Lee Min-jun vẫn còn lâng lâng khi tận hưởng cuộc sống của đôi vợ chồng mới cưới, sau khi vừa trở về từ kỳ trăng mật ngọt ngào tại Maldives. Anh vừa kết hôn vào tháng 11.
Tuy nhiên, quyết định kết hôn của anh không hề dễ dàng. Lee, 32 tuổi - một chủ công ty môi giới bất động sản tại tỉnh Paju, Hàn Quốc nói rằng có một vài điểm khác biệt về tính cách với bạn gái nhưng điều khiến anh phải cân nhắc lớn nhất về việc có nên kết hôn hay không lại liên quan tới tiền.
'Tôi hẹn hò với vợ mình khi công việc kinh doanh đang bắt đầu dần ổn định vì vậy những vấn đề về tài chính là lo ngại lớn nhất'.
Tại Hàn Quốc, chi phí trung bình để làm đám cưới là 230 triệu won (khoảng 196.000 USD) theo nghiên cứu của công ty tư vấn cưới hỏi lớn nhất tại đây sau khi khảo sát 1.000 cặp đôi mới cưới.
Con số này cao gấp 6 lần so với số tiền trung bình mà một người Hàn Quốc ở tuổi 30 kiếm được mỗi năm là 32.900 và gấp 9 lần so với con số mà một người Hàn Quốc dưới tuổi 29 làm ra được mỗi năm, chỉ 22.152 USD.
Một khảo sát khác được thực hiện bởi Cơ quan tiêu dùng Hàn Quốc vào năm 2017 cho thấy rằng chi phí cơ bản cho 1 đám cưới là 40.000 USD nếu không tính tới tiền nhà.
Những năm gần đây, tỷ lệ kết hôn đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ khi dữ liệu bắt đầu được thu thập vào năm 1970. Các cặp đôi càng ngày càng phải chi nhiều hơn cho nhà cửa và những trang trí xa xỉ cho đám cưới.
'Chúng ta có thể nghĩ nguyên nhân tỷ lệ kết hôn giảm là do sự thay đổi giá trị về thời gian nhưng chúng ta cần nhìn vào nó như một sự kết hợp của những vấn đề xã hội đang gia tăng từ nền kinh tế, thị trường việc làm và chi phí sống', chuyên gia Park Soo-kyung nói.
'Những chi phí cưới hỏi và nhà cửa, sự không phù hợp về công việc, gia đình cũng như ý thức tiêu cực của xã hội về việc kết hôn là những nguyên nhân chính dẫn đến xu hướng giảm kể trên'.
Năm 2018, tỷ lệ kết hôn ở Hàn Quốc là 1/1000 người với 257.622 cặp đôi về chung một nhà. Tỷ lệ này giảm ổn định kể từ năm 1996 khi tỷ lệ kết hôn chạm mức cao kỷ lục là 9,6/1.000 người và có 430.000 cặp đôi về chung một nhà.
Một nghiên cứu tỷ lệ kết hôn toàn thế giới vào năm 2017 cho thấy tỷ lệ tương tự của Trung Quốc là 10/1000 người trong khi đó của Nhật Bản là 5/1.000 người.
Vậy chi phí của một buổi cưới hỏi là bao nhiêu?
Nghiên cứu cho thấy nhà là chi phí tốn kém nhất cho một cặp đôi mới cưới, nó chiếm 73,5% tổng chi phí, quà cưới giữa 2 gia đình là chi phí tốn kém thứ 2 và chi phí tiệc cưới đứng vị trí thứ 3.
'Căn hộ mới mà chúng tôi mua tại Paju có giá 380 triệu won, chúng tôi không có cơ hội xem những căn hộ tai Seoul hay vùng ven thành phố'.
Hàn Quốc xếp trong số những quốc gia có chi phí đám cưới cao nhất châu Á. Tháng 9, tờ The Asean Post có đăng tải rằng đám cưới tại Malaysia tốn trung bình 11.900 USD trong khi đó ở Campuchia là từ 15.000 – 20.000 USD còn ở Philippines là 19.000 USD.
Chi phí đám cưới trung bình ở Trung Quốc là 12.000 USD vào năm 2016 trong khi đó khảo sát trong cùng năm cho thấy chi phí đám cưới tại Nhật Bản là 34.400 USD.
Khảo sát cũng cho thấy, 94,6% trong số 2.000 người được hỏi nhấn mạnh rằng có quan điểm tiêu cực về chi phí đám cưới.
Lee nói rằng hơn một nửa khách mời đến dự đám cưới anh là người mà anh và vợ không hề biết. 'Khoảng 20% là gia đình và họ hàng, 30% là bạn bè của vợ, chồng và phần còn lại là bạn bè của bố mẹ 2 bên'.
'Dù những đám cưới nhỏ trở nên phổ biến sau khi nữ ca sỹ Lee Hyori và Lee Na-young khởi nguồn xu hướng cưới đơn giản vào năm 2013 và 2015, thực tế là vẫn còn nhiều cặp đôi cưới hỏi theo cách truyền thống với việc trang trí cầu kỳ'.
Quà cưới là chi phí lớn thứ 2 của các cặp đôi mới cưới, ước tính khoảng 27,6 triệu won từ trang sức tới tiền mặt.
Park H.R, 28 tuổi nói rằng cô ấy đã chuẩn bị sẵn tinh thần để thảo luận với gia đình nhà chồng về đám cưới của họ. 'Bạn trai tôi nói rằng bố mẹ anh ấy đồng ý không trao đổi quà cưới giữa 2 bên gia đình. Tuy nhiên tôi không thể chắc chắn lắm vì mối quan hệ giữa 2 bên có thể sứt mẻ trong tương lai'.
Yoon N.K, 28 tuổi thì nói rằng ngoài chi phí, một vài yếu tố khác cũng khiến các cặp đôi phải suy nghĩ kỹ về đám cưới. 'Tôi không nghĩ có thể cưới bây giờ nếu có bạn trai. Càng lớn tôi càng nghe thấy nhiều lời đồn đại về những khó khăn của việc kết hôn. Duy trì mối quan hệ với gia đình vọ/chồng và tìm cách cân bằng giữa bố mẹ 2 bên cũng không phải chuyện dễ'.