(Ảnh gốc: Baike)
Đối với thế hệ khán giả truyền hình Việt Nam năm 1998, những cái tên Tiểu Yến Tử, Hạ Tử Vy, Ngũ A Ca hay Hàm Hương đã trở thành minh chứng cho sức hút không thể cưỡng lại của bộ phim 'Hoàn Châu Cách Cách'.
Bộ phim truyền hình đã kết thúc từ lâu nhưng vẫn để lại dấu ấn khó phai trong lòng công chúng suốt 23 năm qua. Chính chiếc mũ 'huyền thoại' của Hàm Hương công chúa cũng đã trở thành ký ức tuổi thơ của biết bao người.
Một chi tiết đặc biệt ấn tượng trong 'Hoàn Châu Cách Cách' chính là cảnh Hàm Hương nhảy múa trong vườn hoa và hàng trăm cánh bướm dập dìu bay về, quấn lấy váy áo người đẹp.
Hình tượng nàng Hàm Hương trong bộ phim 'Hoàn Châu Cách Cách'. (Ảnh: Sohu)
Nhân vật Hàm Hương hay Hương phi trong bộ phim là một nàng công chúa xứ Hồi Cương (nay là Tân Cương), Hàm Hương dù yêu thiết tha dũng sĩ Mông Điềm nhưng vẫn phải theo ý vua cha sang làm phi tần của Hoàng đế Càn Long.
Kể từ khi sinh ra, công chúa Hồi Cương đã mang mùi thơm tự nhiên vô cùng quyến rũ, mỗi lần nhảy múa sẽ thu hút ong bướm từ cả ngàn dặm.
Đối với một người bình thường, việc tỏa ra hương thơm suốt ngày mà không cần đến hương liệu là điều gần như không thể.
Vì điểm đặc biệt này mà thân thế thực sự của nàng Hàm Hương trong lịch sử đã luôn thu hút sự chú ý của công chúng. Liệu có thật sự tồn tại một người phụ nữ thơm tho tới độ 'hút hồn' ong bướm như vậy không?
Năm 2001, các nhà khảo cổ Trung Quốc đã khai quật một lăng mộ kỳ lạ 'tỏa ra mùi thơm' trên công trường xây dựng tại huyện Nãng Sơn, tỉnh An Huy. Phát hiện khảo cổ này đã dấy lên mối nghi vấn đây chính là nơi chôn cất của nàng công chúa Hàm Hương.
Tháng 3/2001, đội công nhân thi công công trình tại tỉnh An Huy đã tình cờ đào được một ngôi mộ cổ chứa cỗ quan tài hai lớp được gia công cầu kỳ từ gỗ trinh nam - loài cây đặc hữu vô cùng quý hiếm tại Trung Quốc.
Theo lẽ thông thường, những thi thể được chôn cất dưới lòng đất sẽ nhanh chóng bị phân hủy, chỉ sau ba tuần là không còn nhận diện được nội tạng. Mùi tử thi hôi thối, nồng nặc cũng không hề dễ chịu gì.
Tuy nhiên, một phép màu đã xuất hiện trong lăng mộ lần này. Thay vì mùi tử thi kinh khủng, đội khảo cổ khi mở nắp quan tài lại ngửi thấy một mùi thơm đặc biệt lan tỏa rộng ra xung quanh.
Bên trong quan tài, người ta tìm thấy một thi thể nữ còn nguyên vẹn, xác được bảo quản rất tốt như chỉ mới chôn cất gần đây.
Khi mở nắp quan tài, thi thể bên trong còn tươi tắn như một thiếu nữ đang nằm ngủ. (Ảnh: Tanling)
Cô gái có mái tóc đen búi sau đầu, cơ bắp còn đầy đặn và linh hoạt, thậm chí các khớp xương vẫn còn có thể cử động được. Dựa theo y phục mang trên người, các nhà khảo cổ có thể nhận định chủ mộ là một cô gái thời nhà Thanh (1636 - 1912), các xét nghiệm cho thấy cô được chôn cất khi khoảng 30 tuổi.
Số liệu từ Qulishi cho biết, xác ướp cao khoảng 164cm, nặng 44kg, dáng người mảnh khảnh, gương mặt trái xoan, chân bó 'gót sen ba tấc', móng tay móng chân sơn đỏ. Đây chắc hẳn là một mỹ nhân 'sắc nước hương trời' của Đại Thanh.
Đồ tùy táng trong lăng cũng vô cùng phong phú với trang sức vàng bạc, chuỗi tràng hạt đá quý, còn có những đồng xu từ thời Hoàng đế Khang Hi.
'Cô ấy trông rất xinh đẹp. Khi mở quan tài ra, mọi người đều thấy giống một thiếu nữ đang ngủ, làn da khi chạm vào vẫn còn độ đàn hồi nhất định.' - Chuyên gia Vương Thiệu Cường, trưởng nhóm khảo cổ cho biết.
Theo Baijiahao, tuy không có văn bia nào được tìm thấy nhưng xét về hương thơm tỏa ra từ quan tài, cùng với dữ kiện về niên đại của chủ mộ, những đồn đoán cho rằng chủ nhân ngôi mộ là Hàm Hương công chúa cũng không phải vô căn cứ.
Để làm sáng tỏ sự thật về thân thế nhân vật trong lăng mộ, Đài truyền hình trung ương Trung Quốc CCTV đã dày công thực hiện phóng sự 'Bí ẩn xác ướp nhà Thanh'. Phóng sự cho thấy:
Trong hơn 40 thê thiếp được điểm tên trong hậu cung Càn Long, không có ai là Hương phi hay Hàm Hương cả. Chỉ có một người thiếp duy nhất được Càn Long sủng ái có tên là Dung phi.
Dung phi là con nhà quý tộc người Hồi Cương, được gả cho vua Càn Long để xây dựng mối quan hệ hảo hữu giữa hai quốc gia.
Nhan sắc 'không thể rời mắt' của Dung phi trong sử sách. (Ảnh: Baike)
Bởi vậy, theo Baike, nhiều khả năng Hàm Hương hay Hương phi xuất hiện trong dã sử, thơ ca, nghệ thuật sân khấu... chỉ là một nhân vật hư cấu được sáng tạo dựa theo nguyên mẫu lịch sử là Dung phi.
Tuy nhiên, không có sách sử nào ghi lại rằng Dung phi có mùi thơm tự nhiên tỏa ra trên người cả. Thay vào đó, bà được Càn Long sủng ái là nhờ gương mặt xinh đẹp và tài múa hát điêu luyện. Dung phi nhập cung khá muộn vào năm 27 tuổi, và qua đời ở tuổi 54 do bạo bệnh.
Bài báo trên tờ Tin tức Triều Châu năm 2016 cho biết, Dung phi đã được an táng ở quần thể lăng mộ hoàng gia Thanh Đông lăng và có thêm một lăng mộ tượng trưng tại quê nhà Kashgar, thuộc khu tự trị Tân Cương, Trung Quốc.
Theo Baike, lăng mộ tại Tân Cương của Dung phi rộng 2 ha, cồng vào trang trí bằng ngói lưu ly màu xanh lam. Lăng chính có mái vòng cao 26m. Nhiều chi tiết bên trong lăng được ốp loại gạch màu sắc sặc sỡ với lối trang trí độc đáo theo kiểu Hồi giáo.
Lăng mộ Dung phi tại Tân Cương mang kiến trúc Hồi giáo đặc trưng. (Ảnh: Baike)
Vì vậy, nếu coi ngôi mộ ở An Huy là nơi an táng của Hàm Hương thì quả là một hiểu lầm lịch sử nghiêm trọng.
Mùi thơm tỏa ra từ chiếc quan tài có thể do những loại thảo mộc được tẩm ướp vào xác hoặc mùi của loại gỗ đóng hòm chứ không thể dùng mùi hương này để xác định danh tính chủ nhân ngôi mộ. Đến nay thân phận thật của mỹ nhân trong lăng mộ tỏa hương thơm vẫn là một ẩn số lớn của lịch sử Trung Quốc.