Nói về lòng tham, ông cha ta có rất nhiều câu ca dao, thành ngữ - tục ngữ bàn về vấn đề này. Trong đó, “Bắt cá hai tay” là câu thành ngữ được sử dụng rộng rãi cho đến ngày nay. Đặc biệt hơn, đây là câu thành ngữ không chỉ nói về lòng tham vật chất mà còn bàn về cách đối xử trong tình yêu.
Cùng VOH tìm hiểu rõ hơn về câu thành ngữ này để có thêm cho mình những bài học nhân sinh sâu sắc trong bài viết dưới đây.
“Bắt cá hai tay” là gì?
Kho tàng ca dao, thành ngữ - tục ngữ Việt Nam vô cùng phong phú khi được ông cha ta lấy chất liệu từ cuộc sống thường ngày. Bằng những hoạt động quen thuộc xảy ra trong đời sống, cha ông đã quan sát, chiêm nghiệm và đúc kết thành những câu nói chất chứa bao bài học triết lý ý nghĩa.
Mượn hình ảnh 'bắt cá' để tạo nên câu thành ngữ, ông cha ta muốn gửi gắm bài học gì qua câu nói 'Bắt cá hai tay'?
Ảnh: Canva
'Bắt cá' là một hoạt động quen thuộc trong đời sống người dân Việt Nam xưa. Thuở xưa, đời sống còn khó khăn, người dân thường đi đánh bắt cá dưới các sông, suối để phục vụ bữa ăn gia đình. Lễ hội bắt cá cũng như thi bắt cá bằng tay đã trở thành một phần của văn hóa Việt.
Theo nghĩa đen, câu thành ngữ 'Bắt cá hai tay' chỉ việc con người dùng tay bắt cá. Tuy nhiên, nếu dùng hai tay để bắt một con cá thì là chuyện bình thường, nhưng mỗi tay bắt một con cá thì lại rất khó thực hiện. Đây là một hình ảnh thực tế trong đời sống mà ta dễ dàng bắt gặp.
Theo Từ điển tiếng Việt của Hoàng Phê, “Bắt cá hai tay” chính là vi mưu nhiều việc cùng một lúc một cách tham lam, hy vọng hỏng việc này thì được việc kia.
Theo Từ điển thành ngữ - tục ngữ của Vũ Dung, “Bắt cá hai tay” chính là mỗi tay bắt một con cá, kết quả là tuột mất cả, chẳng được con nào. Một cách lý giải khác là hành động khôn lỏi, tham lam, ôm đồm, muốn có nhiều thứ, muốn làm nhiều việc cùng một lúc.
Ca dao Việt Nam có câu:
“Xin đừng bắt cá hai tay
Cá lặn xuống nước, chim bay lên trời.”
“Xin đừng bắt cá hai tay
Ngẫm xem câu chuyện đắng cay hơn gừng.”
Như vậy, theo như những lý giải trên, ông cha ta đã dùng câu thành ngữ này để mỉa mai, phê phán hành động tham lam, không biết lượng sức mình mà muốn làm nhiều việc cùng lúc, cuối cùng chẳng được gì. Đây cũng là một hành động gây nên những ảnh hưởng tiêu cực cho bản thân và người khác.
Câu thành ngữ này còn đồng nghĩa với câu “Chân đạp hai thuyền” khi nói về sự tham lam, đa tình của một người.
“Bắt cá hai tay” - tham lam ắt nhận cái kết “đắng”
Như đã giải thích, câu thành ngữ này để chỉ những người có tư tưởng nước đôi, tham lam, ôm đồm, muốn có nhiều thứ, muốn làm nhiều việc cùng lúc. Họ muốn chắc rằng không được việc này thì vẫn còn việc khác để thế vào. Thông thường, hành động này sẽ dẫn đến kết quả là không được gì, nhất là trong tình yêu.
Trong cuộc sống, thường những người tham lam thì cuối cùng cũng sẽ mất hết mà không được gì.
Chúng ta biết rằng, sống trên đời nên có tham vọng để có thể đạt được thành công. Nhưng nếu để tham vọng không thể kiềm chế và trở thành lòng tham, hoặc trở thành hành vi vi phạm đạo đức và pháp luật, có thể dẫn đến những hậu quả tiêu cực khôn lường. Hành vi này không chỉ ảnh hưởng đến bản thân mà còn ảnh hưởng đến những người xung quanh.
Tham lam có thể được nhận diện trong nhiều hoạt động đời thường - Ảnh: Canva
“Bắt cá hai tay” là gì trong tình yêu?
“Bắt cá hai tay” trong tình yêu đồng nghĩa với sự phản bội. Sự phản bội này chính là đi ngược với lòng chung thủy thiêng liêng, trái luân thường đạo lý. Cùng lúc yêu hai hoặc nhiều người sẽ để lại nhiều hệ lụy cho những người trong cuộc.
Nguyên nhân
Tham lam, không bao giờ biết đủ.
Tình yêu giữa hai người chưa đủ sâu sắc.
Cảm thấy bị bỏ rơi, bị xem thường về mặt tình cảm, có cảm giác không an toàn.
Không biết chọn ai giữa hai người.
Chạy theo cảm giác mới lạ.
Chỉ nhìn vào lợi ích bản thân nhận được trong các mối quan hệ yêu đương.
Hậu quả
Đánh mất mối quan hệ.
Gây ra những nỗi đau về mặt tinh thần cho bản thân và người khác.
Không bao giờ có được tình yêu chân thành.
Ngoại tình là hành vi trái đạo đức - Ảnh: Canva
Những câu ca dao, thành ngữ, tục ngữ về sự tham lam
Dưới đây là một số câu ca dao, tục ngữ nói về sự tham lam mà VOH sưu tầm.
Con rô cũng tiếc, con diếc cũng muốn
Tham thì thâm
Sống tham, chết thối
Uống nước không chừa cặn
Tham sáu đồng lãi mất năm mươi tư đồng vốn
Tham bát bỏ mâm
Tham thì thâm, lầm thì thiệt
Ăn mày đòi xôi gấc
Tham thực cực thân
Ăn một miếng, tiếng để đời
Ảnh: Canva
Tham có tham giàu, đâm đầu vào lưới
Được voi đòi tiên
Ăn cướp cơm chim
Ăn chó cả lông ăn hồng cả hạt
Lòng tham không đáy
Máu tham hễ thấy hơi đồng thì mê
Ăn ngập mặt ngập mũi
Ngồi đống thóc, móc đống tiền
Muốn ăn, gắp bỏ cho người
Của mình thì giữ bo bo Của người thì thả cho bò nó ăn.
Chim kia vì bởi tham ăn Mà vương phải lưới người giăng đấy rồi Cá kia vì bởi tham mồi Mà mắc phải lưỡi câu người cắm đây.
Đừng ham nhà ngói cao nền Lăn thân vô đó biết bền hay không?
Đừng nên tham phú phụ hèn Đừng như châu chấu thấy sáng đèn nhảy vô.
Tham vàng bỏ đống gạch đầy Vàng thì ăn hết gạch xây nên thành.
Một tay hai trái khó bưng Muốn bưng trái nọ thì đừng trái kia.
Trên đây là những lý giải của VOH về câu thành ngữ 'Bắt cá hai tay' cũng như các bài học nhân sinh sâu sắc. Hy vọng bài viết đã giúp bạn hiểu thêm về câu nói này, đồng thời 'bỏ túi' thêm cho mình những câu ca dao, thành ngữ tục ngữ nước nhà để làm giàu thêm vốn sống. Để tìm hiểu thêm về ý nghĩa của các câu nói hay, ca dao, thành ngữ, tục ngữ Việt Nam, đừng quên truy cập vào VOH - Sống đẹp.