Ngày 13-9, tại Hà Nội, Viện Ngôn ngữ học đã tổ chức buổi thuyết trình khoa học với chủ đề 'Những cơ sở ngôn ngữ học và tiếng Việt của việc dạy - học đánh vần tiếng Việt' với diễn giả chính là GS-TS Nguyễn Văn Lợi, nguyên Phó Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học, chuyên gia hàng đầu về ngữ âm học, ngôn ngữ các dân tộc thiểu số. Tại buổi thuyết trình, chủ đề phương pháp đánh vần theo công nghệ giáo dục (CNGD) của GS Hồ Ngọc Đại đã được phân tích và thảo luận.
GS Nguyễn Văn Lợi cho rằng, công trình sách Tiếng Việt 1 - CNGD của GS Hồ Ngọc Đại là rất công phu, dựa trên thành tựu nghiên cứu 300 năm ngữ âm tiếng Việt. Nhưng từ 1977 đến nay thành tựu nghiên cứu ngữ âm tiếng Việt cũng phát triển rất nhiều.
Cách đọc trong sách Tiếng Việt 1 mới gây nhiều tranh cãi
'Tôi nghĩ mọi phát kiến, tri thức khoa học không dừng lại, có thể những điều mà cách đây 40 năm GS Hồ Ngọc Đại cho rằng đúng thì giờ những tri thức ấy đã được thay thế', GS Lợi nói.
Theo GS Lợi, quan niệm của CNGD là dạy hệ thống ngữ âm thuần túy, chân không về nghĩa. 'Các nhà ngôn ngữ học thế giới đã nghiên cứu quá trình hình thành và phát triển ngôn ngữ của trẻ em và cho rằng, việc hình thành thói quen cảm thụ, nghe hiểu, phát âm phải đi kèm phát triển vốn từ vựng. Khi nghe một chuỗi âm thanh thì trước hết tai giúp phân định từng âm tiết. Mỗi âm tiết như vậy sẽ xảy ra quá trình khu biệt, hiểu và tất cả quá trình đó gắn với nghĩa cụ thể trong các hoàn cảnh cụ thể, trong các từ đơn cụ thể, đó là các tiếng. Chứ không bao giờ trẻ em có thể nghe được, cảm thụ và phát âm lại được một âm hoàn toàn trống nghĩa, trừu tượng. Theo quan niệm như thế chúng tôi cho rằng CNGD trái với thực tế hình thành kỹ năng, nghe nói của trẻ em', GS Nguyễn Văn Lợi nêu quan điểm.
Theo GS Lợi, việc hình thành thói quen cảm thụ, nghe, hiểu, phải đi kèm vốn từ vựng của trẻ. Khi nghe thì trẻ sẽ phân tích, khu biệt, hiểu các âm tiết và hiểu các từ đơn, tiếng cụ thể. 'Chứ không bao giờ trẻ bắt chước, nói lại được tiếng chân không về nghĩa. Như tiếng Việt 1 - CNGD là trái với quy luật cảm thụ, nghe nói của trẻ. Học đánh vần để bền vững nhất thì nghe nói phải gắn bó mật thiết với nhau không thể tách rời', GS Lợi nhận định.
Cũng theo GS Nguyễn Văn Lợi, trong tâm thức trẻ 6 tuổi, hệ thống ngữ âm - âm vị học chưa thực sự hoàn thiện. Trẻ có kỹ năng nghe hiểu và phát âm không đầy đủ các âm vị trong một số không đầy đủ các bối cảnh ngữ âm. Vốn từ của trẻ 6 tuổi chỉ vài hàng từ chứ chưa đầy đủ bối cảnh ngữ âm để âm vị ấy hiện thực hóa.
'Do vậy, việc đánh vần bắt đầu bằng khái niệm ngữ âm, âm vị học thì chúng tôi cho rằng không thích hợp với năng lực, ngữ năng của đứa trẻ 6 tuổi', GS Lợi trình bày trong báo cáo của mình.
GS Lợi cho rằng, trẻ chỉ nhận - hiểu và sau đó tạo sản các âm vị trong bối cảnh ngữ âm cụ thể và gắn với âm vị, âm tiết khu biệt. Do đó, việc dạy đánh vần trong các âm tiết trừu tượng, chân không về nghĩa như chủ trương của sách Tiếng Việt 1 - CNGD là không đúng.
'Chúng tôi đồng tình với ý kiến của PGS Bùi Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội đồng thẩm định sách Tiếng Việt 1 - CNGD, rằng quan điểm chân không về nghĩa không đúng với bản chất của ngôn ngữ và không phù hợp với thực tiễn dạy học ngôn ngữ, trái với nguyên tắc dạy học tiếng theo quan điểm giao tiếp' - GS Lợi nêu quan điểm.
GS Lợi cũng cho rằng, việc các tác giả của CNGD nói rằng sách Tiếng Việt 1 - CNGD dạy cho học sinh dân tộc thiểu số rất hiệu quả, giúp các em không viết sai chính tả vẫn chưa được chứng minh bằng khảo nghiệm một cách khoa học, khách quan.
Trước câu hỏi: nếu phương pháp đánh vần của CNGD không phù hợp và có nhiều lỗi thì tại sao trẻ học phương pháp này vẫn có thể đọc, viết tốt như nhiều phụ huynh đã xác nhận, GS Lợi cho biết, ông trình bày, đánh giá những hạn chế, ưu việt của sách giáo khoa đứng trên quan điểm của người nghiên cứu ngôn ngữ học, nghiên cứu tiếng Việt. Ông chỉ phân tích dựa trên cuốn sách, chứ không biết trong nhà trường dạy như thế nào.
Có mặt tại buổi tọa đàm, GS-TSKH Nguyễn Tuyết Minh - một người có tiếng trong giới ngôn ngữ học và cũng là một bà mẹ có con từng học trường thực nghiệm cách đây vài chục năm, cho rằng, không nên vì cuốn sách Tiếng Việt 1 - CNGD của GS Hồ Ngọc Đại mà đánh giá trường thực nghiệm không tốt, và ngược lại không phải vì trường thực nghiệm tốt có nghĩa là cuốn sách này tốt.
Nhận xét về cuốn sách Tiếng Việt 1 - CNGD, GS Nguyễn Tuyết Minh nêu quan điểm, GS Hồ Ngọc Đại không phải chuyên gia về ngôn ngữ học, dĩ nhiên sẽ có những hạn chế.
GS Nguyễn Văn Hiệp, Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học, cũng cho rằng, phương pháp đánh vần trong sách Tiếng Việt 1 - CNGD chỉ là một phần trong việc tạo dựng môi trường thực nghiệm, bởi trong đó có cả các yếu tố tâm lý học, xây dựng môi trường học, ứng xử của giáo viên với học sinh, quan điểm và mục tiêu giáo dục…