Tỷ lệ mang thai ở tuổi vị thành niên Philippines thuộc hàng cao nhất châu Á. Ảnh: The Telegraph
Kessa mang thai con gái khi tròn 13 tuổi. Là một “điều cấm kỵ” ở Philippines, em không được học và chia sẻ về vấn đề tình dục từ những người xung quanh. Một năm sau, em có thêm một đứa con trai. Đến hiện tại, ở tuổi 17, Kessa đã nghỉ học để chăm sóc các con. Em tâm sự: Làm mẹ thật khó. Em phải hy sinh mọi thứ vì con.
Trường hợp như Kessa không hiếm. Tỷ lệ mang thai ở tuổi vị thành niên tại Philippines thuộc hàng cao nhất châu Á, với hơn 500 thanh thiếu niên mang thai và sinh con mỗi ngày. Tỷ lệ này ngày càng tăng ở nhóm bé gái nằm trong độ tuổi từ 10 - 15 tuổi.
Bà Mary Racelis, nhà nhân chủng học và xã hội học người Philippines cho biết, rất khó để xác định lý do chính xác cho sự gia tăng này. Tuy nhiên, các chuyên gia đưa ra giả thuyết rằng Giáo hội Công giáo và Chủ nghĩa bảo thủ ở Philippines có thể là một trong những nguyên nhân khiến ngày càng nhiều trẻ em gái mang thai sớm.
Gần 90% dân số Philippines theo Kitô giáo, bao gồm cả Công giáo, vốn không khuyến khích quan hệ tình dục trước hôn nhân và sử dụng bao cao su hoặc thuốc tránh thai. Điều này gây khó khăn cho các trường học và các nhà vận động trong việc giáo dục giới tính và các biện pháp phòng tránh an toàn. Họ không được phép đề cập đến vấn đề này với trẻ em. Chính quyền thành phố General Santos cho biết: “Giáo hội không ủng hộ phá thai và ngăn cản tuyên truyền các biện pháp tránh thai cho học sinh.”
Công giáo không khuyến khích quan hệ tình dục trước hôn nhân và sử dụng biện pháp tránh thai. Ảnh: Getty Images
Giáo dục giới tính bị bỏ ngỏ
Theo ước tính của Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc, chỉ có 1,1 triệu học sinh trong tổng số 32 triệu học sinh ở Philippines được tiếp cận với giáo dục giới tính. Bà Amina Evangelista Swanepoel, Giám đốc điều hành của tổ chức Roots of Health, chia sẻ: “Hàng nghìn thanh niên nghĩ rằng nhảy lên nhảy xuống sau khi quan hệ sẽ có tác dụng tránh thai. Cũng có người lại tin rằng không thể mang thai trong lần quan hệ đầu tiên.”
Năm 2012, Luật Sức khỏe sinh sản được thông qua ở Phillippines, cho phép tiếp cận miễn phí các biện pháp tránh thai và bắt buộc các trường công phải giáo dục giới tính. Giáo hội và một số nhóm Công giáo đã công khai phản đối, khiến luật này bị gửi lên Tòa án Tối cao.
Vào thời điểm đó, cố linh mục Melvin Castro, một quan chức Công giáo hàng đầu ở Philippines cho rằng luật “đi ngược lại ý muốn sinh sản của Thiên Chúa”.
Tòa án Tối cao ban hành điều khoản cho phép thanh niên trên 18 tuổi sử dụng các biện pháp tránh thai chỉ khi có sự đồng ý của cha mẹ. Nhiều người trẻ, trong đó có Kessa, sợ bị phán xét nên không dám chia sẻ với phụ huynh. Điều này chính là rào cản lớn khiến các em không có cơ hội tiếp cận với tình dục an toàn.
Sức khỏe thể chất của các bé gái đang mang thai thường không được quan tâm. Theo Tổ chức Cứu trợ Trẻ em, sản phụ dưới 15 tuổi có nguy cơ tử vong do biến chứng khi mang thai hoặc sinh nở cao gấp đôi so với phụ nữ trong độ tuổi từ 20 đến 30.
Mặc dù nhiều người cho rằng Giáo hội Công giáo phải chịu trách nhiệm về cuộc khủng hoảng mang thai ở tuổi vị thành niên ở Philippines, nhưng vẫn cần tiến hành nhiều nghiên cứu hơn để hiểu được các yếu tố thúc đẩy sự gia tăng nghiêm trọng này.
Các cuộc khảo sát gần đây đã thu thập cả dữ liệu mang thai của trẻ em từ 10 tuổi. Năm 2022, có thêm 815 trẻ em từ 10 -14 tuổi mang thai. Bà Swanepoel cho biết, các phương pháp thu thập dữ liệu được mở rộng sang các nhóm tuổi trẻ hơn, có nghĩa là họ “đang nhìn thấy những xu hướng hoặc những điều mà trước đây chưa từng thấy.”
Trẻ em mang thai sớm gặp nhiều vấn đề về sức khỏe. Ảnh: Shutterstock
Hy vọng vào một tương lai tươi sáng
Bà Swanepoel chia sẻ: 'Việc tuyên truyền giáo dục giới tính không còn là chủ đề nhạy cảm như trước. Nhưng vẫn còn rất nhiều vấn đề cần giải quyết.'
Philippines đang có lập trường mềm mỏng hơn về vấn đề mang thai ở tuổi vị thành niên. Tháng 9/2023, một đề xuất thành lập hội đồng chuyên trách có nhiệm vụ triển khai các chương trình nhằm giảm thiểu tình trạng mang thai ở tuổi vị thành niên đã được Hạ viện thông qua, dự kiến sẽ được Thượng viện thông qua thành luật vào cuối năm nay.