Khoa Ngoại Tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cao Bằng vừa phẫu thuật cấp cứu thành công cho bệnh nhân T, 17 tuổi, trú tại huyện Hà Quảng bị xoắn tinh hoàn. Bệnh nhân nhập viện vì xuất hiện đau đột ngột, dữ dội bìu bên phải. Sau khi được các bác sĩ thăm khám, làm các xét nghiệm cận lâm sàng, bệnh nhân được chẩn đoán: Xoắn tinh hoàn và được chỉ định mổ cấp cứu.
Kíp phẫu thuật do Bác sĩ Phương Sơn Long -Trưởng khoa Ung bướu cùng kíp mổ thực hiện. Trong quá trình phẫu thuật, các bác sĩ phát hiện tinh hoàn bệnh nhân bị xoắn nhiều vòng dẫn đến thiếu máu nặng, có nguy cơ hoại tử.
Ngay lập tức, bệnh nhân được tháo xoắn, rất may có biểu hiện tưới máu trở lại, kíp mổ đã quyết định bảo tồn tinh hoàn cho bệnh nhân.
Xoắn tinh hoàn là bệnh lý cấp tính thường gặp ở độ tuổi thanh thiếu niên. Bệnh thường xảy ra đột ngột không có dấu hiệu báo trước. Trong bệnh lý này, thừng tinh bị xoắn một hoặc nhiều vòng quanh trục làm mất nguồn cung cấp máu cho tinh hoàn dẫn đến hậu quả thiếu máu và hoại tử tinh hoàn.
Tinh hoàn tím đen của bệnh nhân T.
Nếu được chẩn đoán sớm, khi phẫu thuật có thể tháo xoắn bảo tồn tinh hoàn. Nếu người bệnh đến muộn khi tình trạng thiếu máu tinh hoàn đã quá lâu, tinh hoàn bị hoại tử không còn khả năng bảo tồn phải cắt bỏ hoặc ngay cả khi điều trị bảo tồn được thì chức năng tinh hoàn cũng sẽ bị ảnh hưởng, điều này ảnh hưởng tới tâm lý cũng như sinh lý của người bệnh sau này.
Tuy nhiên, không phải ai cũng ý thức được tầm quan trọng của bệnh này. Đến khám muộn sau khi bị xoắn tinh hoàn hay được chẩn đoán nhầm với những bệnh khác là hai lí do chính dẫn đến việc cắt bỏ tinh hoàn.
Các bác sĩ chuyên nam khoa cho biết, thời gian vàng để giữ được tinh hoàn là từ 4-6 giờ sau khi có triệu chứng đau cấp tính ở tinh hoàn. Nếu bệnh nhân đến vào khung thời gian này, bác sỹ sẽ khám lâm sàng, xét nghiệm và siêu âm Doppler màu để chẩn đoán xác định tình trạng của tinh hoàn. Khi đã xác định là xoắn tinh hoàn, bệnh nhân sẽ được mổ để tháo các vòng xoắn của thừng tinh, để cứu được tinh hoàn, đồng thời cố định tinh hoàn hai bên để tránh tình trạng này tái phát.
BS Hà Đức Quang (Chuyên khoa Nam học), Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội nhấn mạnh, tinh hoàn có khả năng phục hồi 83% khi xử lý sớm trước 6-8 giờ, 70% trước 10 giờ và sau 10 giờ còn 10%. Theo Parker, Delvillar có 71 – 80% trường hợp xoắn tinh hoàn bị mất tinh hoàn vì phải cắt bỏ hoặc sau khi phẫu thuật bảo tồn tinh hoàn vẫn teo.
Mặc dù đây là bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng trên thực tế, có tới 50% xảy ra ở độ tuổi 16 – 21 với triệu chứng xuất hiện cơn đau đột ngột, dữ dội ở tinh hoàn, kèm theo đau bìu, sưng bìu, đỏ vùng da bìu tương ứng, đau vùng bụng dưới và nôn. Tuy nhiên, xoắn tinh hoàn ở lứa tuổi thanh niên có thể chỉ gây đau nhưng không nhiều khiến nhiều nam giới trẻ chủ quan, bỏ qua các dấu hiệu và thường đến viện quá trễ. Hệ quả của việc điều trị xoắn tinh hoàn muộn sẽ rất nặng nề.
Trên thực tế, thời gian gần đây, số người đến khám cấp cứu vì xoắn tinh hoàn có xu hướng tăng lên. Trong số đó phần lớn là đến khám muộn (sau 24 giờ) dẫn đến hoại tử tinh hoàn và phải cắt bỏ. Đây là một dấu hiệu báo động cho thấy nhận thức của người bệnh còn nhiều hạn chế.
Để để tránh những hệ quả đáng tiếc có thể xảy ra, BS Hà Đức Quang nhấn mạnh, nam giới ngay khi thấy có dấu hiệu bìu, tinh hoàn, sưng đỏ,… cần khẩn trương đến viện để được thăm khám và điều trị kịp thời.
Tại các cơ sở y tế, các trường hợp thanh thiếu niên có hội chứng bìu cấp nên được khám xét tỉ mỷ, cẩn thận, nếu có chẩn đoán xác định, thậm chí chỉ khi nghi ngờ có xoắn tinh hoàn thì nên chỉ định mổ sớm, tránh bỏ sót bệnh lý xoắn tinh hoàn dẫn đến tinh hoàn hoại tử phải cắt bỏ sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản của người bệnh về sau.