Những 'gia đình ngỗng'
Gần như mỗi tối, Ma Hyun-Joo cùng 2 con của mình tập trung trước màn hình điện thoại để thực hiện cuộc gọi video với chồng của cô ở Hàn Quốc. Họ nói về mọi thứ trên đời như những chuyện xảy ra trong ngày, liệu những đứa trẻ ở trường có vui hay không? Chúng ăn gì cho bữa trưa?...
Ma Hyun-Joo cùng 2 con.
Những cuộc gọi thế này đã trở thành thói quen của gia đình Ma và duy trì được 3 năm qua bởi đó là cách duy nhất để họ có thể kết nối với người đàn ông trụ cột của gia đình mình, hiện đang làm việc trong lĩnh vực bất động sản tại Hàn Quốc, cách nơi ở của họ 10 nghìn cây số.
Theo lời Ma, các con của cô dù đã quen với cuộc sống ở thành phố Montreal, Canada, nhưng chúng không thể ngăn được nỗi nhớ bố.
'Khi còn ở Hàn Quốc, con trai của tôi thích chơi vật tay với bố nhưng giờ thằng bé không được chơi với bố như thế nữa. Con gái tôi thì nhớ những cái ôm của bố. Khi chúng tôi ở Hàn Quốc, tôi thỉnh thoảng la mắng con gái và những lúc đó, con bé luôn tìm đến vòng tay của bố để được an ủi' - Ma chia sẻ.
Ma nói rằng các con của cô cũng rất may mắn khi bố của chúng có thể sang Canada thăm vợ con 2 lần một năm và gia đình của họ cũng dự định sẽ sớm tụ họp. Sở dĩ Ma nhận định như thế là bởi vì cô biết có rất nhiều gia đình cũng ở hoàn cảnh của cô nhưng chỉ có thể gặp được người thân của mình vỏn vẹn một lần trong suốt nhiều năm.
Việc các bà mẹ Hàn Quốc nhận nhiệm vụ đưa các con sang phương Tây sinh sống trong khi ông bố ở lại Hàn Quốc làm việc để đảm bảo tài chính cho cả gia đình không còn xa lạ ở xứ sở kim chi. Những ông bố như thế được gọi là 'ông bố ngỗng'. Người ta gọi như thế bởi vì các ông bố này không khác gì chú ngỗng trời, phải bay một quãng đường dài từ mùa này sang mùa khác, họ cũng phải bay một chuyến bay dài sang nửa kia địa cầu để gặp gia đình của mình.
Điều này hẳn không hề dễ dàng chút nào. Nhưng các bậc phụ huynh chấp nhận như vậy cốt để cho con cái của họ được đi học ở phương Tây, nơi nền giáo dục ít căng thẳng hơn hệ thống giáo dục ở Hàn Quốc. Ngoài ra, những đứa trẻ còn được trau dồi tiếng Anh và sau này nó sẽ trở thành tài sản quý báu trang bị cho chúng trước khi vào đời.
'Tôi đã nghĩ rất nhiều về con đường học tập của con cái và tôi cũng luôn muốn thử sống của một đất nước khác ngoài Hàn Quốc' - Ma nói.
Không chỉ người chồng ở nhà nai lưng làm việc mà bản thân Ma cũng phải cố gắng rất nhiều. Cô học tiếng Pháp và tìm cho mình một công việc trong lúc nhận nhiệm vụ chăm sóc hai con.
Nỗi cô đơn đến từ những bữa ăn một mình
Tại Montreal, có đến 1/4 gia đình Hàn - Canada sống như gia đình Ma, theo thống kê của người đứng đầu cộng đồng này.
'Có khoảng 11 nghìn người Hàn Quốc ở Montreal và có khoảng 17% trong đó là 'gia đình ngỗng'' - Kim Jong-Min, tổng giám đốc của Fondation Communautaire Canadienne-Coréenne du Québec, một tổ chức cộng đồng cho biết.
Bản thân Kim, ông cũng từng là một 'ông bố ngỗng' trong 2 năm khi vợ và 2 con trai chuyển đến sống ở Montreal trước. Ban đầu, mọi thứ với Kim vẫn ổn, thậm chí ông còn cảm thấy bản thân có thể làm bất cứ điều gì mình muốn và cảm nhận mùi vị của sự tự do. Thế nhưng, chỉ 6 tháng sau, mọi cảm giác ấy đều bị thay thế bởi sự cô đơn.
'Có những cuối tuần tôi trở về nhà và từ đó tôi không mở miệng nói một lời nào, bởi vì gia đình tôi chẳng có ở đây. Bạn sẽ biết được thế nào là cô đơn thực sự nếu như không có ai để trò chuyện, chia sẻ. Mỗi bữa cơm một mình luôn bị lấp đầy sự cô đơn' - Kim chia sẻ.
Thuở thiếu thời, Kim luôn mong ước được ra nước ngoài du học nhưng ông đã không thể biến ước mơ thành sự thật. Từ đó, Kim tự hứa với lòng rằng nếu các con của ông có ước muốn như thế thì ông sẽ hỗ trợ chúng bằng mọi cách.
Thời điểm đó, đến Montreal không phải là một sự lựa chọn khả thi đối với Kim. Ông sở hữu một doanh nghiệp tư vấn không thể dễ dàng bỏ đi. Thêm nữa, Kim không chắc bản thân ông nếu chấp nhận bỏ hết thì liệu ông có tìm được việc ở Canada hay không hay liệu bằng cấp của ông có được nước này công nhận.
Vả lại đối với Kim, sống ở Hàn Quốc cũng không tồi: Đây là một đất nước phát triển, tỷ lệ tội phạm không quá cao và chất lượng cuộc sống khá tốt.
Thế nhưng, sau 2 năm làm 'ông bố ngỗng', Kim nhận ra 2 con trai, lần lượt 8 tuổi và 10 tuổi thời điểm rời khỏi quê hương, đang chuẩn bước vào những năm quan trọng của cuộc đời chúng mà không có ông ở bên cạnh. Các con của Kim cũng cho biết chúng nhớ ông da diết.
'Bọn trẻ muốn chơi đá bóng nhưng không có bố bên cạnh để cùng chơi. Chúng chuẩn bị tới tuổi dậy thì sẽ muốn tâm sự với bố về những thay đổi trong cơ thể. Tôi đã cảm thấy có lỗi vô cùng khi tôi không thể ở bên cạnh chúng, khi mà chúng cần tôi nhất' - Kim nhớ lại.
Thêm nữa, chênh lệch múi giờ đến tận 14 tiếng khiến những cuộc gọi điện thoại của gia đình Kim trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. Khi Kim có thời gian rảnh rỗi để gọi điện thì các con của ông bận học ở trường.
Mỗi khi muốn đến thăm vợ con, Kim phải bay chuyến bay dài từ Seoul đến Montreal và tại đây, ông không thể trông coi được công việc kinh doanh công ty của mình.
Dần dần, mọi thứ trở nên khó khăn tột độ với Kim. Ông quyết định đóng cửa công ty và chuyển đến Montreal, đoàn tụ với gia đình mình.
'Bạn sẽ không bao giờ nhận ra được tầm quan trọng của một người nếu như họ lúc nào cũng ở bên cạnh bạn. Khi chúng tôi sống xa nhau, tôi đã biết được gia đình mình trân quý đến mức nào' - Kim nói.
Sự hy sinh cao cả của bố mẹ
Park Seryung từ nhỏ đã mong được sống ở nước ngoài. Năm 14 tuổi, ước mơ của Park thành hiện thực khi mẹ cô từ bỏ công việc làm giáo sư ở trường đại học và đưa cô cùng em trai bay di cư sang Canada. Thời điểm đó, Park không hề hiểu được chút gì về sự hy sinh của bố mẹ mình.
Park cho biết ban đầu, bố cô nhất mực phản đối chuyện này nhưng sau đó cũng chấp nhận cho 3 mẹ con cô rời đi trong khi ông ở lại Hàn Quốc để kiếm tiền nuôi gia đình.
Ước mơ của Park trở thành hiện thực nhưng cô chưa từng nghĩ mọi chuyện sẽ diễn ra theo hướng này. Cuộc sống ở Canada không hề được như Park mong đợi. Ban đầu, cô vấp phải rào cản ngôn ngữ và sau đó sự khác biệt văn hóa trở thành thử thách.
Bố mẹ của Park đã hy sinh rất nhiều để có thể hỗ trợ tài chính cho cuộc sống ở vùng đất mới của 3 mẹ con cô. Không chỉ vậy, bố cô còn phải chấp nhận sống xa gia đình và gánh chịu cuộc sống cô đơn ở Hàn Quốc.
'Bố tôi là người cô đơn nhất bởi vì ông phải sống một mình, lặng lẽ. Gia đình mà không sống cùng nhau thì các thành viên không bao giờ cảm thấy trọn vẹn' - Park chia sẻ.
Ở tuổi 21, Park đã hiểu hơn về những gì mà bố mẹ đã hy sinh và cô quyết tâm nỗ lực sống hết mình để chứng tỏ tất cả những đau khổ mà họ phải trải qua hoàn toàn xứng đáng.
'Chúng tôi không giàu có nhưng bố mẹ vẫn cho tôi sang Canada học. Đó là một quyết định không hề dễ dàng gì và tôi thì cảm thấy hối hận. Không phải là tôi không thích học ở đây mà tôi không biết liệu bản thân có thể đền đáp công lao của bố mẹ hay không' - Park chia sẻ.
Giờ đây, Park đã là cô sinh viên năm nhất chuyên ngành khoa học máy tính ở McGill. Cô tin rằng những trải nghiệm về cuộc sống ở Canada giúp cô trở nên cởi mở hơn và thay đổi hoàn toàn con người cô. Park đã không còn nghĩ mình chỉ là một người Hàn sống ở Canada nữa mà cô dần đã có thể sống hòa trộn giữa 2 nền văn hóa Hàn Quốc và Canada.
Nhiều lúc Park tự hỏi không biết liệu cô có thể làm như bố mẹ và hy sinh cuộc đời vốn bình yên của mình để biến ước mơ được sống ở một quốc gia khác của con cái thành hiện thực hay không.
'Tôi nghĩ bố mẹ phải yêu thương chúng tôi rất nhiều, đủ để họ đặt con đường học tập và phát triển của chúng tôi lên trên cuộc sống riêng của họ' - Park chia sẻ.
(Nguồn: CBC)