Mới đây, TAND TP HCM đưa ra xét xử một vụ án từng gây rúng động dư luận. Cáo trạng của VKSND TP HCM lý giải nguyên nhân vụ án do bị cáo N.A.K (SN 1992) nghi ngờ cha mình thế chấp giấy tờ nhà để đi đầu tư. Ngày 27-5-2022, K. đã nhốt và bạo hành cha đến chết.
Hậu họa khó lường
K. sinh ra trong một gia đình trí thức (có cha là giảng viên đại học), khá giả nhưng khá phức tạp. Mẹ K. là vợ sau, cha mẹ đến với nhau vì tình yêu nhưng cuộc hôn nhân không hòa thuận. Khi K. càng lớn, những rạn nứt giữa cha mẹ càng không thể hàn gắn.
Họ ly hôn khiến cậu bé K. đang tuổi ăn học hình thành những biểu hiện bất thường về tâm lý, cảm xúc so với bạn bè cùng trang lứa. K. tìm đến 'cỏ Mỹ', để giải tỏa cảm xúc rồi nghiện nặng.
Ra tòa, K. tỏ thái độ bình thản với khuôn mặt không chút hối lỗi. Sau khi cha mẹ ly hôn, K. sống với cha ở nhà cũ, còn mẹ bỏ đi xa. K. sống với cha không hòa thuận. Theo bị cáo, sự xa cách không chỉ do tuổi tác thế hệ mà còn vì ông… không thương con.
Cũng theo lời K., bị cáo không được cha tin tưởng, thậm chí giấu giếm chuyện đầu tư dù K. là người được đào tạo về vấn đề này. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến K. dồn nén suy nghĩ tiêu cực và bột phát tội ác trong một lần cự cãi với cha mình. K. kể tiếp sau khi thấy cha đã chết, bị cáo đã gom tiền, vàng dự định đi tìm gặp mẹ rồi đầu thú. Tuy nhiên, vì mẹ ở quá xa nên K. chưa gặp được thì bị công an bắt giữ.
Những tổn thương tích tụ
Theo luật sư Phạm Thị Bạch Tuyết (Đoàn Luật sư TP HCM), một trong những ảnh hưởng của ly hôn đối với trẻ em trong dài hạn là xu hướng phát triển hành vi bạo lực và chống đối xã hội. Những đứa trẻ này dễ mất bình tĩnh, hay nổi nóng đột ngột và không ngần ngại tấn công người khác như một cách phá vỡ bế tắc của mình. Sự cực đoan của tình trạng này khiến trẻ trở nên lạc loài. Về lâu dài, điều này có thể dẫn đến sự hình thành tư duy tội phạm.
Hệ lụy nặng nề là thế nhưng một bộ phận những người làm cha, làm mẹ vẫn chưa coi trọng cách hành xử đúng mực với con sau ly hôn. Trong những vụ ly hôn mà TAND TP HCM đưa ra xét xử những năm gần đây, tỉ lệ cha, mẹ từ chối nuôi con không hiếm. Ra tòa, họ có không ít lý do để thoái thác trách nhiệm, thăm nom, chăm sóc, cấp dưỡng nuôi con.
Ngày 21-9-2022, TAND TP HCM mở phiên xét xử sơ thẩm vụ tranh chấp liên quan đến thay đổi người trực tiếp nuôi con sau ly hôn. Cả nguyên đơn - bà N.T.T.L (SN 1975) lẫn bị đơn - ông N.Đ.T (SN 1970) đều không đến tòa. Trước đó, bà L. yêu cầu tòa án không tiến hành hòa giải, quyết giao con cho chồng cũ.
Năm 2018, cả hai được TAND quận 11 công nhận thuận tình ly hôn sau 18 năm chung sống. Bà L. nuôi 2 con (5 tuổi và 14 tuổi). Hai năm sau đó, bà L. lại làm đơn xin giao con cho chồng cũ.
Trong đơn, bà viết sau quá trình nuôi con bà nhận thấy có nhiều áp lực về kinh tế; để tạo điều kiện cho con có cuộc sống đầy đủ và việc học tập tốt hơn, bà yêu cầu tòa án xét xử giao hai con chung cho ông T.
Một chi tiết trong vụ án khiến người ngoài cuộc cũng cảm thấy bất nhẫn là người mẹ khước từ trách nhiệm trông nom, chăm sóc, cấp dưỡng cho cả hai con. Ông T. đồng ý nuôi các con mà không cần sự cấp dưỡng từ vợ cũ.
Trong một vụ ly hôn khác được đưa ra xét xử tại TAND TP HCM, cha là người kiên quyết không cấp dưỡng nuôi con. Đó là trường hợp ly hôn giữa bà L.T.T.H. (SN 1978) và ông P.Q.H. (SN 1975). Bà H. làm đơn yêu cầu ly hôn sau 24 năm kết hôn với ông H.
Ra tòa, ông H. nói rằng con thứ hai ra đời cũng là thời điểm những áp lực về nuôi dạy con và kinh tế gia đình ảnh hưởng nhiều tới tình cảm vợ chồng. Sự hòa thuận, thủy chung có dấu hiệu suy giảm. Cả hai bắt đầu cãi vã nhiều hơn.
Bà H. kể khi nhận thấy vợ chồng bất đồng quan điểm, không thể chung sống, bà đã bỏ sang Canada định cư. Hai vợ chồng ly thân cho đến ngày ra tòa.
Yêu cầu ly hôn, bà H. nói chỉ nhận nuôi con thứ 2 còn con trai lớn đã trưởng thành nên bà không có yêu cầu. Ông H. đồng ý và kiên quyết không cấp dưỡng, chăm lo cho bất kỳ đứa con nào.
Bản án được tuyên trên thỏa thuận của cả hai. Nhưng điều gây ám ảnh đến không ít người là đôi mắt hõm sâu thoáng nỗi buồn đến nhói lòng của hai người con. Bất cứ ai cũng sợ bị bỏ rơi. Vậy mà, sau ngần ấy năm, khi mẹ quay trở về, hai người con lại bị bỏ rơi một lần nữa.
Đối với phiên xét xử bị cáo N.A.K, HĐXX đánh giá lời khai của bị cáo tại tòa mâu thuẫn với lời khai trước đó tại cơ quan điều tra. Tại tòa, lời khai của bị cáo thể hiện sự hậm hực, đổ lỗi cho nạn nhân - cha mình. Cũng theo HĐXX, động cơ giết người của K. có thực sự nhắm đến tài sản của nạn nhân hay không, chưa được cơ quan chức năng làm sáng tỏ. Do đó, HĐXX tuyên trả hồ sơ cho VKSND cùng cấp, đề nghị làm rõ hành vi 'Cướp tài sản'.