Vụ tai nạn khiến 4 người tử vong, nhiều người bị thương.
Liên quan đến vụ tai nạn xe container lao vào dòng người chờ đèn đỏ làm 4 người chết, 18 người bị thương, chiều 3/1, Công an tỉnh Long An đã ra quyết định khởi tố vụ án, tạm giữ tài xế Phạm Thành Hiếu (31 tuổi, ở huyện Bến Lức, Long An) để điều tra, làm rõ.
Sáng cùng ngày, qua 2 lần tiến hành kiểm tra xét nghiệm máu cho thấy Hiếu dương tính với heroin, âm tính với các loại ma túy tổng hợp khác. Về nồng độ cồn, lần xét nghiệm đầu tiên Hiếu có nồng độ cồn cao, lần xét nghiệm thứ hai thì lượng cồn đã giảm.
Mức án cao nhất 15 năm tù
Theo luật sư Nguyễn Thành Công (Giám đốc công ty Đông Phương Luật, Đoàn luật sư TP HCM), vụ tai nạn giao thông nói trên rất nghiêm trọng, hậu quả rất lớn, tài xế Hiếu phải chịu cả trách nhiệm dân sự và hình sự.
Luật sư cho rằng, hành vi của nam tài xế có dấu hiệu vi phạm 'Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ', theo điều 260 BLHS 2015 (sửa đổi bổ sung 2017) với khung hình phạt từ 7-15 năm tù.
'Nếu xét theo quy định pháp luật hình sự hiện hành thì đã ở mức phạm tội cao nhất, tức hành vi vi phạm pháp luật có dấu hiệu hình sự ở mức cao nhất của khung hình phạt mà tội danh này quy định', luật sư Công cho rằng tài xế Hiếu có thể lãnh mức án 15 năm tù.
Luật sư này cũng khẳng định khi điều tra kết luận tài xế Hiếu dương tính với ma túy và có nồng độ cồn trong máu thì đây là tình tiết thể hiện rõ về hành vi 'Vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ' dẫn đến gây thiệt hại về người và tài sản.
Luật sư Nguyễn Thành Công cho rằng tài xế Hiếu có thể lãnh mức án cáo nhất 15 năm tù.
'Để xác định trách nhiệm pháp lý của người lái xe trong trường hợp này cần phải xem xét các vấn đề về tình trạng sức khỏe ra sao vào thời điểm trước và trong khi lái xe kia. Khi điều khiển xe ô tô tham gia giao thông đường bộ mà trong cơ thể có nồng độ cồn đã là hành vi vi phạm pháp luật' - Luật sư dẫn quy định tại Điều 8 Luật Giao thông đường bộ năm 2008, cho rằng nồng độ cồn càng cao càng là tình tiết tăng nặng.
Ngoài ra luật sư Công cũng phân tích rằng, tài xế đã lách xe khỏi 1 xe tải khác để chuyển làn về bên phải trước khi gần tới vạch dừng đèn giao thông là hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật giao thông đường bộ. Bởi vì lúc này, đoàn xe máy dừng đèn đỏ đã tồn tại nên làn đường đã không còn an toàn để xe lớn chuyển làn.
Dẫn giải quy định tại khoản 3, Điều 260 BLHS, luật sư Công cho rằng làm chết đến 3 người hoặc gây thiệt hại cho 3 người trở lên mà tổng thương tích của những người này từ 201% trở lên hoặc gây thiệt hại về tài sản từ 1,5 tỷ đồng trở lên thì đều bị chế tài ở khung hình phạt cao nhất của tội danh là mức 15 năm tù.
Đồng quan điểm, luật sư Nguyễn Hữu Lộc cho rằng với hậu quả trên tài xế sẽ bị truy tố ở khung 3, phạt tù từ 7 năm đến 15 năm do có số người chết từ 3 người trở lên và nhiều người khác bị thương và nhiều thiệt hại về tài sản.
Chủ xe container cũng phải chịu trách nhiệm
Về việc tài xế gây tai nạn tài xế đã rời khỏi hiện trường, luật sư Lộc cho rằng cần phải xem xét đến hoàn cảnh tại hiện trường cũng như tinh thần của tài xế sau khi gây ra tai nạn có bị ảnh hưởng đến tinh thần của tài xế. Trong trường hợp, tinh thần của tài xế bị hoảng loạn thì việc tài xế rời khỏi hiện trường không được xem là hành vi trốn tránh trách nhiệm.
'Sau khi gây tai nạn thì tài xế đã đến cơ quan công an trình diện và trình bày vụ việc mình đã gây ra tai nạn trên.
Mặc dù, tai nạn xảy ra có người biết, nhưng khi đó là chưa có ai biết chính xác ai là người gây ra tai nạn, nên việc tài xế tự nguyện đến cơ quan công an để trình báo được xem là tình tiết đầu thú theo quy định của pháp luật, quy định về tình tiết giảm nhẹ sau này' - Luật sư Lộc xác định.
Các chuyên gia cũng cho rằng chủ xe container cũng liên đới trách nhiệm.
Luật sư này cũng cho rằng, tài xế là người lái xe thuê thì chủ sở hữu xe phải có trách nhiệm đền bù trước các thiệt hại dân sự, rồi sau đó có thể đòi lại phần vật chất này từ tài xế.
'Nếu chủ sở hữu xe giao cho người tài xế chiếc xe không đảm bảo an toàn khi lưu thông thì có khả năng bị truy cứu trách nhiệm pháp lý về hành vi 'Đưa vào sử dụng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ không đảm bảo an toàn' quy định tại Điều 262 BLHS với khu hình phạt cao nhất lên đến 10 năm tù.
Vì thiệt hại về tài sản là rất lớn nên xác định giá trị thiệt hại thành tiền để áp dụng là tình tiết định khung tăng nặng cũng là vấn đề trong quá trình truy cứu trách nhiệm hình sự của tài xế', Luật sư Nguyễn Thành Công phân tích.
Trao đổi với báo chí, luật sư Lê Văn Thiệp cho rằng căn cứ đoạn clip ghi lại vụ tai nạn, hành vi của tài xế Hiếu có dấu hiệu tội 'Giết người'.
Luật sư Thiệp phân tích rằng nam tài xế có thể đánh lái sang trái để tránh đoàn người dừng đèn đỏ. Tài xế phải biết xử lý xe ra sao để hạn chế thấp nhất hậu quả xảy ra.
Ngoài ra, luật sư Thiệp còn cho rằng bản thân tài xế phải biết việc sử dụng ma túy là nguy hiểm cho xã hội. Tài xế cũng buộc phải biết sau khi dùng ma túy mà điều khiển xe đầu kéo có kích thước và trọng tải lớn, sẽ trở thành nguồn nguy hiểm cao độ cho tính mạng người khác.
Khoảng 15h ngày 2/1, tài xế Phạm Thành Hiếu lái xe đầu kéo mang biển số Long An 62C-043.48, lưu thông theo hướng từ Long An về TP HCM thì xe lao tới lùa 21 xe máy đang dừng đèn đỏ ở ngã tư Bình Nhật (huyện Bến Lức, tỉnh Long An).
Hậu quả là 3 người thiệt mạng ngay tại chỗ, 1 người tử vong tại bệnh viện, 17 người khác bị thương được đưa đi cấp cứu. Tài xế Hiếu sau đó rời khỏi hiện trường rồi ra cơ quan công an trình diện.
Tại cuộc họp báo khuya 2/1, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ đã gửi lời chia buồn của Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình tới gia đình các nạn nhân và đề nghị cơ quan công an nhanh chóng điều tra, làm rõ vụ việc. 'Cần làm rõ trách nhiệm của công ty vận tải, trách nhiệm đến đâu phải xử lý đến đó', vị Thứ trưởng nhấn mạnh.