo loãng.
Sự vất vả và tình yêu cũng như cách ứng xử đầy tế nhị ấy khiến ông Nhan ngoài tình yêu sâu nặng còn có lòng biết ơn và sự ngưỡng mộ đối với bà Tảo.
Thương ai 'bèo dạt mây trôi'
Quanh năm vất vả ở nơi thị thành
Ốm đau bệnh nặng đã đành
Một lòng chia sẻ cùng anh ở nhà
…
Nhìn lên thăm thẳm trời cao
Mà lòng cháy bỏng ước ao một điều
Tiền vàng nhiều đến bao nhiêu
Không bằng được sống sớm chiều bên nhau
(ông Nhan viết thơ tình gửi lên Hà Nội tặng bà Tảo)
Những lá thư tình ông Nhan viết tặng vợ.
Mỗi lá thư đều gắn với nhiều kỉ niệm và lòng nhớ thương vợ da diết.
Bao nhiêu xa cách nhớ mong, vợ chồng chỉ mong đến ngày về hưu, nương tựa nhau lúc già. Nào ngờ đến lúc sắp được viên mãn thì bà Tảo phải đi chạy thận trên Hà Nội. Ông Nhan nghỉ hữu, ngày ngày ở dưới quê Hưng Yên nhưng lần này, người phải đi xa lại là bà Tảo. Không giống như những lần tiễn chân chồng đi công tác, lần xa cách vì bệnh tật quả là một thử thách trớ trêu.
Căn bệnh nặng làm bà Tảo suy yếu, phải cắt bỏ một bên thận và bên còn lại hiện đang đầy sỏi đau nhức từng ngày. Vậy mà giữa lúc tuổi già yếu đuối bệnh tật ấy, bà lại phải sống xa chồng, tự mình lo đi bán nước nuôi thân. Bao nhiêu lần ông Nhan muốn lên chăm sóc nhưng vì điều kiện kinh tế quá eo hẹp, không đủ tiền thuê 1 căn phòng rộng, lo ăn mặc cho 2 người ở nơi thành thị, mỗi tháng ông chỉ có thể từ quê lên thăm vợ 1 lần.
41 năm hôn nhân là 41 năm
yêu xa. Cả cuộc đời tính số ngày gần nhau không được bao nhiêu nhưng tình nghĩa vợ chồng thì sâu nặng vô cùng.
Bệnh suy thận đã khiến vợ chồng xa cách. Suốt 12 năm, người ở Hà Nội, người ở Hưng Yên.
Đối với nhiều người, sự xa cách và khổ ải, bệnh tật trong cuộc sống có thể là liều thuốc độc giết chết tình yêu nhưng với ông Nhan và bà Tảo thì ngược lại: Càng xa nhau càng thấy nhớ nhau, càng khổ, càng nghèo, càng ốm đau lại càng thương nhau một đời vất vả.
Giờ đây 41 năm đã qua, 2 mái đầu đã bạc nhưng tình yêu thì vẫn sắt son như lúc còn trẻ bởi năm tháng chỉ có thể tẩy nhòa màu tóc mà không thể xóa đi tình cảm chân thành.
Vợ chồng tôi thật thương đau
Đã lâm bệnh nặng lại xa trọn đời
Thương nhiều thương lắm mình ơi
Có kêu cũng chẳng thấu trời được đâu
Đôi ta nghĩa nặng tình sâu
Có xa lòng vẫn bên nhau trọn đời
Bà Nhan thường bảo, yêu nhau thì dễ nhưng muốn ăn đời ở kiếp với một ai đó thì mới là điều khó khăn. Yêu thì chỉ cần có duyên nhưng đi với nhau đường dài còn cần có thêm một chữ tình. Mà chữ tình thì vô lượng vô kể, không biết bao nhiêu mới là đủ, yêu đến đâu mới gọi là sâu nặng. Đối với bà, quan trọng nhất vẫn là 2 người phải thấu hiểu, tôn trọng và biết chia sẻ cùng nhau. Có như thế dù chẳng sớm hôm kề cận, trái tim vẫn đập cùng 1 nhịp.
Dãy trọ trong xóm chạy thận nơi bà Nhan sống.
'Chắc tất cả cũng vì tình yêu mà ra. Ngày xưa bao người đến hỏi thì lại không yêu, đi yêu anh học trò đang đi học tận dưới Hà Sơn Bình (tỉnh cũ gồm Hà Tây - nay thuộc Hà Nội và Hòa Bình). Anh Nhan yêu cô, sợ mất người yêu, tuần nào cũng gửi thư tình, viết thơ tặng. Đến lúc lấy được nhau mừng mừng tủi tủi, cứ nghĩ thế là bao nhớ mong đã thỏa lòng hết rồi. Nào ngờ đâu 40 năm sau, cho đến tận bây giờ, hạnh phúc vẫn phải chuyên chở bằng những lá thư và cuộc điện thoại'.
Bà Nhan nói rồi chỉ vào danh bạ điện thoại vẫn còn lưu số là 'Anh Nhan'. Tuổi đã cao nhưng cặp đôi vẫn nói chuyện, tâm tình cực thân mật, trìu mến. Mỗi ngày, ông bà gọi cho nhau bao nhiêu lần không đếm xuể. Có khi chỉ hỏi thăm đôi ba câu xem người kia đã ăn cơm chưa, ngủ ngon không, có lúc lại là những cuộc tâm sự dài thật dài về nỗi đau bệnh tật.
Bệnh suy thận hành hạ khiến bà Tảo phải 3 lần trải qua phẫu thuật. Hiện giờ một bên thận đã mất, 1 bên đang có rất nhiều sỏi, nguy cơ phải cắt bỏ. Mỗi tuần vào viện lọc máu 3 lần mất hơn 10h vật vã trên giường bệnh nhìn dòng máu luân chuyển trong máy lọc nhân tạo… Bao nhiêu khó khăn ấy từng có lúc khiến bà Tảo muốn từ bỏ để đi đến cõi chết cho thanh thản.
Giữa lúc đau đớn tuyệt vọng ấy, ông Nhan chỉ nhẹ nhàng nói rằng: 'Tôi sợ mất bà lắm'. Câu nói ngắn gọn cùng tiếng thở dài và lúc sau là sự im lặng của cả 2 khiến bà Tảo phải chạnh lòng bật khóc. Có một người thương mình như thế, lúc nào cũng ấm áp, mỗi sáng đều chúc bà ngày mới vui vẻ, mỗi tối đều chúc bà ngủ ngon, 24/24 đều lo lắng về từng miếng ăn, giấc ngủ của vợ ở nơi xa thì bà Tảo làm sao bỏ đi cho đành.
'Cuộc sống thì hữu hạn mà cái chết là vô cùng. Khoảng sống thì đong đếm được nhưng cái chết làm sao tính nổi. 100 năm, 1.000 năm hay 10.000 năm về sau, người đã chết cũng chẳng thể sống lại mà yêu thương nhau', ông Nhan nói để động viên vợ.
Bà Tảo kể, mỗi lần nhận thư tình của chồng đều rất hồi hộp, tim đập mạnh như ngày mới yêu nhau.
Vì hiểu được những điều ấy nên ông Nhan thường nói, cái quý nhất trên đời không phải thứ đã mất đi hay không có được, hạnh phúc không ở đâu xa mà ở chính trong ngôi nhà mình. 'Nếu có thể tìm thấy sự cảm thông, biến vợ thành người bạn tâm tình thì đó mới chính là hạnh phúc đích thực. Chẳng sống được gần nhau bao nhiêu nên mỗi lúc ở bên vợ, mỗi lần nói chuyện với vợ qua điện thoại, chú đều hết sức trân quý.
41 năm bên nhau, chú học được từ cô nhiều lắm. Tuy cô học hành ít hơn chú nhưng là người biết đối nhân xử thế, luôn tự nỗ lực vươn lên, luôn lạc quan, đến nỗi ngày phải mổ thận, chính cô còn nói: 'Mình à, bệnh tật không phải là chấm hết, vợ chồng mình cứ cố gắng vượt qua, chẳng nhiều cũng còn nhìn thấy nhau thêm vài năm nữa'.
Từ ngày ấy đến nay thấm thoắt đã 12 năm bà Tảo sống ở xóm chạy thận gần bệnh viện Bạch Mai. Để động viên vợ, mỗi tuần ông Nhan lại làm thơ tình gửi tặng.
Ai đi chữa bệnh cũng về
Còn em cứ mãi xa quê mịt mờ
Thương em anh đợi anh chờ
Đêm đêm thao thức làm thơ tặng mình
Chẳng có tiền vàng trao tay, ngày 20/10 hay mùng 8/3 sắp tới cũng chẳng có hoa tươi thơm đẹp tặng vợ nhưng những lá thư và cuộc điện thoại từ xa đã trở thành món quà, nguồn năng lượng quý giúp bà Tảo chinh chiến với cuộc sống một mình đầy rẫy khó khăn. Cũng có lúc vợ chồng giận nhau, 2 ông bà ở xa hay gần cũng đều lặng xuống ngồi nghe bài quan họ 'Còn duyên' để tĩnh tâm. Họ vẫn tự quy ước ngầm với nhau, khi giận dỗi, thời gian của bài hát chính là để cả hai cùng đứng ở vị trí đối phương để soi chiếu vấn đề.
'Còn duyên là duyên kẻ đón, đón người đưa/ Hết duyên là duyên đi sớm, sớm về trưa mặc lòng'. Đúng như câu hát ấy, vợ chồng còn duyên thì tụ, hết duyên thì tan. 'Tu trăm kiếp mới được cùng chung thuyền, tu nghìn kiếp mới cùng chung chăn gối nên lúc duyên đến nên quý. Người sống với người chẳng được bấy lâu, giận dỗi làm chi cho đời thêm khổ', ông Nhan nói.
Ông bảo, cội nguồn tình yêu nằm sâu trong mỗi chúng ta. Một hành động, một lời nói, một suy nghĩ cũng có thể làm người khác hạnh phúc hay khổ đau. Vì thế lúc bà Nhan giận, ông chưa khi nào ngại ngần làm người xuống nước. Dù đúng, dù sai vẫn luôn nói câu 'anh xin lỗi' và từ từ chia sẻ để vợ hiểu lòng mình.
Đối với bà Tảo, ông Nhan luôn là điều tuyệt vời nhất.
Hôn nhân 41 năm nói dài thì dài thật đó nhưng ngoảnh đầu nhìn lại thấy vẫn chóng vánh như một giấc mơ. Giấc mộng này bà Tảo thường bảo là tuy có nhiều khúc thăm trầm, nhiều phen toát mồ hôi nhưng cũng vô cùng ngọt ngào, lãng mạn.
'Người phụ nữ sống sao để được chồng con yêu quý, không có gì phải hổ thẹn với đời, chẳng cần phải có nhà đẹp, tiền nhiều, miễn sao có nhiều tình yêu, được chồng quan tâm mỗi ngày thế là đã có món quà quý lắm rồi', bà Tảo vừa nói vừa cười.