Kinh tế là yếu tố quan trọng quyết định tới hạnh phúc hôn nhân. Nếu vợ chồng không có sự chia sẻ, đồng nhất trong tài chính sẽ rất dễ dẫn đến mâu thuẫn gia đình. Giống cặp vợ chồng trẻ trong câu chuyện dưới đây:
Người vợ kể: 'Kết hôn được hơn năm thì em sinh con đầu lòng. Bố mẹ hai bên đều đang tuổi đi làm, chưa ai nghỉ hưu nên vợ chồng phải tự túc trông con. Bàn đi tính lại mãi, chồng em bảo vợ: 'Thôi, em ở nhà chăm con đi, kinh tế anh lo'.
Dù không thích nhưng chẳng còn lựa chọn nào, em buộc phải chấp nhận phương án đó. Thời gian đầu mọi việc diễn ra ổn thỏa, đúng thỏa thuận chồng đưa thẻ lương của anh cho em giữ để lo chi tiêu sinh hoạt gia đình.
Được mấy tháng trơn tru, tới đợt gần đây chồng em bắt đầu quay ra giám sát, để ý việc vợ ăn tiêu. Em động rút tiền là anh lập tức nhắn tin tra hỏi: 'Em rút tiền làm gì thế? Mới hôm trước anh thấy em rút rồi mà'.
Ảnh minh họa
Thật sự mỗi lần bị chồng tra xét như thế, em thấy ức chế kinh khủng. Thậm chí nhiều hôm còn phải ngồi kê khai tất cả các khoản chi tiêu hàng ngày để anh kiểm tra xem có trùng khớp với số tiền rút ra hay không. Cũng vì kinh tế phụ thuộc như vậy thành ra từ ngày nghỉ việc tới giờ cũng gần 1 năm mà em không hề mua sắm cho bản thân 1 thứ gì, từ quần áo tới giầy dép. Ấy vậy mà thi thoảng vẫn bị chồng nhắc nhở ở nhà không làm gì, ăn tiêu phải biết tiết kiệm.
Tháng vừa rồi chồng em còn đòi lại thẻ lương, chỉ đưa cho vợ đúng 4 triệu. Anh bảo: 'Từng này tiêu cho cả tháng, liệu mà lo liệu, thiếu tự bù'.
Giọng của lão đúng kiểu ban phát bố thí tiền cho vợ. Em tức điên, cảm giác muốn nhảy dựng lên với chồng. Song hiểu tính lão, mọi thứ không thể giải quyết bằng lời nói mà phải bằng thực tế mới được việc. Vậy là em vâng dạ cầm tiền bỏ ví cất đi.
Ngày hôm sau, em vẫn vui vẻ làm tròn bổn phận của mình, sáng dậy lau dọn nhà, cho con ăn rồi đi chợ nấu nướng phục vụ chồng. Tối đi làm về, chồng em nhìn mâm cơm vợ nấu tỏ ra khá ngạc nhiên vì chỉ có đậu luộc, trứng hấp chứ không đa dạng thức ăn như mọi khi. Sau lão có ngồi ăn nhưng chỉ 1 lần lấy cơm là đứng dậy. Trước giờ lão vốn quen ăn ngon, 1 bữa ít cũng phải 2, 3 món mặn. Giờ ăn đơn giản lão không ăn được.
Những ngày sau mâm cơm em nấu vẫn không có gì cải thiện. Có chăng thì đậu được thay bằng cá khô, trứng thay bằng 20 nghìn thịt băm, mướp đắng xào, bát canh với mấy quả cà muối. Cứ vậy đảo đi đảo lại.
Bước sang ngày thứ 4, lão nhìn mâm cơm của vợ liền nổi khùng quát: 'Cô dạo này làm sao thế? Chồng đi làm quần quật cả ngày mà bữa nào cũng cho ăn đậu luộc, cá khô. Tiền tôi đưa đâu, có phải cô giấu làm vốn riêng còn chồng thì cho ăn đầy đọa vậy hả?'.
Ra là lão nghi em giấu tiền lập quỹ đen nên mới tính toán chi li với em từng đồng từng hào các chị ạ. Em thản nhiên đáp lại: 'Anh tính đi, 4 triệu đưa em. Nguyên tiền sữa bỉm của con đã 2 triệu, tiền điện nước 700 nghìn, còn lại 1 triệu 3 tiền ăn, chưa kể những khoản hiếu hỉ phát sinh. Đương nhiên thức ăn 1 bữa chỉ có thế mới đủ. Anh đưa sao thì em tiêu vậy thôi. Còn nếu anh không tin, từ mai em giao lại tiền cho anh chi tiêu xem 4 triệu của anh nó có giá tới cỡ nào'.
Nói rồi, em về phòng rút ví đưa hết tiền cho chồng. Lão nhà em cũng không phải dạng vừa, bị vợ 'đập' lại tiền, lão cùn lên vênh mặt bảo: 'Được rồi, để tôi tiêu cho cô mở mắt học tập'.
Ngày hôm sau, em chỉ ở nhà bế con lo việc nhà. Lão đi làm về rẽ vào chợ mua đồ ăn. Nhà thiếu gì, em nhắn cho mua cả thể. Lúc về, tay lão khệ nệ xách túi lớn túi nhỏ đi vào nhà, mặt mũi nhăn nhó, lẩm bẩm: 'Thoắt cái tiêu hết cả triệu bạc mà chẳng mua được mấy thứ. Đi chợ như bị mất cắp, sợ thật'.
Em nghe thế đến bên vỗ vai hỏi chồng: 'Sao, anh chi tiêu thế nào, dạy vợ để vợ học hỏi kinh nghiệm?'.
Ảnh minh họa
Lão đỏ gay mặt nhìn em đáp: 'Lâu anh không phải đi chợ, không lo chi tiêu nên không biết. Vợ thông cảm, đừng giận anh nhé. Từ mai anh sẽ chuyển hết lương vợ giữ'.
Đấy, lão nhà em là phải dùng thực tế để trị. Có điều, sau chuyện này em nghiệm ra, kiểu gì mình cũng phải tự lập kinh tế. Sống phụ thuộc, sớm muộn vợ chồng cũng có chuyện'.
Quả thật, khi đã bước chân vào cuộc sống hôn nhân, người phụ nữ luôn sẵn sàng hi sinh mọi thứ vì chồng. Điều duy nhất họ mong nhận được từ người người đàn ông họ yêu là sự tôn trọng, thấu hiểu. Song không phải người chồng nào cũng hiểu được nỗi lòng đó của vợ mới dẫn đến mâu thuẫn, dạn nứt gia đình. 'Của chồng công vợ', cánh mày râu hãy nhớ điều đó, đừng bao giờ đẩy vợ lại phía sau hay quên đi những lo toan, vất vả mà vợ đã vì các anh mà nếm trải mỗi ngày nhé.