Vào một buổi chiều tháng 12 lạnh giá, Chen đứng đợi đến lượt mình tại phòng đăng ký kết hôn chật cứng người ở quận Hoàng Phố, Thượng Hải. Cô sẽ hoàn thành một quyết định quan trọng của cuộc đời: Ly hôn chồng.
Cô gái 28 cho biết mình không có nhiều thời gian. Vì bắt đầu từ ngày 1/1/2021, một điều luật mới sẽ được áp dụng. Theo đó, những cặp vợ chồng muốn ly hôn sẽ phải tuân thủ '30 ngày hòa hoãn'. Có nghĩa, trong 30 ngày đó, nếu một bên thay đổi ý định, cuộc ly hôn sẽ không được chấp thuận.
Chính sách mới khiến các cặp vợ chồng Trung Quốc muốn nhanh chóng được 'cởi trói'.
Chen nói: 'Chính sách 30 ngày hòa hoãn khiến tôi nhận ra rằng hôn nhân không phải là điều tốt đẹp. Bước vào thì dễ, nhưng bước ra chẳng đơn giản chút nào'. Mắt cô căng thẳng, mất dần kiên nhẫn khi nhìn về phía quầy đăng ký.
Bên ngoài văn phòng đăng ký kết hôn ở Hoàng Phố, một nhân viên bảo vệ họ Yin cho biết, số cặp đôi đến làm thủ tục ly hôn tăng gấp đôi.
'Có rất nhiều người đến để ly hôn trong tháng này. Mọi người đều muốn hoàn tất thủ tục trước khi luật mới được áp dụng', Yin nói, rồi rút điếu thuốc châm lửa hút. 'Chúng tôi tiếp đón trung bình 20 cặp đôi, nhưng bây giờ, có ít nhất 40 đến 50 cặp mỗi ngày. Họ bắt đầu đến xếp hàng từ sáng sớm'.
Các cặp vợ chồng Trung Quốc phải xếp hàng từ sáng sớm để mau chóng được ly hôn.
Các cặp vợ chồng chỉ được phép làm thủ tục ly hôn tại văn phòng ở địa bàn cư trú. Do đó, nếu cơ quan địa phương hết chỗ, họ buộc phải chờ đến lượt thay vì lái xe tới địa điểm khác.
Các hệ thống đặt chỗ trực tuyến ở những thành phố lớn khác như Quảng Châu và Thâm Quyến, cũng rơi vào tình trạng tương tự.
Tỷ lệ ly hôn của Trung Quốc liên tục tăng kể từ năm 2003. Năm ngoái, hơn 4,7 triệu cặp vợ chồng chính thức chia tay. Theo thống kê, phụ nữ thường là người đề nghị ly dị, chiếm hơn 74% số vụ. Các chuyên gia cho rằng sự thay đổi trong quan niệm hôn nhân và vai trò xã hội khiến phái yếu mạnh dạn chấm dứt quan hệ vợ chồng. Tuy nhiên, tỷ lệ ly hôn của Trung Quốc vẫn thấp hơn các nước khác như Mỹ hay Ấn Độ.
Năm 2010, Shang Shaohua - cựu thành viên cơ quan cố vấn chính trị cao cấp Trung Quốc - đưa ra sáng kiến '30 ngày hòa hoãn' nhằm hạn chế tình trạng ly hôn nóng vội, đặc biệt ở những cặp vợ chồng trẻ sinh ra theo chính sách một con của Trung Quốc.
'Tiến trình quá đơn giản, nhanh chóng khiến việc ly dị trở nên quá dễ dàng. Nhiều cặp vợ chồng chỉ cãi nhau một chút đã quyết định chia tay, để rồi hối hận ngay sau đó', ông Shang nói.
Nhưng các chuyên gia nghi ngờ, liệu phương pháp này có thực sự ngăn được tình trạng các cặp vợ chồng ly hôn hay không.
Wu Xiaoying, giáo sư xã hội học tại Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, cho hay, thời gian 30 ngày suy nghĩ thể hiện một bước lùi. Bà nói, nó có thể giúp các cặp đôi thêm thời gian, nhưng nó không thể hàn gắn một mối quan hệ đã rạn nứt.
'Chính phủ mong muốn củng cố quan niệm hôn nhân bền vững. Nhưng thời buổi ngày nay, người trẻ lại có quan điểm khác', bà Wu nói.
Nhiều chuyên gia nghi ngờ chính sách '30 ngày hòa hoãn' không giúp hạn chế tỷ lệ ly hôn ngày càng tăng cao của Trung Quốc.
Năm nay, đại dịch Covid-19 càng khiến các cặp vợ chồng muốn cắt đứt quan hệ hôn nhân. Tại các thành phố như Tây An (tỉnh Thiểm Tây) và Dazhou (Tứ Xuyên), tỷ lệ ly hôn tăng mạnh từ tháng 2 đến tháng 3, thời điểm thực hiện giãn cách xã hội trên toàn quốc.
Chen cho biết cô cũng đã quyết định ly hôn với chồng trong thời gian bùng phát Covid-19, khi mối quan hệ của họ 'không suôn sẻ'. Cô muốn hoàn thành thủ tục vào cuối năm nay. Mặc dù có lịch hẹn trực tuyến vào ngày cuối cùng của tháng, Chen đã chọn đứng xếp hàng ngoài trời lạnh, để hy vọng sớm đến lượt mình.
Một số phụ nữ quyết tâm ly hôn trước khi chính sách 30 ngày hòa hoãn có hiệu lực, ngay cả khi điều đó khiến họ phải đánh đổi một khoản tiền lớn.
Vivian Wang, một phụ nữ 30 tuổi đến từ thành phố phía bắc Thanh Đảo, quyết định ly hôn vào đầu tháng 12. Song, cô buộc phải ra đi tay trắng để thuyết phục chồng nhanh chóng ký đơn.
'Tôi phải hoàn tất thủ tục trước khi chính sách hòa giải có hiệu lực, dù không nhận được đồng nào từ chồng. Tôi chỉ muốn rời bỏ anh ta và bắt đầu cuộc sống mới', Wang nói.
Lin, một phụ nữ 24 tuổi sống ở tỉnh Chiết Giang, nhấn mạnh với Sixth Tone cô ấy muốn chấm dứt cuộc hôn nhân kéo dài 6 tháng trước khi chính sách '30 ngày hòa hoãn' có hiệu lực.
Tuy nhiên, chồng cô từ chối ký đơn ly dị trừ khi nhận được 1.500 USD tiền bồi thường, một khoản tiền quá lớn với khả năng chi trả của cô. 'Thật khó để ly hôn. Nếu không có một tháng trì hoãn, tôi có thể cố thuyết phục chồng. Nhưng giờ đây, nếu anh ta đổi ý sau 30 ngày, tôi phải làm gì đây?'.
Theo những người ủng hộ nữ quyền, chính sách này sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới những nạn nhân của bạo lực gia đình.
Hai, nhân viên trực tổng đài đường dây nóng tố cáo bạo lực gia đình ở Quảng Đông cho biết, đa số nạn nhân muốn ly hôn người bạn đời ngay lập tức, trước khi chính sách 30 ngày hòa hoãn chính thức có hiệu lực.
'Phần lớn người gọi không biết về chính sách hòa giải này. Khi nghe tôi thông báo, họ cảm thấy ngạc nhiên và lo lắng. Ngạc nhiên vì chưa bao giờ thủ tục ly hôn lại phức tạp như thế; lo lắng vì phải tiếp tục chịu đánh đập, chửi rủa từ bạn đời'.
Một số nhà lập pháp khẳng định quy định mới chỉ dành cho những cặp kết hôn tự nguyện, không áp dụng cho các vụ bạo hành gia đình. Song thực tế, thủ tục ly hôn thường mất hàng tháng trời mới có kết quả, và hơn một nửa yêu cầu ly dị bị từ chối ngay từ phiên điều trần đầu tiên.
Đầu tháng này, vụ việc tòa án địa phương tỉnh Thiểm Tây từ chối yêu cầu ly dị từ một phụ nữ 63 tuổi, từng chịu bạo hành suốt 40 năm khiến dư luận phẫn nộ. Phía tòa án phán quyết hai bên 'cần thấu hiểu và tôn trọng nhau hơn'.
Trở lại với câu chuyện của Chen ở Thượng Hải, cô sẽ phải đợi thêm một ngày nữa để nộp thủ tục ly hôn dù trước đó đã phải xếp hàng hơn hai giờ đồng hồ những vẫn chưa đến lượt mình.
Chen bước ra khỏi văn phòng, nơi chồng cô đang đợi. 'Chuyện gì xảy ra vậy?', anh chồng hỏi Chen, vẻ bối rối. 'Chúng ta sẽ phải làm điều đó vào ngày mai', Chen nói. 'Hãy thức dậy sớm và xếp hàng'.