Hôn nhân có muôn vàn vấn đề, những mâu thuẫn từ to đến bé, những bất đồng quan điểm mà chỉ về chung nhà các cặp đôi mới vỡ mộng về nhau. Thế nên người ta mới nói: Hôn nhân là nấm mồ chôn tình yêu. Nhất là khi tình yêu ấy bị 'giết chết' bởi đủ thứ gánh nặng cơm áo gạo tiền.
Chính vì thế, cách phổ biến nhất mà các bà vợ chọn để giải tỏa tâm lý là tâm sự trên mạng xã hội. Bởi có những vấn đề sau khi được trải lòng, người ngoài lại cho chúng ta nhiều hướng giải quyết thấu tình đạt lý hơn.
Mới đây trên 1 group có đông đảo phụ nữ tham gia đã đưa ra 1 chủ đề được nhiều chị em hưởng ứng và rào rào bày tỏ: 'Lấy chồng mà tiền chồng chồng tiêu, tiền vợ vợ tiêu có bền không cả nhà?'.
Thoạt nghe có vẻ không hề có sự đoàn kết, chia sẻ trong gia đình ấy nhưng đáp án đáng ngạc nhiên mà các bà vợ đưa ra là: Rất bền. Tuy nhiên bên cạnh đó cũng có vô số ý kiến khác nhau. Tổng kết lại sẽ chia làm 2 phe: đồng tình và không đồng tình.
Đã là vợ chồng còn phân biệt chung - riêng, sao đến tối không mỗi người 1 giường luôn đi!
Khá nhiều bà vợ bức xúc lên tiếng: 'Thế thì ở 1 mình cho sướng, rước thêm chồng về mà hầu nợ à'. Hôn nhân được hiểu nôm na là 2 người yêu nhau về chung 1 nhà, cùng nhau xây đắp lên gia đình nhỏ với đầy đủ vợ, chồng, con cái. Ấy vậy mà tiền ai người ấy tiêu, thân ai người ấy lo thế kia thì quả thật nghe sai quá!
Đa phần trong nhiều gia đình người cầm kinh tế sẽ là vợ. Mỗi tháng, các ông chồng về đưa lương (bao nhiêu phần trăm thì tùy tâm) nhưng lo toan các khoản vẫn là phụ nữ. Bởi dù sao các chị cũng đảm đang hơn, khéo léo hơn, là người giữ lửa, tạo ra những bữa cơm ngon canh ngọt, luôn đứng ra giải quyết các vấn đề nội ngoại, con cái. Vậy nên rất nhiều anh chồng chọn cách 'nộp lương' cho vợ rồi về nằm khểnh chờ cơm, chơi game hoặc vui lên thì góp nhặt vài việc lèo tèo rồi vỗ ngực 'tôi đang giúp vợ việc nhà'.
Dưới chủ đề rất thực tế trên, có 1 cô vợ đưa ra quan điểm: 'Vậy không bền đâu, người vợ là tay hòm chìa khoá thu chi trong nhà giữ tiền chung chi chung. Người chồng chỉ giữ 1 phần chi tiêu cá nhân thôi còn lại đưa vợ giữ để chi tiêu sinh hoạt trong gia đình. Nếu dư thì bỏ tiết kiệm. Để người chồng giữ tiền dễ sinh hư, tạo thói quen xấu như nhậu nhẹt, bài bạc, gái gú,... Mình trước giữ tiền thì ok, sau khi mua nhà, chồng kêu lo trả nợ tiền nhà, tiền vợ lo chi tiêu gia đình sau đó nợ không trả mà đem tiền cho gái. Cuối cùng đường ai nấy đi'.
Từ trải nghiệm bản thân ai cũng thấy được điều cô ấy nói không phải không có lý. Giống như việc nếu bạn phân chia lao động: Anh đi làm về đón con còn em đi chợ, nấu cơm, rửa bát, dọn dẹp... thì mặc định chồng bạn sẽ không có sự chia sẻ với bạn ngoài khối lượng công việc được phân công. Dần dần 2 bên tạo thành 2 chiến tuyến chênh lệch: 1 bên ỷ lại, 1 bên cam chịu, hi sinh.
Và đã thích riêng rẽ như thế thì tóm lại 'ngủ cũng riêng nốt đi', rồi ly hôn chỉ là điều sớm muộn. Vì cái giá của sự tự do là cô đơn mà.
Bền chứ - Cứ 'sòng phẳng' đỡ cãi nhau chuyện tiền bạc, có khi ly hôn chả phải chia chác gì!
Đó là ý kiến của phe các chị vợ thích rõ ràng cho 'đỡ đau đầu'. Họ gọi việc phụ nữ cầm kinh tế là 'ôm rơm rặm bụng'.
'Công khai mức thu nhập với nhau rồi mỗi người lo vào khoản, chả ai phải nộp cho ai, bình đẳng, công bằng. Trước kia mình cũng từng giữ tiền chồng nhưng rồi cãi nhau bao trận vì anh ấy muốn đầu tư cái này, tiêu pha cái nọ mà mình không đưa. Rồi đi đâu anh ấy cũng kể lể nộp lương cho vợ như kiểu mình o ép gì anh ấy. Cuối cùng bọn mình quyết định mỗi người phụ trách vài khoản, còn lại nộp vào sổ tiết kiệm cho 1 khoản và chi tiêu cho cá nhân 1 khoản. Từ ấy đến giờ bọn mình hạnh phúc lắm. Nói chung đàn ông làm ra càng nhiều tiền người ta càng không muốn bị tịch thu, áp đặt, điều khiển dù vợ có ý tốt', một cô vợ lên tiếng.
Quả thật, chị em phe 'bình đẳng' cũng đưa ra nhiều lý do cực kì hợp lý đúc kết từ chính hoàn cảnh của họ. Thậm chí, có người còn lo xa đến mức: 'Cứ rõ ràng đến lúc chẳng may ly hôn chả phải chia chác, cũng không ai lập quỹ đen, người nào càng độc lập kinh tế càng có lợi nếu áp dụng cách này'.
Hầu hết, các bà vợ đều chung 1 quan điểm. Đó là tiêu riêng nhưng khi có công to việc lớn vẫn phải là vợ chồng cùng bàn bạc, đi đến quyết định chung cuối cùng chứ không phải sống cá nhân 1 cách hoàn toàn.
Không có công thức chung cho 1 cuộc hôn nhân hạnh phúc, hãy làm vì phù hợp, đừng đi theo đám đông
Không phải vì mỗi người 1 ý kiến khác nhau thì có nghĩa phải có người đúng và phải có người sai. Thực chất, không riêng về vấn đề kinh tế, các khía cạnh khác trong hôn nhân cũng vậy, nó đòi hỏi sự thống nhất và tôn trọng từ cả 2 phía.
Trước mỗi vấn đề chúng ta có thời gian, có quyền và cần được ngồi cùng nhau, bàn bạc để đưa ra quyết định khiến cả đôi bên thoải mái nhất.
Đừng thấy vợ chồng hàng xóm hạnh phúc mà bắt chồng mình phải giống chồng hàng xóm. Chồng bạn gánh cả gia đình không có nghĩa bạn là cô vợ có phúc. Chồng bạn nộp hết lương cho vợ không có nghĩa anh ấy đã 'ngoan'. Và chồng bạn tuyên bố 'tiền em em tiêu, tiền anh anh tiêu' chưa hẳn anh ta vô trách nhiệm. Hãy nhìn nhận thật kĩ mục đích và hành động đằng sau những lựa chọn ấy.
Nếu cách làm của 2 bạn khiến cuộc sống vợ chồng êm ấm hơn, đôi bên thoải mái hơn thì đừng quan tâm thiên hạ nói gì. Chỉ cần chúng ta thấy nó hợp lý và phù hợp với chính bản thân mỗi người, giúp tình cảm vợ chồng đi lên, khăng khít thì cứ thế mà làm. Bởi chỉ có chính bạn mới biết bạn có thực sự được hạnh phúc hay không chứ chẳng phải ngồi chờ thước đo của những người xa lạ.