Trên thực tế, thai kỳ thụ tinh ống nghiệm và thai kỳ tự nhiên đều có những nguy cơ nhất định, dựa trên các yếu tố độ tuổi, tiền sử bệnh của người mẹ, quá trình mang thai trước đó… Phó giáo sư, bác sĩ Lê Hoàng - Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sinh sản, BVĐK Tâm Anh Hà Nội cho biết, kiểm tra và xử trí các bất thường, đặc biệt là các bất thường tử cung, là điều kiện tiên quyết để có một thai kỳ thuận lợi. Điều này không chỉ đúng với các gia đình hiếm muộn, bất kỳ cặp đôi nào đang kế hoạch có con nên khám sức khỏe sinh sản khi có kế hoạch mang thai.
Với các gia đình mang thai thụ tinh ống nghiệm cần chú ý đảm bảo duy trì thăm khám và duy trì thuốc nội tiết theo chỉ định của bác sĩ nhằm giúp thai kỳ ổn định. Đồng thời, việc thăm khám và thực hiện các chỉ định xét nghiệm sàng lọc phát hiện dị tật cũng nên được thực hiện dù đã thực hiện sàng lọc phôi trước khi thụ tinh ống nghiệm.
Bác sĩ Hiền Lê thăm khám cho sản phụ. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh
Một sai lầm khác nhiều gia đình hiếm muộn thường gặp phải là hạn chế vận động, tăng cường bồi bổ dinh dưỡng nhiều để thai nhi khỏe mạnh. Nhưng quan điểm này có thể khiến sản phụ tăng cân nhiều, kéo theo nguy cơ tăng huyết áp, tiền sản giật, đái tháo đường… Một chế độ dinh dưỡng cân bằng và vận động nhẹ nhàng, vừa sức sẽ giúp người mẹ tăng cường sức khỏe, hỗ trợ cho quá trình sinh nở thuận lợi hơn, bên cạnh đó thai nhi cũng sẽ phát triển tốt.
Bác sĩ chia sẻ trường hợp chị Phương Anh (40 tuổi, Vĩnh Phúc) thuận lợi sinh bé trai đầu lòng khỏe mạnh hơn 10 năm trước. Khi con đã lớn, gia đình chị quyết định đón thêm thành viên mới nhưng không may mắn như lần đầu, chị sảy thai liên tiếp 4 lần ở cột mốc 6 - 8 tuần.
Được mẹ chồng động viên, chị Phương Anh tìm tới Trung tâm Hỗ trợ sinh sản - Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội (IVF Tâm Anh) để thăm khám. Kết quả phim chụp kiểm tra cho thấy chị có tình trạng dính buồng tử cung ở phần thân, được xác định là nguyên nhân ảnh hưởng tới quá trình phát triển bào thai và dẫn tới tình trạng sảy thai liên tiếp. Chỉ số dự trữ buồng trứng của chị Phương Anh chỉ còn 0.434 ng/ml, thấp hơn mức bình thường là 2,0 – 6,8 ng/ml. Kết hợp với yếu tố độ tuổi cao của cả hai vợ chồng, nguy cơ bất thường thai nhi tăng cao, bác sĩ tư vấn gia đình nên thực hiện thụ tinh ống nghiệm kết hợp sàng lọc phôi.
Gia đình chị Phương Anh đồng ý thực hiện điều trị theo chỉ định của bác sĩ và thu được 2 phôi tốt ngày 6 sau chu kỳ đầu kích trứng. Ngay trong tháng sau, bác sĩ tiến hành mổ tách dính cho chị Phương Anh, kết hợp sử dụng thuốc điều trị hạn chế khả năng tái dính sau mổ.
3 tháng sau khi mổ tách dính, chị đủ điều kiện và quyết định chuyển 1 phôi. Kết quả sàng lọc di truyền tiền làm tổ PGT-A không phát hiện bất thường, chị Phương Anh được chuyển phôi vào đúng ngày 8/3. Ngay khi có kết quả thử beta, chị Phương Anh mới dám chia sẻ tin vui với chồng. Niềm vui càng nhân đôi khi chị được thông báo mang song thai. Lo ngại vì nhiều lần mất thai ở tuần 6-8, gia đình chị quyết định ở lại Hà Nội theo dõi thai tới 12 tuần. Chị duy trì thuốc nội tiết và đều đặn khám 2 tuần/lần.
Ở mốc 6 tuần, lo lắng của chị càng tăng lên khi nhận kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-Cov-2. May mắn, chị Phương Anh khỏi Covid-19 sau 1 tuần và hai thai vẫn phát triển tốt. Gia đình chị về quê nhà để dưỡng thai sau 10 tuần theo dõi ổn định tại IVF Tâm Anh. Nhưng ở tuần thứ 16, gia đình chị một lần nữa gặp thử thách, phải khâu vòng cổ tử cung để giữ thai. Tuy nhiên, chị Phương Anh tiếp tục có dấu hiệu tụt cổ tử cung khi siêu âm sau 2 tuần, gia đình chị quyết định xuống Hà Nội để theo dõi thai tại Bệnh viện Tâm Anh.
Thai 20 tuần, chị Phương Anh đã tăng thêm 18kg so với trước khi mang bầu. Khi cán mốc 21 tuần, chị Phương Anh tiếp tục bị tụt cổ tử cung, chiều dài cổ tử cung chỉ còn 8mm, nguy cơ sinh non cao. Thai nhi sinh non ở thời điểm này khó có cơ hội nuôi sống, các bác sĩ sau khi đánh giá tình trạng ngay lập tức tiến hành khâu vòng cổ tử cung với hy vọng giữ thai cho chị. Khi được đưa vào phòng mổ, cổ tử cung tụt sâu hơn, có thể nhìn thấy rõ túi ối, điểm bám để khâu vòng ít gây khó khăn cho bác sĩ phẫu thuật, kèm theo nguy cơ tổn thương túi ối trong quá trình can thiệp.
Bác sĩ Hiền Lê thực hiện phẫu thuật thành công và chỉ định chị Phương Anh tiếp tục theo dõi thai hàng tuần kết hợp sử dụng điều trị nội khoa kiểm soát các cơn gò, nguy cơ nhiễm trùng, rỉ ối sau mổ. Đặc biệt, chị Phương Anh được tư vấn dinh dưỡng, kiểm soát cân nặng trong quá trình mang thai. Với nỗ lực của đội ngũ y tế và gia đình, cặp song sinh khỏe mạnh chào đời ở tuần thai 38.