Theo Qũy Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF), nhiều báo cáo đáng tin cậy tiết lộ sự thật gây sốc là không ít gia đình ở Afghanistan chấp nhận cho con gái mới được 20 ngày tuổi hứa hôn để lấy trước của hồi môn nhằm cứu đói cho cả nhà.
Tình trạng hạn hán nghiêm trọng cùng sự sụp đổ của nền kinh tế khiến Afghanistan trở thành một trong những quốc gia đang phải trải qua cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ nhất trên thế giới.
Phụ nữ và bé gái ở Afghanistan đứng xếp hàng chờ tới lượt nhận tiền cứu trợ ở thủ đô Kabul. (Ảnh: AP)
Giữa lúc mùa đông lạnh giá sắp tới, hàng triệu người Afghanistan được cho đứng trước nguy cơ bị chết đói. Ngoài ra, 97% hộ gia đình ở quốc gia Nam Á này có thể rơi xuống mức dưới cả đói nghèo vào giữa năm 2022.
Sau khi phe phiến quân Taliban nhanh chóng tấn công và giành quyền kiểm soát toàn lãnh thổ Afghanistan, hàng tỉ USD của Afghanistan ở nước ngoài đã bị phong tỏa, trong khi phần lớn các tổ chức quốc tế cũng tạm dừng hoạt động cứu trợ. Giá thực phẩm tăng phi mã giữa lúc hàng triệu người mất việc hoặc bị nợ lương. Trong hoàn cảnh này, nhiều gia đình không còn cách nào khác là 'bán con' để có chút tiền trang trải cho các thành viên còn lại trong nhà.
Mất việc và ngập trong nợ nần, anh Fazal, người từng làm công nhân đóng gạch, chia sẻ anh đứng giữa hai lựa chọn đau lòng là bán những đứa con gái nhỏ của mình, hoặc cả nhà cùng chết đói.
Hồi tháng 10, anh Fazal đã nhận được khoản tiền 3.000 USD làm của hồi môn sau khi gả chồng cho 2 cô con gái mới 13 và 15 tuổi. Người chồng của 2 cô bé có số tuổi gấp đôi bọn trẻ. Và nếu số tiền này cạn, anh Fazal có lẽ cũng sẽ bán nốt đứa con gái mới 7 tuổi.
'Tôi không còn cách nào khác để nuôi sống cả nhà và trả nợ. Tôi có thể làm gì khác? Tôi ước mình không phải gả nốt đứa con út', anh Fazal nói với phóng viên của hãng tin Reuters.
Vấn nạn 'cô dâu nhí' diễn ra tràn lan ở Afghanistan kể từ 100 ngày Taliban chiếm được thủ đô Kabul. Các nhà hoạt động vì quyền phụ nữ cho biết để lấy được của hồi môn trước, không ít cặp vợ chồng đã hứa hôn với những nhà khác dù con gái của họ vừa mới được sinh ra.
Chỉ trong vài tháng qua, tỷ lệ trẻ em bị ép kết hôn sớm ở Afghanistan được cho có thể đã tăng lên gần gấp đôi.
'Thật đau lòng khi nghe được những câu chuyện như vậy. Đây không phải là kết hôn. Đó là cưỡng hiếp trẻ em', nhà hoạt động vì quyền phụ nữ Afghanistan thuộc Tổ chức Nghiên cứu Phụ nữ và Hòa bình, bà Wazhma Frogh nhấn mạnh.
Bà Frogh cho hay hàng ngày bà đều nghe được những thông tin về đám cưới có 'cô dâu nhí' và thường là những bé gái dưới 10 tuổi. Bà Frogh chua xót thừa nhận bà không thể biết được những đứa trẻ này có bị ép quan hệ tình dục trước khi tới tuổi dậy thì hay không.
Cũng theo bà Frogh, các gia đình gả con gái nhỏ đi lấy chồng vì mong giảm bớt được 'miệng ăn' trong nhà và lấy của hồi môn có giá trị thường là từ 500 – 2.000 USD. Đáng buồn, những 'cô dâu nhí' càng nhỏ tuổi thì số tiền hồi môn sẽ càng có giá.
Chưa hết, không ít bố mẹ ép con nhỏ lấy chồng là để trừ nợ. Bà Frogh dẫn lại câu chuyện một chủ đất đã đưa bé gái mới 9 tuổi của một cặp vợ chồng đi chỉ vì họ không thể trả tiền thuê nhà.
Hay như một trường hợp ở phía tây bắc Afghanistan, một người đàn ông đã dắt 5 đứa con tới một nhà thờ vì anh ta không còn gì để nuôi con. Và trong số này, 3 cô con gái chưa đầy 13 tuổi bị ép kết hôn cùng ngày.
Bà Frogh nhấn mạnh thêm, 'số vụ trẻ em bị ép kết hôn đang gia tăng do nạn đói. Người dân không còn gì và cũng không thể tự nuôi con. Chuyện này là hoàn toàn trái pháp luật và không một tín ngưỡng nào cho phép'.
UNICEF cho hay cơ quan này đã bắt đầu triển khai chương trình hỗ trợ tiền để giảm bớt tính nghiêm trọng của nạn đói, cũng như ngăn tình trạng trẻ em kết hôn đang có chiều hướng gia tăng ở Afghanistan. UNICEF đồng thời kêu gọi các nhà lãnh đạo tôn giáo ở Afghanistan dừng tiến hành làm lễ cho những đám cưới mà cô dâu là trẻ em.
Trước khi Taliban giành quyền kiểm soát Afghanistan, độ tuổi nhỏ nhất được phép kết hôn ở quốc gia này là 16 đối với bé gái. Con số này thấp hơn so với quy định 18 tuổi của cộng đồng quốc tế.
Hậu quả từ nền kinh tế sụp đổ
Với anh Fazal, rắc rối tài chính xuất hiện sau khi nền kinh tế Afghanistan rơi vào khủng hoảng khiến hoạt động xây dựng phải tạm dừng. Giống như nhiều đồng nghiệp, anh Fazal từng chỉ nhận được số tiền lương tạm ứng là 1.000 USD cho 6 tháng làm việc. Chưa kể anh còn phải dùng tiền để chữa bệnh cho người vợ đau ốm.
Người dân sinh sống cùng khu với anh Fazal cho biết, rất nhiều công nhân đóng gạch buộc phải gả con gái còn nhỏ cho gia đình khác để lấy tiền trả nợ.
Số liệu thống kê mới nhất ở Afghanistan cho thấy, tỷ lệ bé gái nước này lấy chồng trước năm 18 tuổi là 28% và dưới 15 tuổi là 4%.
Còn theo dự đoán của bà Frogh và nhà hoạt động nữ quyền Jamila Afghani, khả năng có tới một nửa bé gái Afghanistan bị ép kết hôn nếu như khủng hoảng kinh tế vẫn còn kéo dài.
Bà Afghani nhấn mạnh thêm, những bé gái bị ép kết hôn sớm đối mặt với nguy cơ cao bị cưỡng hiếp, bạo hành gia đình, bóc lột sức lao động và gặp phải những biến chứng nguy hiểm khi mang thai.
'Những bé gái này thường bị đối xử giống như người hầu, hoặc nô lệ', bà Afghani cho biết.
Ngoài yếu tố kinh tế, các nhà hoạt động nhân quyền cho rằng chính việc Taliban ngăn cản không cho nữ sinh đi học trở lại là nguyên nhân đẩy nhiều bố mẹ ép con đi lấy chồng sớm.
Bà Heather Barr thuộc tổ chức Human Rights Watch có hơn 6 năm làm việc với phụ nữ ở Afghanistan cho hay, 'có 2 yếu tố quan trọng nhất dẫn tới vấn nạn 'cô dâu nhí' là nghèo đói và thiếu giáo dục'.
Dù Taliban tuyên bố sẽ sớm nối lại hoạt động tại các trường học, nhưng cho tới nay vẫn chưa có quy định cụ thể nào được ban hành và áp dụng.
Trong khi đó, các nhà tài trợ muốn dùng hàng cứu trợ để gia tăng sức ép buộc Taliban đảm bảo quyền lợi cho các bé gái và phụ nữ ở Afghanistan.
Song theo bà Barr, hỗ trợ nhu cầu sống là cần thiết nhất ở thời điểm hiện tại, vì sự trì hoãn sẽ chỉ khiến càng nhiều gia đình rơi vào cảnh túng quẫn, và đẩy thêm nhiều bé gái vào nguy cơ bị ép lấy chồng sớm.