Con chào bác sĩ, năm nay con 20 tuổi. Cách đây 1 tuần con tới chu kỳ kinh nguyệt. Vì con sợ nằm dính máu ra nệm cho nên con hay nằm sấp, nằm nghiêng qua bên trái để bấm điện thoại cho kinh nguyệt không dây ra quần, ra nệm. Lúc nằm như vậy con cũng thấy ngực hơi nhói nhói nhưng con ráng chịu đựng. Rồi sau đó khi tắm vòi hoa sen, nước hoa sen chảy xuống ngực trái của con. Lúc ngồi xuống khiêng tấm nệm hay những lúc con áp ngực trái vào đầu gối trái thì đều thấy hơi nhói nhói ở ngực dù rằng không đau lắm. Con thử sờ vào 2 bên ngực thì con phát hiện khối u nhỏ trong ngực trái, ngực phải thì bình thường. Khối u nhỏ trong ngực trái chỉ bằng hột đậu. Mấy lúc trước những ngày kinh nguyệt con đều không bị đau, không có bị gì hết. Kể từ khi cách đây 1 tuần con nằm sấp mấy ngày liền thì mới bị hơi hơi nhói cho tới bây giờ. Vậy con có thực sự bị ung thư vú không bác sĩ. Mong bác sĩ trả lời sớm cho con. Con hoang mang lắm ạ.
lovelymisu…@gmail.com
Ảnh minh họa
Bác sĩ Tiin trả lời:
Chào bạn, bạn phải bình tĩnh chứ, đã biết là gì đâu mà lo lắng, hoang mang thế. Khi có bất cứ tình huống gì xảy ra, bình tĩnh là đã chiến thắng 50% rồi đấy bạn.
Khi bị “đau vú” và có “khối u ở vú”, có thể gặp trong một số trường hợp sau đây:
- Đau vú: trước khi hành kinh, phụ nữ thường có cảm giác nặng, đầy và đau ở vú, kể cả khi tác động nhẹ, vận động cũng có cảm giác đau, khi thấy kinh các triệu chứng này mất đi, gọi là đau có chu kỳ.
- U xơ tuyến vú: là khối u khư trú hoặc khuếch tán, mật độ mềm.
- Bệnh nang vú: là những khối riêng rẽ di động, mật độ căng.
- U tuyến xơ: là khối u có vỏ bọc.
- Ung thư vú: u cứng, không đau, bờ không rõ rệt.
- Lạc nội mạc tử cung: nghe có vẻ lạ. Bình thường tử cung có một lớp niêm mạc mỏng bao phủ. Khi tế bào nội mạc tử cung này không chỉ ở trong tử cung mà “chạy” ra ngoài, cư trú và phát triển ở một cơ quan nào đó gọi là lạc nội mạc tử cung. Khối u này thường liên quan đến chu kỳ kinh nguyệt.
Khối u chỉ là biểu hiện lâm sàng, bản chất của khối u mới quan trọng. Phương pháp điều trị cũng tùy thuộc bản chất của khối u. Muốn biết đó là “u gì” phải khám lâm sàng, cận lâm sàng. Các biện pháp như siêu âm, chụp xquang, chọc dò, sinh thiết khối u sẽ cho kết quả xác định đó là “u gì”. Lúc đó mới điều trị được bạn nhé.
Để cẩn thận, bạn nên đi khám ở bệnh viện chuyên về sản phụ khoa (vú được gọi là cơ quan sinh dục ngoài mà). Ở đó các bác sỹ sẽ khám và tư vấn thêm cho bạn nhé. Bạn còn trẻ, chưa có gia đình, chưa mang thai và sinh con bao giờ, các khối u vú thường là bệnh u lành tính, không quá nguy hiểm.
Bạn cũng nên chú ý là không nên nằm sấp quá lâu nhé. Nằm sấp vừa cản trở hô hấp, ảnh hưởng lưu thông máu vùng ngực, đây cũng được coi là nguyên nhân làm cho “núi đôi” kém săn chắc đấy.
Mọi thắc mắc về sức khỏe giới tính, bạn vui lòng gửi câu hỏi đến hòm thư bandoc@tiin.vn. Câu hỏi của bạn sẽ được bác sỹ Hoàng Thúy Hải giải đáp vào thứ 4 và thứ 6 hàng tuần. (Nhớ là gửi thư bằng tiếng Việt có dấu bạn nhé!)