Đây là chia sẻ của chuyên gia tội phạm học, PGS.TS Đỗ Cảnh Thìn, Phó Viện trưởng Viện An ninh phi truyền thống - Đại học Quốc gia Hà Nội, trong cuộc trao đổi với PV Infonet xung quanh vấn đề một loạt các vụ thảm sát do ghen tuông gây rúng động xã hội xảy ra trong thời gian qua.
- Chỉ trong thời gian ngắn gần đây xảy ra liên tiếp những vụ án giết người man rợ liên quan đến tình ái như: giết người tình chở xác đến công an đầu thú, chém đứt hai tay vợ vì ghen, đâm chết tình địch rồi bắt cóc người yêu…. Từng giữ vai trò Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Tội phạm học và Điều tra tội phạm của Học viện Cảnh sát nhân dân, ông nhìn nhận như thế nào về tình trạng cuồng ghen hiện nay, thưa PGS.TS Đỗ Cảnh Thìn?
PGS.TS Đỗ Cảnh Thìn: Thời gian gần đây, trong xã hội xảy ra nhiều vụ án mạng liên quan đến quan hệ tình cảm cá nhân với các hành vi, phương thức, thủ đoạn phạm tội rất dã man, tinh vi, xảo quyệt, liều lĩnh, trắng trợn, bất chấp pháp luật cũng như hậu quả đối với bản thân nạn nhân và xã hội.
Điều này phản ánh hiện tượng không bình thường về nhận thức, tâm lý, lối sống; sự khủng hoảng về các giá trị sống cũng như kiến thức và ý thức về pháp luật; về kỹ năng ứng xử, giải quyết các xung đột của một bộ phận dân chúng trong xã hội. Những vụ án này đã gây hoang mang, lo lắng trong dư luận, để lại nhiều hậu quả tiêu cực đối với trật tự xã hội.
- Hiện đã có những thống kê nào về độ tuổi, học vấn, công việc của những đối tượng gây án vì ghen tuông chưa?
PGS.TS Đỗ Cảnh Thìn: Hiện chưa có thống kê chính thức về nhân thân của người phạm tội trong các vụ án liên quan đến quan hệ tình cảm nói chung, quan hệ tình ái nói riêng. Tuy nhiên, qua các nghiên cứu chung về các vụ án hình sự cũng như các thông tin về tội phạm học cho thấy, các vụ án liên quan đến tình ái phần lớn nằm trong độ tuổi từ 18 đến 35.
PGS. TS Đỗ Cảnh Thìn.
Đây là độ tuổi có quan hệ tình cảm nam nữ phát triển phức tạp, đa dạng, cũng là giai đoạn lập gia đình, sinh con, thiết lập quan hệ tài sản… Nhiều vấn đề nảy sinh trong quan hệ tình cảm dẫn đến xung đột như lối sống, tình cảm, tài sản, gia đình hai bên, sự thất vọng, sự phản bội…
Trong độ tuổi này cũng chưa có sự trải nghiệm sâu sắc về cuộc đời, dễ bị cảm xúc chi phối. Thời gian gần đây, số vụ án do người có độ tuổi cao hơn cũng có xu hướng tăng do các hành vi ngoại tình, sa vào tệ nạn, bạo lực gia đình… Đáng chú ý, số vụ án do người có trình độ học vấn thấp, lao động phổ thông, lao động tự do luôn chiếm tỷ lệ cao so với các đối tượng còn lại.
- Theo phản ánh trên truyền thông, mạng xã hội, người ta có cảm giác số vụ án do ghen tuông những năm gần đây dường như gia tăng cả về tính chất dã man lẫn số lượng. Ông có thấy như vậy?
PGS.TS Đỗ Cảnh Thìn: Phải thừa nhận, những năm gần đây số vụ án do ghen tuông tình ái đang có chiều hướng gia tăng, tính chất, mức độ ngày càng phức tạp, nhất là các hành vi dã man, tàn bạo, sử dụng các công cụ, phương tiện gây án đa dạng, có tính nguy hiểm cao như súng quân dụng, axit, chất độc và các loại hung khí có tính sát thương cao.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến các vụ án do ghen tuông. Trong các loại mâu thuẫn xảy ra trong đời sống thì mâu thuẫn tình cảm (nhất là ghen tuông) thường dẫn đến những hành vi rất quyết liệt.
Bởi lẽ, trong mâu thuẫn về tình cảm thường tích tụ rất nhiều trạng thái tâm lý như nhục nhã, thất vọng, ích kỷ, lo sợ, uất ức, cay cú… cùng với sự tác động của các yếu tố khác như sự kích động từ bên ngoài, môi trường sống, sự căng thẳng và áp lực trong việc xử lý các mối quan hệ… Trong nhiều trường hợp do sự căng thẳng, sự kích động, hận thù, uất ức… dẫn đến đối tượng phạm tội hành động rất quyết liệt, mất kiểm soát hành vi, phạm tội đến cùng nên hậu quả thường đặc biệt nghiêm trọng.
- Vậy những người gây án không phải do bột phát dẫn đến hành vi man rợ này mà họ đã có quá trình nung nấu ý định?.
PGS.TS Đỗ Cảnh Thìn: Trong nhiều trường hợp gây án do mâu thuẫn tình ái, dấu hiệu có sự chuẩn bị thực hiện tội phạm không có tính điển hình, hoặc không kéo dài. Phần lớn những vụ phạm tội mang tính nhất thời, bộc phát.
Có thể do các mâu thuẫn kéo dài không được hóa giải, do những người trong cuộc không có kỹ năng xử lý đúng đắn hoặc không kiểm soát được cảm xúc; do sự hiểu biết và tôn trọng pháp luật của thủ phạm không cao.
Bên cạnh đó, có một yếu tố rất quan trọng đó là từ phía nạn nhân. Rất nhiều vụ án nghiêm trọng có một phần nguyên nhân do nạn nhân thiếu kiềm chế, kích động, thách thức, nhục mạ, không có thiện chí hoặc sử dụng bạo lực trong giải quyết mâu thuẫn. Điều này rất dễ thúc đẩy đối tượng ra tay thực hiện hành vi phạm tội. Đây cũng là một đặc điểm có tính điển hình trong các vụ án ghen tuông tình ái. Sau khi thực hiện hành vi phạm tội, nhiều đối tượng gây án tỏ ra suy sụp, lo sợ, ân hận, day dứt,… mong được tha thứ, mong được chuộc lại lỗi lầm.
- Có cách nào để ngăn chặn những vụ án kinh hoàng, là nỗi đau thấu trời với người thân, gia đình của nạn nhân, và cả với người thân của kẻ thủ ác?
PGS.TS Đỗ Cảnh Thìn: Trước hết, cần phải có nền tảng của nhận thức và ý thức. Mỗi người phải tự trang bị cho mình sự hiểu biết và tôn trọng pháp luật. Phải luôn ý thức được rằng nếu gây án nhất định sẽ phải trả giá đắt cho cuộc đời và tương lai của mình, nhất định sẽ bị lên án, bị pháp luật xử lý, gia đình, con cái, dòng tộc bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Khi có được “cái nền” này sẽ tạo ra được sự “đề kháng” cần thiết, không để rơi vào vòng tội lỗi.
Mỗi người cũng cần phải có kỹ năng ứng xử và giải quyết các tình huống mâu thuẫn, xung đột. Các hành vi bất hợp tác, thiếu thiện chí, nóng vội, kích động, thách thức, nhục mạ… luôn tiềm ẩn những hậu quả khôn lường. Cần nhớ, mọi vấn đề đều có cách và luôn phải tìm cách giải quyết theo hướng tích cực.
Ngoài ra, theo tôi để ngăn chặn tình trạng này có cần có sự góp sức của các cơ quan, tổ chức, các lực lượng xã hội trong việc xây dựng môi trường xã hội lành mạnh ngay từ trong mỗi gia đình, cộng đồng dân cư; cảnh báo và lên án các hành vi lệch chuẩn trong quan hệ tình cảm cũng như hành vi tiêu cực, phạm pháp.
Các cơ quan có trách nhiệm phải kịp thời phát hiện, phòng ngừa các hiện tượng mâu thuẫn, xung đột và xử lý nghiêm minh các hành vi phạm tội nhằm cảnh báo, răn đe, giáo dục, phòng ngừa chung, qua đó góp phần kéo giảm các vụ án đau lòng xảy ra trong xã hội.
Xin cảm ơn PGS.TS Đỗ Cảnh Thìn!
Theo thống kê của các cơ quan chức năng, năm 2021, toàn quốc xảy ra hơn 1.000 vụ giết người; trong quý I/2022 xảy ra hơn 280 vụ, tăng khoảng 9% so với cùng kỳ năm trước.
Mặc dù chiếm tỷ lệ thấp so với cơ cấu tội phạm về trật tự xã hội, nhưng loại tội phạm này lại gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng về người.
Nguyên nhân dẫn đến các vụ án giết người chủ yếu do xuất phát từ các mâu thuẫn tranh chấp đất đai, tài sản; ghen tuông tình ái; mâu thuẫn trong gia đình; bộc phát khi sử dụng rượu bia; mâu thuẫn do va chạm khi tham gia giao thông; trục lợi tiền bảo hiểm; quẫn bách về kinh tế; mê tín dị đoan.