Nhiều lời khai mâu thuẫn
Theo đó, trong số năm người được tòa triệu tập đến phiên tòa với tư cách người làm chứng khi bị xét hỏi đều khẳng định chỉ nhờ người trung gian hoặc trực tiếp các bị cáo xem điểm trước cho con, cháu trong kỳ thi THPT 2018. Không ai thừa nhận có thoả thuận hoặc đưa tiền.
Bị cáo Yến tại phiên tòa xét xử
Một trong số những người làm chứng là chị Nguyễn Thị Thuỷ cho biết, chị có con trai tham dự kỳ thi THPT 2018 nên nhờ bị cáo Trần Văn Điện (giáo viên) xem trước điểm.
Chị Thủy biết Điện có thể có mối quan hệ nên 'cứ nhờ vậy, được thì tốt, không thì thôi'. Chị sau đó cũng không được bị cáo Điện thông báo lại kết quả và cũng không hứa hẹn hay trao đổi gì về vật chất.
Con trai chị Thuỷ được 28,1 điểm ba môn Toán, Lý, Tiếng Anh và đỗ vào trường công an nhân dân. Tuy nhiên sau khi chấm thẩm định thí sinh này bị hạ 17,75 điểm nên bị buộc thôi học.
Trước những thông tin trên, vị chủ tọa đặt câu hỏi với chị Thủy: 'Chị nghĩ sao về số điểm bị hạ này?'. Chị Thuỷ đáp chỉ nhờ xem điểm nên rất ngạc nhiên khi con 'bị giảm điểm nhiều như thế' sau khi Bộ GD&ĐT chấm thẩm định.
HĐXX cho hay, con trai chị Thuỷ được nâng 17,75 điểm cho ba môn nên sau khi chấm thẩm định đã bị trả về đúng điểm thực chất. Bị hạ số điểm khá cao nhưng con trai chị không khiếu nại về kết quả chấm thẩm định này.
Trùng với lời khai của chị Thuỷ, bị cáo Điện cho rằng chỉ nhờ bà Nguyễn Thị Hồng Nga, chuyên viên Phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng, Sở GD&ĐT tỉnh Sơn La xem điểm cho con chị Thuỷ cùng ba thí sinh khác chứ không nhờ nâng điểm.
Cho rằng có đến nhà như bà Nga khai nhưng bị cáo Điện khẳng định chỉ đến chơi chứ không đưa tiền cảm ơn. Bị cáo này cũng không biết các thí sinh mà bị cáo nhờ xem điểm trước được nâng điểm cho đến khi cơ quan điều tra thông báo.
Trước những lời khai trên của bị cáo Điện, chủ tọa đặt câu hỏi: 'Bị cáo suy nghĩ gì khi nhờ xem trước điểm mà các thí sinh lại được tăng điểm?'. Bị cáo Điện đáp rằng cũng không biết tại sao lại như vậy vì chỉ nhờ xem điểm. 'Điểm này ở trên trời rơi xuống nên bị cáo không biết, đúng không', chủ toạ ngắt lời. Bị cáo Điện đáp: 'đúng ạ'.
Bị cáo Nga trở về chỗ khi trả lời xong các câu hỏi của HĐXX
Trái ngược với lời khai của bị cáo Điện, bị cáo Nga khẳng định trước kỳ thi THPT bị cáo Điện đến nhờ bà nâng điểm giúp cho bốn thí sinh. Sau khi nâng điểm thành công, bị cáo Điện đến nhà đưa cho bà Nga 1,04 tỷ đồng tiền cảm ơn của gia đình bốn thí sinh. Bị cáo Nga nói: 'Số tiền này bị cáo đã nộp một tỷ cho Cơ quan điều tra còn 40 triệu bị cáo Huynh đang vay nên yêu cầu anh Huynh nộp lại cho công an'.
Theo hồ sơ vụ án, trước kỳ thi THPT 2018, Điện gặp bà Nga nhờ nâng điểm cho bốn thí sinh, trong đó có con trai chị Thuỷ. Sau khi có kết quả các trường hợp nhờ đều được nâng điểm, Điện đã đến gặp đưa cho bà Nga 1,04 tỷ đồng tiền cảm ơn của các gia đình.
Cũng trong phần xét hỏi, bị cáo Lò Văn Huynh, Phó Phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục khai nhận nâng điểm cho con trai bà Lò Thị Trường (làm tự do) với giá 300 triệu đồng và nhận của Nguyễn Minh Khoa một tỷ đồng để nâng điểm cho 4 thí sinh đủ điểm đỗ vào trường công an.
Sau khi sự việc bị phát hiện, ông Khoa yêu cầu Huynh đưa lại 1 tỷ đồng để trả lại cho gia đình các thí sinh. Sau đó, Huynh đưa 1 tỷ đồng cho Lê Thanh Sơn (em vợ) để nhờ gửi lại cho Khoa nhưng sau đó đã nộp lại số tiền này cho cơ quan điều tra.
Tuy nhiên, sau khi bị khởi tố bổ sung về tội 'Nhận hối lộ', bị cáo ông Huynh lại thay đổi lời khai và cho rằng một tỷ đồng này là tiền bán đất và tiết kiệm gia đình cho Sơn vay để mua đất làm nhà.
Theo đó, tại phiên tòa, bị cáo Huynh phủ nhận đã cầm của Khoa một tỷ đồng, nói lúc đầu do 'nhận thức chưa đầy đủ nên thừa nhận cho xong chuyện'. Khi vụ án được điều tra bổ sung, bị cao Huynh nghĩ là khai đúng sự thật sẽ được giảm nhẹ. Do đó, bị cáo này đề nghị HĐXX trả lại số tiền này.
Trong khi đó, nói về cáo buộc nhận 300 triệu đồng từ Lò Thị Trường để giúp nâng điểm cho con trai bà này, bị cáo Huynh thừa nhận.
Để làm rõ vấn đề này, HĐXX đã cho đối chất với anh Lê Thanh Sơn (em vợ Huynh), anh này cho biết nộp một tỷ đồng cho Cơ quan An ninh điều tra 'do thương anh nên muốn khắc phục hậu quả'. Tuy nhiên, sau khi nộp, anh mới nhận ra đây là việc làm không đúng, đã đẩy anh trai vướng vòng lao lý. Do đó, anh Sơn đề nghị HĐXX tuyên trả lại cho mình một tỷ đồng này.
Trước lời khai trên, HĐXX nói: 'Anh phải có căn cứ chứng minh nguồn gốc số tiền này thì HĐXX mới có lý do để trả lại'. Anh Sơn khẳng định rằng số tiền này do vợ chồng ông Huynh cho vay để mua đất làm nhà chứ không liên quan gì vụ án. Trước kia anh khai đây là tiền nhận hối lộ của Huynh là không đúng.
Toàn cảnh phiên tòa
16 đĩa CD đã bị tiêu hủy chứa đựng những nội dung gì?
Cũng trong phần xét hỏi ngày hôm nay, bị cáo Trần Xuân Yến, cựu Phó GĐ Sở GD&ĐT là một trong những bị cáo không đồng tình với nhiều nội dung trong bản cáo trạng truy tố. Trong hai ngày xét xử, bị cáo này đều cho rằng chỉ chuyển thông tin 13 thí sinh cho cấp dưới là Nguyễn Thị Hồng Nga, cựu chuyên viên Phòng Khảo thí để nhờ xem điểm.
Ngược lại, bị cáo Nga vẫn cương quyết khẳng định bị cáo Yến đề nghị mình nâng điểm chứ không phải xem điểm. Tuy nhiên, bị caó Yến đã phủ nhận lời khai của thuộc cấp về việc hai bên từng gặp nhau, thống nhất cách thức can thiệp bài thi để nâng điểm cho thí sinh.
Đáng chú ý, theo VKS, ngày 4/7/2018, sau khi thực hiện xong việc rút bài thi, tẩy xóa đáp án và quét lại file ảnh, Yến mới chỉ đạo thực hiện niêm phong tất cả túi bài thi và giao Nguyễn Thị Hồng Nga lập biên bản cho phù hợp với kết quả quét thể hiện trên máy tính.
Biết Bộ GD&ĐT sẽ lên kiểm tra, mặc dù kết quả thi gốc của thí sinh đã xóa trên máy tính nhưng Yến cho rằng vẫn có thể khôi phục được, khi đó việc quét lại sẽ bị bại lộ. Bị cáo gọi bà Nga đến nhà, bảo tìm phần mềm trên mạng để xóa toàn bộ dữ liệu trong thùng rác máy tính. Tuy nhiên, do bị cáo Nga sợ mất hết dữ liệu nên Yến nói trước khi xóa thì sao chép ra đĩa CD.
Theo đó, Nga đã làm theo, sao lưu dữ liệu bài thi ra 16 đĩa CD rồi dùng phần mềm xóa toàn bộ.
Sau khi làm việc với tổ công tác của Bộ GD&ĐT và biết tổ công tác đã phát hiện việc sao lưu dữ liệu trong máy tính, sợ bị phát hiện, Yến mang 16 đĩa CD ra nghĩa trang tỉnh Sơn La đốt, tiêu hủy.
Trước HĐXX ngày hôm nay, cựu Phó GĐ Sở Trần Xuân Yến thừa nhận ngày 19/7 có được bà Nga chuyển cho hai hộp đựng 16 đĩa CD tại phòng làm việc của mình.
Trả lời về mục đích đem số đĩa trên đi tiêu hủy, bị cáo Yến giải thích do tổ công tác Bộ GD&ĐT kiểm tra trực tiếp trên máy tính, sau đó yêu cầu niêm phong lại. Xét thấy số đĩa không còn nhu cầu sử dụng nên hủy.
Trước những lời khai này của Yến, HĐXX truy vấn tại sao không tiêu hủy tại nhà mà phải mang ra tận nghĩa trang? Bị cáo Yến cho rằng tiện đường về nên vào đó tiêu hủy luôn.
Bên cạnh đó, bị cáo Yến cũng bác bỏ lời khai của bị cáo Nga về việc mình chỉ đạo dùng phần mềm xóa dữ liệu trong thùng rác máy tính. Tuy nhiên, bị cáo này thừa nhận có sai phạm trong việc đóng, mở niêm phong nhưng lại chỉ lập một biên bản. Lẽ ra phải lập biên bản đóng, mở niêm phong riêng biệt, Yến thừa nhận trách nhiệm nội dung này nhưng cho rằng đó chỉ là sơ suất chứ không phải nhằm tạo điều kiện cho các bị cáo khác rút bài thi rồi sửa chữa, nâng điểm…