Ngày tôi đưa Hoàng về ra mắt gia đình, bố mẹ tôi đã tỏ ý không thích tôi lấy anh vì nhà anh đông con cái, lại vất vả làm ăn. Thế nhưng về sau vì thương con gái một lòng một dạ nên ông bà đánh gật đầu.
Khi ấy tôi cứ nghĩ Hoàng là người đàn ông biết lo cho cho gia đình, yêu thương vợ con nên tôi mới tha thiết vậy. Tôi nào ngờ khi lấy nhau rồi mới phát hiện Hoàng chỉ lo cho bố mẹ và 3 đứa em, còn gia đình riêng của mình thì mặc kệ cho tôi tự xoay xở. Thế nên sau 5 năm hôn nhân chúng tôi cũng chẳng có nổi 50 triệu tiền tích lũy.
Lý do là mỗi tháng tôi phải có trách nhiệm biếu bố mẹ anh 3 triệu gọi là tiền phụng dưỡng, thậm chí tôi cũng phải lo nốt 3 đứa em của anh còn tuổi ăn học.
Mỗi dịp lễ tết hay giỗ chạp về quê mới là đau đầu nhất, nguyên tiền xe cộ, quà cáp cũng tốn vài triệu. Bởi lẽ Hoàng là con trưởng nên anh nghĩ rằng mọi thứ trong nhà anh phải lo hết.
Khốn khổ nhất là chồng tôi có tính sĩ diện hão, luôn thể hiện rằng mình có công việc, có thu nhập cao tại thành phố. Vậy nên không ít lần tôi phải ái ngại giải quyết việc cô di chú bác nhà chồng nhờ xin việc cho con.
Thực tình, ở thành phố, thu nhập của hai vợ chồng tôi vào khoảng 25 triệu/ tháng, con số ấy với người ở quê là to chứ với mức sống ở thành phố thì rất bình thường, nhất là khi chúng tôi vẫn còn sống trong cảnh thuê nhà rồi áp lực con cái đè nặng lên vai.
Dịch bệnh kéo dài cả năm nay, tôi vốn làm trong ngành du lịch nên lương thưởng bị cắt giảm nhiều. Hiện tại công ty chỉ hỗ trợ mỗi tháng 5 triệu, nếu dịch cứ kéo dài thì công ty cũng không còn sức mà hỗ trợ nữa. Vì thế áp lực kinh tế thực sự khiến tôi rất mệt mỏi.
Vậy mà hôm trước chồng đột nhiên báo chuyện cậu em trai mới tốt nghiệp đại học nợ dân xã hội 50 triệu, nếu không có tiền trả thì chúng về tận quê nhà làm ầm ĩ. Chồng bảo tôi thu xếp trả giùm cho nó.
Tôi không còn nhớ đây là lần bao nhiêu tôi phải đi dọn hậu quả cho em chồng nữa. Tôi đã phải lo cho em chồng học hành tốn kém tại thành phố rồi mà cậu ta cũng không biết thương anh chị lại sa đà vào cá độ, vay mượn khiến mấy lần dân xã hội đến tìm uy hiếp.
Ảnh minh họa
Lúc khó khăn trăm bề, tôi còn chưa biết vài tháng tới sẽ lấy gì trả tiền thuê nhà chứ nói gì đến chuyện gom 50 triệu. Vậy mà chồng không hiểu lại nói rằng bấy lâu nay tôi tiêu phung phí số tiền anh đưa, có cái gì tốt lại gói gém mang về nhà ngoại.
Nghe đến đây tôi chịu không nổi nữa liền nhắc lại rằng mỗi tháng anh đưa 6 triệu đồng còn chưa đủ trả tiền thuê nhà và tiền mua sữa cho con. Vậy mà tháng nào cũng nhắc vợ phải gửi tiền biếu bố mẹ chồng, mua quà cáp, thuốc bổ gửi về quê, lo cho các em ăn học.
Trong khi 5 năm làm rể anh ấy còn chưa từng mua lấy một cái áo tặng bố vợ, chưa từng nấu cho vợ một bữa cơm tươn tất nhưng lúc nào cũng đòi hỏi vợ phải thế này, thế kia.
Vì quá bức xúc nên tôi tuyên bố luôn từ nay cắt hết các khoản lo cho 3 đứa em chồng vì suy cho cùng chúng đều trên 18 tuổi rồi phải tự lo lấy cuộc đời mình. Nếu chồng không đồng ý thì tôi quyết đường ai nấy đi.
Thấy tôi làm căng thì chồng lại xuống nước nói lâu nay vì anh thương các em nên mới chiều chuộng thế.
Sau buổi hôm đó, lần đầu tiên tôi thấy chồng chủ động đi chợ, nấu nướng cho cả nhà, thậm chí còn gợi ý khi nào hết dịch về thăm ông bà ngoại.