Tìm hiểu về vấn đề định kiến qua những tác phẩm văn học, các em học sinh sẽ tự trình bày quan điểm của mình về hệ quả của định kiến, tìm hiểu những ví dụ về định kiến trong thực tế cuộc sống, để từ đó biết sống bao dung và yêu thương hơn. Dự án 'Vùng tố của định kiến' đã mang đến cho các em học sinh không chỉ bài học Ngữ văn mà quan trọng hơn là bài học làm người.
Dự án 'của học sinh, vì học sinh'
Dự án học tập không còn là khái niệm xa lạ, song không phải dự án nào cũng thu hút được sự hưởng ứng của đông đảo học sinh. Vậy nhưng, dự án văn học 'Vùng tối của định kiến' do cô Lê Thị Phương và gần 40 em học sinh lớp N1K21, Trường Trung học phổ thông Phan Huy Chú (quận Đống Đa, Hà Nội) thực hiện đã làm được điều đó.
Theo cô Phương, yếu tố tiên quyết tạo nên thành công của dự án chính là sự tham gia nhiệt tình của các em học sinh.
'Dự án giúp các em hiểu hơn về sự bào mòn của định kiến, từ đó thôi thúc hành động để tạo ra những thay đổi tốt đẹp hơn. Đây là dự án của học sinh và vì học sinh. Chính ý nghĩa nhân văn ấy đã thu hút các em đến với dự án,' cô chia sẻ.
Nói đây là dự án 'của học sinh, vì học sinh' là bởi ngay từ đầu chính lớp N1K21 là lý do 'Vùng tối của định kiến' ra đời.
Nhận thấy tình trạng vội vã phán xét phiến diện của học sinh trong lớp rất giống với nội dung trong tác phẩm 'Quốc dân tính' của nhà văn Nam Cao, cô Phương quyết định cùng các em thực hiện dự án 'Vùng tối của định kiến.'
Kéo dài trong 12 tháng, đây vừa là dự án học tập, vừa là cơ hội để học sinh trong lớp hiểu hơn.
Ở giai đoạn đầu, các em chủ yếu tìm hiểu về định kiến thông qua tác phẩm 'Lão Hạc,' rồi mở rộng với các tác phẩm 'Cái mặt không chơi được' và 'Tư cách mõ.' Các em được tự do nêu quan điểm về định kiến và hệ quả của nó với từng nhân vật, so sánh định kiến trong xã hội xưa và nay.
Các bài nghị luận của học sinh lớp N1K21 đều gây ấn tượng mạnh với cô Phương và cô Lê Hồng Hạnh - tổ trưởng tổ Văn.
'Những suy nghĩ, trải nghiệm sâu sắc, có phần trưởng thành và góc nhìn mới mẻ của các em là điều khiến tôi rất bất ngờ. Hóa ra các em không non nớt như chúng ta vẫn tưởng,' cô Hạnh chia sẻ.
Không dừng lại ở những câu chuyện trên giấy, sang giai đoạn 2, cô Phương và các học sinh còn tiếp tục tìm đến những câu chuyện, nhân vật có thật trong cuộc sống. Những giờ văn nay còn là giờ cảm xúc với những giọt nước mắt của cả cô và trò trước số phận những nạn nhân của sự định kiến trong xã hội.
Những câu chuyện đó càng thôi thúc các em hành động. Khảo sát gần 500 người, làm phim ngắn, tạo poster, lập trang Facebook kêu gọi ngừng định kiến… là những hành động của các em nhằm tạo ra thay đổi trong nhận thức của mọi người.
Trang facebook của dự án do các học sinh lập và phát triển. (Ảnh: Nguyễn Hương/Vietnam+)
Giúp học sinh sống nhân văn hơn
Xuất phát là lý do khởi nguồn, các em học sinh lớp N1K21 cũng là nhân lực chủ chốt khi thực hiện dự án.
'Các em là tim nến, tôi chỉ là người thắp lên mà thôi.' Đó là lời khẳng định của cô Phương khi nói về vai trò của mình và gần 40 em học sinh tự nguyện tham gia dự án này.
Từ việc chọn đề tài, chia nhóm, lập kế hoạch, đến, sản xuất sản phẩm truyền thông... đều do các em học sinh tự thực hiện. Những công việc mà học sinh lớp 10 chưa một lần nghĩ đến nay đều được các em thực hiện thành thạo.
Với 'Vùng tối của định kiến,' những giờ Văn của cô trò lớp N1K21 không còn cảnh đọc chép nhàm chán, mà thay vào đó là không khí sôi nổi với các hoạt động do chính học sinh làm chủ.
'Chúng em không chỉ là người nghe, mà còn là người dạy, người tìm hiểu và đánh giá. Vì vậy muốn ngủ cũng khó!,' Ngọc Diệp, học sinh lớp N1K21 chia sẻ về tiết văn của cô Phương.
Không chỉ giúp học sinh học tốt môn Ngữ văn, nắm chắc tác phẩm và rèn kỹ năng viết văn nghị luận, biết thể hiện và bảo vệ quan điểm cá nhân, dự án còn tạo ra những thay đổi, phát triển về kỹ năng khác của học sinh.
Sau 12 tháng, các em đã biết cách điều phối, làm việc nhóm, tự tin và biết tự học hỏi, tự phát triển bản thân. Song với cô Phương, điều quan trọng và thành công nhất mà dự án đem lại, chính là sự thay đổi tích cực trong nhận thức và hành động của các em.
'Không còn vội vàng phán xét, biết bật khóc trước câu chuyện đau khổ, bao dung và thương yêu hơn. Học sinh của tôi nay đã lắng lại và lan tỏa những yêu thương,' cô Phương tự hào nói.
Với ý nghĩa nhân văn sâu sắc, không chỉ nhận được sự hưởng ứng của các học sinh trong trường, cô trò lớp N1K21 còn nhận được lời đề nghị cộng tác dự án từ nhiều trường, lớp khác trên cả nước.
Dự án cũng đã nhận giải Nhì tại Diễn đàn Giáo dục sáng tạo Việt Nam năm 2018.