Tam Triều Dâng tham gia hoạt động nghệ thuật từ bé, cô đã góp mặt trong nhiều bộ phim truyền hình nổi tiếng như: Chuyện làng bè, Tiệm bánh hoàng tử bé, Thần tượng, Bữa tối của diều hâu, Ngôi sao Khoai tây, Ngày ấy mình đã yêu, Nước mắt loài cỏ dại...
Tam Triều Dâng từng có 3 năm tạm ngưng đóng phim để tập trung cho việc học. Thế nhưng, kết quả thi tốt nghiệp của Tam Triều Dâng khi đó (năm 2016) đã tạo nên một cơn... sốc nhẹ cho mọi người, với tổng điểm 4 môn thi chỉ đạt 13,38 điểm. Toán 3,50. Hóa 2,20. Ngữ văn 5,0 và tiếng Anh 2,68.
Thời điểm đó, Tam Triều Dâng đã phải nhận vô số lời bình luận chê bai về học lực kém... từ cộng đồng mạng. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết, nguyên nhân của chuyện 'học dốt' ấy là một biến cố lớn mà nữ diễn viên người Tây Ninh đã một mình... đi qua vào đúng thời điểm quan trọng nhất của đời học sinh, trước kỳ thi tốt nghiệp.
Sốc tâm lý vì gia đình phá sản
Tam Triều Dâng vốn sinh ra trong một gia đình khá giả, có truyền thống làm kinh doanh thuốc trừ sâu và thu mua thuốc lá ở Tây Ninh. Vì nhà có điều kiện nên ba mẹ nữ diễn viên chưa bao giờ để các con thiếu thốn bất cứ thứ gì.
Bản thân Tam Triều Dâng làm nghệ thuật cũng vì thích và đam mê chứ không vì cơm áo gạo tiền. Thế nhưng, biến cố đã ập đến gia đình khi Tam Triều Dâng bước vào năm học cuối cấp 2. Ba mẹ cô phá sản vì bị giật hụi nhưng phải tới 3 năm sau, khi Dâng học hết lớp 11, họ mới đột ngột thông báo cho con gái biết.
Tam Triều Dâng tâm sự 'Em lên Sài Gòn một thời gian là kinh tế trong nhà bắt đầu đi xuống nhưng phần vì mình còn là con nít, phần vì mình đã làm ra tiền, tự lo được cho bản thân nên em không hay biết gì.
Cho tới cuối năm lớp 11, em thấy trong nhà mình có gì đó không bình thường nhưng mỗi lần hỏi tới thì mẹ đều bảo ổn.
Em còn nhớ rất rõ là tối đó, ba mẹ vào phòng nói chuyện với em. Lúc nghe ba mẹ nói gia đình phá sản, em rất ngạc nhiên, cứ tưởng mình nghe nhầm, còn hỏi đi hỏi lại mấy lần. Trước đó, ba mẹ tham gia một gói bảo hiểm cho em nhưng khi phá sản, phải rút tiền đã đóng bảo hiểm ra để trang trải nợ nần.
Chuyện làm ăn, kinh doanh của ba mẹ cũng không suôn sẻ. Công ty phân bón về tận nơi mở chi nhánh, cung cấp trực tiếp cho người dân. Đại lý nhà mình cứ thưa vắng khách dần. Chưa kể, người dân nợ tiền phân bón từ năm này qua năm khác, dù số tiền không nhiều, có khi 5 triệu mà họ nợ 15 năm không trả.
Nhiều thứ xô đến cùng lúc, tiền trong nhà cứ chạy hết ra ngoài, ba mẹ không kiểm soát được. Ba mẹ cũng không thể kinh doanh loại hàng khác vì ngại đụng chạm hàng xóm, sợ họ nghĩ mình trành giành chén cơm với họ.
Đất đai, nhà cửa, ông bà tổ tiên để lại thì vẫn còn nhưng phần gia tài ba gầy dựng bao nhiêu năm tan thành bọt xà phòng hết. Khi biết chuyện, em bị sốc tâm lý một thời gian dài mới chấp nhận được chuyện đó'.
Trầm cảm, đầu lúc nào cũng hiện ra hình ảnh bị người khác chỉ trích
Chưa dừng lại ở đó, thời điểm xảy ra biến cố này, Tam Triều Dâng cũng tình cờ phát hiện, những người bạn tưởng thân thiết lâu nay hóa ra cũng chỉ là lợi dụng cô. Và sự niềm nở kia hoàn toàn là giả dối. Khi Tam Triều Dâng phát hiện ra điều này, họ ra mặt tẩy chay, cô lập khiến cô rơi vào trạng thái trầm cảm.
Nhớ lại giai đoạn này, Tam Triều Dâng kể: 'Những gì em phải chịu vào thời điểm đó, nói ra thì không ai tin. Não em gần như trắng xóa. Em đau đầu triền miên, yếu từ tinh thần đến thể lực. Đó là một giai đoạn kinh khủng trong đời em.
Vì là người của công chúng nên em học cách bỏ qua dư luận mà sống. Em ý thức được rằng, mình làm gì cũng thành đặc biệt hơn người khác. Chỉ cần thầy cô tốt với mình một chút là sẽ bị nói thiên vị. Mình vui vẻ thì bị nói giả tạo. Đi quay phim về mệt, tới lớp không còn sức nói chuyện thì bị nói chảnh chọe.
Em không trách các bạn vì em hiểu, tới một giai đoạn nào đó, mình ắt sẽ gặp những chuyện như vậy... Nhưng đúng vào thời điểm gia đình mình bị như thế, tự em dựng lên cho mình một bức tường với bạn bè và mọi người xung quanh khi nghe những lời đàm tiếu, thị phi sau lưng.
Em nghĩ đơn giản là các bạn còn phụ thuộc gia đình trong khi mình đi làm, có tiền thì bao bạn bè ăn uống... nhưng vô tình tạo thói quen xấu cho họ. Mỗi lần trường, lớp quyên góp gì cũng thế. Mọi người mặc định rằng, tới bàn của Dâng là phải nhiều hơn.
Năm lớp 12, em dành hoàn toàn thời gian cho việc học, không đi phim. Thời gian đầu, em học khá tốt vì mình đi học đều nhưng tới cuối năm, khi phát hiện ra, các bạn chơi với mình không thật lòng, tất cả chỉ là lợi dụng thì em bị sốc. Em cứ nghĩ mình mạnh mẽ, sẽ kiểm soát được chuyện này nhưng không phải.
Cuối năm lớp 12, trường tổ chức buổi lễ tri ân thầy cô. Em đại diện học sinh lên phát biểu. Khi đọc bài phát biểu, có một đoạn em xúc động nên giọng hơi nghẹn. Chính người bạn thân của em lúc đó đã nói em 'diễn, giả tạo'.
Chuyện đó như giọt nước tràn ly, em ngồi thụp xuống òa khóc. Em khóc không ngừng lại được. Ai hỏi, em cũng chỉ lắc đầu. Cuối buổi lễ, cô giáo và các bạn ngoắc em lên chụp hình kỷ niệm. Những người vừa nói em lúc nãy cũng cười cười, ngoắc em lên như không có gì. Em đứng chụp hình mà cảm giác xung quanh mình toàn giả dối.
Ngày hôm đó, em lên xe về quê. Vừa xuống xe, em bị giật mất điện thoại. Trong điện thoại có rất nhiều hình ảnh em chụp với bạn bè. Giống như là định mệnh vậy.
Nghỉ mấy ngày, em trở lại trường ôn thi tốt nghiệp. Lúc này, các bạn trở mặt hẳn với em. Không ai chơi với em nữa, trừ một bạn tên Thanh là vận động viên thể dục dụng cụ trong trường. Và kể từ lúc này, em chìm vào chuỗi ngày mệt mỏi, nhức đầu triền miên...
Các bạn cố tình nói xấu em và để cho em nghe thấy. Các bạn uống trà sữa, phun lên lưng em rồi giả bộ nói 'ô, không may, xin lỗi'. Mỗi lần chịu không nổi, em chạy vô toilet khóc.
Ngồi trong lớp mà em bịt khẩu trang kín mít. Tinh thần em yếu, đầu đau khủng khiếp. Gia đình không hề hay biết vì cứ đi học về là em chui vào phòng. Phần vì em không muốn gia đình lo, phần vì em không chia sẻ được với ai.
Lúc đó, em không nghĩ là mình trầm cảm. Em chỉ không hiểu tại sao, trong đầu mình lúc nào cũng hiện ra hình ảnh tiêu cực, bị người khác chỉ trích. Trong một ngày, em có rất nhiều cảm xúc rối loạn.
Em phải đi tới bác sĩ tâm lý để điều trị. Bác sĩ nói em bị lưỡng cực, nặng hơn cả trầm cảm. Nghĩa là, khi vui thì thấy cái gì cũng tốt đẹp mà buồn thì cảm xúc tuột xuống dưới đáy. Và biểu hiện tệ nhất của người bị lưỡng cực là tìm đến cái chết.
Ngoài uống thuốc, bác sĩ khuyên em nên nói chuyện, tâm sự với một ai đó. Thời điểm ấy, mỗi ngày lên trường em đều ngồi rúm ró vào một góc, dù chẳng ai làm gì mình. Có những lúc em đau đầu quá, cứ ngồi đập đầu vào tường. Các bạn nghĩ em 'làm màu'.
Thanh – người bạn duy nhất của em lúc đó chia sẻ với em, giữ bí mật cho em. Em cần gì, viết ra giấy, bạn đều làm cho. Ra ngoài kiếm tiền từ nhỏ nên em trưởng thành hơn tuổi của mình rất nhiều. Em không làm những việc tự gây tổn thương cho mình cũng không phá hoại tài sản.
Bác sĩ khuyên em nên nghỉ ngơi, để năm sau hẵng thi tốt nghiệp nhưng em không muốn. Lây lất cũng ráng đi học. Sau đó, bạn Thanh nói cho cô giáo chủ nhiệm biết vì em học không được. Cô đem học bạ của em ra tính và nói, chỉ cần mỗi môn đạt từ 2 đến 4 điểm là em đậu tốt nghiệp. Thời điểm đó, đại học đã xét học bạ rồi.
Tới ngày thi tốt nghiệp, một số phóng viên xin em địa chỉ thi để tới chụp lấy hình ảnh. Em từ chối vì không muốn ai thấy mình trong tình trạng đó. Kết quả thi của em rất thấp. Mọi người nói em học dốt, kêu dành thời gian để học mà thi kết quả dở tệ.
Khi nhẩm ra với số điểm đó, em đủ đậu tốt nghiệp, ngay lập tức, em về đốt hết sách vở. Não em không tiếp nhận được gì. Em ý thức được là mình bị nói nhưng cũng không quan tâm. Em không muốn giữ bất cứ cái gì trong thời gian khủng khiếp đó.
Có một khoảng thời gian dài, em bị lầm lì. Đi đâu, làm gì cũng một mình. Ngày xưa, nhìn người ta đi cà phê một mình, em kỳ thị lắm nhưng chính em lại rơi vào trường hợp đó.
Ngay cả khi vào đại học, những ngày đầu, em cũng rất rụt rè, không mở lòng. Cho tới khi có một nhóm bạn mới, cởi mở với em và từ từ em thoát ra khỏi trầm cảm. Sau khoảng 1 năm, em khôi phục được cảm xúc bình thường. Nhưng tới giờ, em hầu như quên hết tên và mặt của các bạn thời cấp 3. Giống như đầu em tự muốn xóa đi quãng thời gian đó...'