6 năm - hơn 180 sân chơi cộng đồng từ vật liệu tự nhiên, tái chế được xây dựng, kiến trúc sư Chu Kim Đức cùng các cộng sự trong Think playgrounds (TPG) không chỉ mang đến cho trẻ em Việt không gian chơi an toàn, góp phần nâng cao nhận thức về môi trường mà còn lưu giữ cho các em một phần ký ức tuổi thơ đẹp đẽ nhất.
Những sân chơi cộng đồng của Think playgrounds từ vật liệu tái chế.
180 sân chơi hoàn toàn miễn phí cho thiếu nhi ngay tại khuôn viên các khu tập thể, trong trường học, nhà văn hóa ở các quận của Hà Nội. Ở nhiều nơi xa xôi, khó khăn như đảo Cù Lao Chàm (Quảng Nam), huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) cũng có các sân chơi ý nghĩa do nhóm TPG tạo dựng...
KTS Chu Kim Đức là một trong 100 người phụ nữ ảnh hưởng của năm 2020.
Nỗ lực bền bỉ với dự án 'Giành lại sân chơi cho trẻ' của kiến trúc sư Chu Kim Đức trong suốt thời gian qua tạo ra tác động tích cực. Chị được BBC vinh danh là 1 trong 100 phụ nữ ảnh hưởng của năm 2020 ở hạng mục Sáng tạo với lời giới thiệu: 'Đang thực hiện sứ mệnh thúc đẩy quyền vui chơi của trẻ em tại Việt Nam'.
'Bà đã làm việc với các đối tác và cộng đồng trong nước để tạo ra hơn 180 sân chơi công cộng từ vật liệu tái chế. Hiện bà triển khai sân chơi trị liệu cho Bệnh viện Nhi Trung ương và sân chơi carbon thấp đầu tiên của thành phố', báo chí viết về kiến trúc sư Chu Kim Đức.
Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với kiến trúc sư Chu Kim Đức:
Từ cuộc gặp 'định mệnh'
- Chào chị. Cảm xúc của chị thế nào sau khi trở thành người Việt duy nhất được vinh danh trong top 100 phụ nữ có tầm ảnh hưởng nhất thế giới năm 2020 do BBC bình chọn?
Tôi biết đến danh sách vinh danh này của BBC từ mấy năm trước khi tôn vinh các phụ nữ Việt Nam mà tôi rất khâm phục như bạn Vân ở hội khuyết tật và bạn Trang bảo vệ động vật hoang dã. Tôi rất ngạc nhiên và xúc động khi được vinh danh trong năm nay.
Mừng hơn nữa vì thấy công việc của mình và các đồng nghiệp, các đối tác, các cộng đồng…, nỗ lực tạo không gian công cộng thân thiện cho trẻ em, đảm bảo quyền được chơi, đã được ghi nhận.
- Năm 2014, khái niệm 'sân chơi tái chế' khá xa lạ ở Việt Nam. Tại sao chị lại nảy sinh ý tưởng triển khai các dự án này?
Khi tôi hỗ trợ bà Judith Hansen, một phụ nữ Mỹ chuyên chu du chụp ảnh các sân chơi, để tặng cho Hà Nội một sân chơi công cộng ở Hồ Gươm, bà ấy đã nói chuyện rất nhiều về việc thế nào là một sân chơi công cộng đúng nghĩa. Đó là nơi trẻ em nào cũng có quyền tiếp cận bất kể giàu nghèo, bởi vì trẻ em có quyền được chơi. Nỗ lực của bà Judith dù không thành công cũng đã truyền cảm hứng cho chúng tôi với mong muốn tạo ra thay đổi ngay trong thành phố nơi mình sinh sống.
Kiến trúc sư Chu Kim Đức và các cộng sự trong Think Playgrounds.
Chúng tôi lập nhóm tình nguyện thiết kế sân chơi nhỏ tại các khu tập thể. Sau này nhóm phát triển thành công ty Think Playgrounds (Nghĩ về sân chơi trong phố) với mong muốn cộng đồng dần dần thấu hiểu sự cần sân chơi của trẻ em. Logo của công ty có hình cầu trượt con rùa cũng như một dấu ấn về 'cuộc gặp định mệnh' với bà Judith Hansen đã thay đổi nhận thức của chính những người sáng lập TPG.
Chúng tôi đã bắt đầu tự tay xây dựng sân chơi tái chế vì chúng rẻ tiền, có khả năng tạo ra được nhiều thiết kế sinh động đa dạng và ai cũng có thể tự làm được. Hơn nữa sân chơi tái chế đối với chúng tôi còn có ý nghĩa nâng cao nhận thức về việc sử dụng tài nguyên một cách hiệu quả hơn.
Sân chơi tái chế nâng cao nhận thức về việc sử dụng tài nguyên một cách hiệu quả hơn.
- Tìm địa điểm, tìm vật liệu phù hợp, thuyết phục chủ nhân... quá nhiều công đoạn và thời gian để làm nên một sân chơi. Đây có phải là điều khó khăn nhất khi triển khai các dự án tái chế này trong 6 năm qua?
Tôi vẫn nhớ dự án phát triển sân chơi cộng đồng từ vật liệu tái chế cho trẻ em đầu tiên của nhóm là vào năm 2014. Lúc tìm được một vườn xoài trên bãi giữa Sông Hồng, các thành viên thuyết phục được chủ nhân là tổ trưởng dân phố đồng ý để nhóm tạo một sân chơi có bập bênh, cầu trượt bằng vật liệu tái chế. Tác phẩm sân chơi đầu tiên của nhóm tình nguyện trở thành điểm đến cuối tuần nhiều gia đình. Sau đó, việc xây dựng sân chơi được nhiều khu phố như Ngọc Hà, Tân Mai,… hưởng ứng.
Có những khó khăn rất nhỏ như bị phá đám, bị nhiều người xì xào khi chúng tôi thi công. Những việc này chúng tôi vượt qua dễ dàng. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất là nhận thức về vai trò của chơi - tự do - ngoài trời còn rất thấp. Thứ hai là sự kết nối thực chất của người dân đô thị với các công việc chung rất yếu, khiến cho việc một cộng đồng chung tay xây dựng và duy trì bảo vệ không gian chơi cho trẻ em trở nên khó khăn hơn.
Nhận thức về vai trò của chơi - tự do - ngoài trời còn rất thấp.
'Trẻ em không chơi mà các em đang làm những việc quan trọng'
- Chị đánh giá thế nào về vai trò của việc 'Chơi' trong sự phát triển về thể chất và tinh thần của trẻ?
Theo Hội đồng về Quyền Trẻ em - Liên Hợp Quốc: Chơi là một khía cạnh cơ bản và quan trọng của niềm vui thời thơ ấu, cũng như một thành phần thiết yếu của sự phát triển toàn diện về mặt xã hội, thể chất, nhận thức, tình cảm và tinh thần.
Ngay cả khi đang chơi, trẻ cũng có thể học được nhiều thứ.
Nhiều người vẫn cho rằng các em chơi bên ngoài là nguy hiểm. Nhưng sự thật là ngay cả khi đang chơi, trẻ cũng có thể học được nhiều thứ như kỹ năng phản xạ nhanh và nhớ lâu hơn. Thông qua các trò chơi trong sân phiêu lưu, các em còn học được cách bảo vệ bản thân như cách dập lửa hay sử dụng dây thừng để leo xuống đất,… Ngoài ra, việc đào bới, xây đắp góp phần kích thích sự sáng tạo, thỏa mãn được sự khám phá của các em.
'Trẻ em không chơi mà các em đang làm những việc quan trọng', câu nói của nhà giáo dục Montessori luôn khiến tôi ấn tượng.
- Nhiều người cho rằng, 'quyền được chơi' của trẻ em hiện chưa được xã hội quan tâm đủ lớn. Chị nghĩ sao về vấn đề này?
Đúng là ở Việt Nam, mọi người chưa thực sự quan tâm đến quyền được chơi của trẻ em. Đặc biệt những thành phố lớn như Hà Nội, đô thị hóa phát triển khiến khoảng trống vui chơi của các em biến mất. Thay vì cầm trên tay đồ chơi công nghệ, các em cần được ra ngoài để vui chơi và hoạt động thật sự.
Tôi thấy bằng chứng rõ ràng cho việc này là khi chúng ta thấy trẻ em hiện nay tham gia quá nhiều các lớp học ngoại khóa, các workshop, các lớp học kỹ năng… và hầu như không có thời gian rảnh để có thể chơi với bạn bè, tự quyết định mình sẽ chơi gì và chơi như thế nào.
Nhiều phụ huynh không biết rằng trẻ em học rất nhiều điều trong sân chơi mà không có sách vở nào dạy được, các kỹ năng xã hội, phát triển thể chất, phát triển giác quan, cân bằng tâm lý… đều được trẻ em tự học thông qua Chơi.
- Tiêu chí của TPG khi xây dựng các dự án sân chơi này như thế nào? Chị đánh giá đâu là ưu điểm của sân chơi tái chế so với các loại sân chơi khác?
Chúng tôi ưu tiên sử dụng vật liệu tái chế như lốp xe, vật liệu tự nhiên như gỗ keo, gỗ bạch đàn là các loại gỗ được trồng làm nguyên liệu. Các vật liệu này có thể được thiết kế rất linh hoạt và hấp dẫn vì hình dáng và chất liệu tự nhiên của chúng chứ không khô khan nhàm chán. Ngoài ra chúng tôi phát triển các phương pháp cộng đồng và trẻ em cùng tham gia thiết kế và xây dựng sân chơi, để đảm bảo có sự chung tay giúp cho dự án được duy trì lâu dài về sau.
TPG ưu tiên sử dụng vật liệu tái chế như lốp xe, vật liệu tự nhiên như gỗ keo, gỗ bạch đàn.
Bên cạnh đó, nhiều mô hình mới mẻ, độc đáo từ quốc tế cũng được đưa vào như sân chơi phiêu lưu, sân chơi tái chế, sân chơi trị liệu, sân chơi low carbon.
- Vật liệu tái chế rẻ và phổ thông tuy nhiên thời gian sử dụng khá ngắn, thiếu tính bền vững, chị và cộng sự đã khắc phục vấn đề đó như thế nào?
Các món đồ chơi có chất liệu tái chế, thân thiện môi trường và khuyến khích trẻ vận động cơ bắp, khả năng giữ thăng bằng, khám phá mạo hiểm.
Các món đồ chơi có chất liệu tái chế, thân thiện môi trường và khuyến khích trẻ vận động.
Sử dụng đồ tái chế đòi hỏi rất nhiều công 'chế biến'. Nến như lốp có độ bền hoàn hảo thì các chất liệu gỗ pallet nhóm phải quét keo hoặc sơn để chống mọt, mủn. Tuy nhiên, các thiết bị cũng có độ tuổi giới hạn. Độ bền càng cao giá thành càng đắt. Thay vào đó, để có được các sân chơi tái chế bền vững, nó cần đến một cộng đồng mạnh để cùng chế tạo, bảo dưỡng, nếu điều này xảy ra thì mục tiêu cuối cùng của TPG cũng đạt được.
- Chị có thể chia sẻ thêm về các loại hình sân chơi đang triển khai của TGP hiện nay? Mục tiêu tiếp theo của cá nhân chị và TPG là gì?
TPG đã thử nghiệm rất nhiều mô hình sân chơi khác nhau. Chúng tôi cũng tìm hiểu các vật liệu tái chế mới. TPG vừa tập huấn cộng đồng tự tổ chức 5 sân chơi di động tại Ngọc Hà, Lĩnh Nam, Nhân Chính.
Mô hình chơi tái chế cũng được kết hợp ở các sự kiện chơi nhằm nâng cao nhận thức về Quyền được chơi và về môi trường. Đặc biệt chúng tôi muốn thúc đẩy mô hình Sân chơi phiêu lưu, nơi trẻ em có thể tự do định hình không gian chơi của mình.
TPG đã thử nghiệm rất nhiều mô hình sân chơi khác nhau.
Hay sân chơi trị liệu được nhóm phát triển trong bệnh viện, góp phần hỗ trợ tích cực cho các bé, giúp các em phấn chấn và vui vẻ hơn trong quá trình điều trị. Còn sân chơi Low carbon là ý tưởng cải tạo một không gian công cộng sử dụng các nguyên liệu thân thiện, thải ít carbon nhất như lốp xe, gỗ bạch đàn, vỏ hộp sữa ép thành tấm chống thấm.
Sân chơi phiêu lưu ở bãi giữa Sông Hồng do KTS Kim Đức và các cộng sự thực hiện.
Hướng đi tiếp theo chúng tôi mong muốn tiếp tục cải thiện và lan tỏa các giải pháp để mỗi khu dân cư trong thành phố đều có thể tìm thấy phương án tạo ra không gian chơi công cộng phù hợp với khu ở của mình.
Các khu dân cư sẽ nhận ra tầm quan trọng và có phương án để xây dựng cho trẻ không gian vui chơi. Nếu mọi người cùng chung tay, các phương án như play street (chơi trong phố), sân chơi di động, sân chơi tái chế, sân chơi phiêu lưu sẽ càng được nhân rộng hơn nữa.
Cảm ơn chị!
Sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, Chu Kim Đức theo đuổi giấc mơ trở thành kiến trúc sư tại Trường ĐH Kiến trúc Hà Nội, chuyên ngành quy hoạch đô thị. Năm 2004, chị tiếp tục sang Pháp học thạc sĩ về thiết kế sân vườn cảnh quan và khảo cổ học. Trở về nước, cô gái sinh năm 1980 gây dựng riêng cho mình một công ty thiết kế sân vườn. Sau đó, chị lại chuyển hướng sang học thêm dựng và làm phim nghệ thuật. Cơ duyên cho chị gặp bà Judith Hansen (Mỹ) khi đang học làm phim tài liệu thể nghiệm ở Hanoi Doclab và hỗ trợ và làm 1 phim tài liệu ngắn về hành trình của bà. Nhận thấy Hà Nội có rất nhiều di tích tham quan đẹp nhưng trẻ em lại không có chỗ vui chơi, bà ngỏ ý tặng một sân chơi cầu trượt hình con rùa cho trẻ em ở khu vực hồ Hoàn Kiếm. Nhưng đề xuất này không được tán thành. Bà chính là người truyền cảm hứng cho kiến trúc sư Kim Đức phát triển ý tưởng sân chơi cộng đồng cho trẻ em thành phố. 'Một người đến từ nửa vòng trái đất còn nhận thấy sự thiếu hụt về không gian cho trẻ em. Là người Việt Nam, mình muốn làm điều gì đó thật ý nghĩa, thiết thực chứ không nằm lại ở các mô hình. Vì vậy, dự án xã hội xây dựng sân chơi được hình thành. Tôi chưa bao giờ hối hận khi rẽ ngang từ sự nghiệp cá nhân sang tham gia dự án xã hội này. Đây thật sự là hoạt động ý nghĩa đối với các em nhỏ và cả cộng đồng', chị Kim Đức bày tỏ. |