Về thôn Đồng Lư, xã Đồng Quang (Quốc Oai, Hà Nội) hỏi thăm chẳng ai là không biết vợ chồng ông Tài điếc, bà Đầm mù. Bởi lẽ ông bà là hộ nghèo 'bền vững' của xã, lại chỉ có đôi vợ chồng già hằng ngày tất bật chăm nhau trong căn nhà đơn sơ.
Có miếng bánh, ông cũng phần bà ăn trước.
Ông bà lấy nhau lúc còn nghèo, có con rồi cũng chẳng khá hơn. Họ có với nhau 4 mặt con, nhưng đến khi con khôn lớn, họ lại trở về cảnh vợ chồng 'son'.
Con gái đầu thì bỏ đi biệt vô âm tín, con gái thứ lấy chồng xa lâu lắm mới về thăm, cậu út thì mất sớm, còn con trai thứ 3 nhà ngay cạnh, nhưng vì lú do gì đó cũng chẳng có điều kiện chăm nom phụng dưỡng. Hai ông bà cứ thế nương tựa vào nhau sống qua ngày.
Ông thương bà lắm, mắt bà không sáng, việc gì ông cũng làm.
Rau cháo sống qua ngày, nhưng ông lúc nào cũng chăm bà tỉ mỉ.
Trước còn khỏe, ông bà vẫn mò cua bắt ông đem ra chợ bán kiếm chút rau chút thịt về sống qua ngày. Nhưng mấy năm nay già yếu hơn, mắt bà lại kém, ông không yên tâm để bà lam lũ. Thế là ông bà ở nhà, sống bằng 700.000 đồng tiền trợ cấp mỗi tháng và hàng xóm đỡ đần.
Mỗi bữa cơm chỉ đáng giá 5 nghìn, với vài miếng thịt và ít rau, thỉnh thoảng hàng xóm lại đem cho mớ rau, con cá, ông bà cứ thế sống mấy năm nay.
Thiếu ăn thiếu mặc thì thiếu, chứ trong căn nhà nhỏ của ông bà không thiếu tình cảm, niềm vui.
Bà mắt kém, ông cứ tất bật cả ngày dọn dẹp, cơm nước, trò chuyện cùng bà.
Thiếu ăn như vậy, nhưng bữa cơm nào ông cũng nhường thịt cho bà ăn, rồi nói dối ông có thức ăn rồi. Cả ngày ông loanh quanh làm việc nhà, đốt củi, nấu cơm, dọn dẹp, tuổi già nhưng ông còn khỏe, còn bà mắt kém, chân tay run cũng không giúp được gì.
Việc trong nhà đều do một tay ông làm.
Chăm lo cho bà cả ngày, tối đến, khi dọn dẹp cơm nước xong, ông lại ngồi chải tóc, nói chuyện cùng bà. Đấy là thói quen của ông bà từ xưa. Vợ chồng bao nhiêu năm sống chung với nghèo khó, giờ chỉ còn 2 ông bà lủi thủi chăm nhau mà thương nhau là vui.
Ông bà cứ dựa vào nhau sống đã nhiều năm nay.
Ông cười xòa bảo, gọi là nói chuyện chứ có nói được bao câu đâu. Ông bà đều già cả rồi nên khó nghe lắm, nói phải ghé sát vào tai mới nghe được. Xong xuôi, ông lại buông màn cho bà ngủ, còn ông loanh quanh một lúc rồi mới ngủ sau.
Tối nào ông cũng dọn giường, buông màn cho bà ngủ suốt bao nhiêu năm qua.
Lo cẩn thận mọi việc cho bà rồi ông mới đi ngủ.
Nghĩ về cả cuộc đời, ông cũng ứa nước mắt. Ở cái tuổi này rồi, ông cũng chẳng mong ngóng gì nhiều, chỉ mong bà khỏe mạnh, tiếp tục sống với ông thật lâu, để ông bà có thể dựa vào nhau mà sống.
Khi bà ngủ ròi, ông mới nghẹn ngào nước mắt kể về cuộc đời của mình. Chứ chẳng dám nói trước mặt bà, bà nghe được lại buồn rồi khóc, ông thương.
Ông bảo, đời ông bà còn nhiều nỗi cay cực, cái nghèo bủa vây và những nỗi khổ tâm. Nhưng ông bà vẫn còn muốn tiếp tục sống bên cạnh nhau, bên sự san sẻ của hàng xóm láng giềng, dù đói nghèo, tủi hờn nhưng tình nghĩa ấy còn đáng quý hơn rất nhiều sự sung túc, giàu có.