Đánh đập, bạo hành trẻ đến tử vong, chỉ chịu án tù
Liên tiếp xảy ra những vụ bạo hành dã man, thậm chí dẫn đến cái chết đối với trẻ. Tuy nhiên, trên thực tế, chưa kẻ thủ ác nào phải chịu mức án cao nhất (chung thân, tử hình).
Những ngày qua, vụ việc bé gái 8 tuổi ở quận Bình Thạnh (TP.HCM) bị 'vợ sắp cưới của bố' hành hạ nhiều lần dẫn tới tử vong khiến dư luận phẫn uất, sục sôi.
Cơ quan điều tra đã khởi tố bị can Nguyễn Võ Quỳnh Trang (26 tuổi, quê ở Gia Lai) về tội 'Hành hạ người khác'. Cha đẻ nạn nhân là Nguyễn Kim Trung Thái (36 tuổi, ở TP.HCM) vừa bị bắt khẩn cấp vào đêm 30/12 do có hành vi đồng phạm giúp sức Nguyễn Võ Quỳnh Trang.
Nguyễn Võ Quỳnh Trang, kẻ bạo hành nhiều ngày khiến bé gái 8 tuổi con riêng của chồng chưa cưới chết tức tưởi.
Trước đó, một vụ án cha đẻ cùng mẹ kế bạo hành bé trai 10 tuổi đến rạn sọ não xảy ra hồi giữa tháng 12/2017 ở quận Ba Đình (Hà Nội) cũng khiến dư luận vừa đau lòng vừa phẫn nộ. Sau nhiều lần bị cha đẻ và mẹ kế hành hạ dã man suốt mội thời gian dài, cháu Trần Gia K. (10 tuổi) bất ngờ tìm về nhà ông bà nội ở ngõ 55 đường Hoàng Hoa Thám, phường Ngọc Hà, quận Ba Đình để cầu cứu.
Do hoàn cảnh bố mẹ cháu K. chia tay nhau nên cháu K. được bố đưa đi ở cùng mẹ kế. Theo lời kể của cháu K., gần 2 năm cháu không được đi học, thường xuyên phải làm việc nhà và hay bị đánh đập. Vì thế, ngày 5/12/2017, lợi dụng sơ hở cháu K. đã bỏ trốn khỏi nơi ở và về nhà ông bà nội để cầu cứu.
Người bố đẻ và mẹ kế sau đó đã bị cơ quan công an tạm giữ, khởi tố vụ án, khởi tố bị can. Tại cơ quan điều tra, cả hai đều khai nhận toàn bộ hành vi của mình.
Tháng 8/2018, TAND quận Cầu Giấy đưa vụ việc ra xét xử. Sau một ngày xét xử, TAND quận Cầu Giấy tuyên phạt Trần Hoài Nam (bố cháu K.) 2 năm 6 tháng tù về tội 'Hành hạ con'; 4 năm tù về tội 'Cố ý gây thương tích', tổng hợp hình phạt cho 2 tội danh là 6 năm 6 tháng tháng tù.
Bị cáo Phạm Thị Tú Trinh (mẹ kế) bị tòa tuyên phạt 2 năm tù về tội 'Hành hạ con'; 3 năm tù về tội 'Cố ý gây thương tích', tổng hợp hình phạt Trinh chịu mức án 5 năm tù.
Một vụ việc làm chết trẻ em gây chấn động khác xảy ra hồi năm 2014, một bảo mẫu dùng chân đạp vỡ tim bé 18 tháng tuổi tử vong. Tháng 5/năm 2014, TAND TP.HCM đã đưa ra xét xử sơ thẩm. Sau khi nghị án, Hội đồng xét xử đã tuyên phạt bị cáo Hồ Ngọc Nhờ (sinh năm 1995, ngụ tại TP.HCM) 18 năm tù về tội 'Giết người'.
Mới đây, ngày 16/9, tại quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội), một bé gái 6 tuổi tử vong bất thường. Ngay sau đó một ngày, Công an quận đã tạm giữ hình sự người bố. Tại cơ quan cảnh sát, Lê Thành Công (bố bé gái) khai nhận, khoảng 11h ngày 16/9, trong lúc kèm con học, vì bé A. tiếp thu chậm nên Công đã bực tức, dùng đũa, thanh tre, cán chổi đánh vào chân, tay, mông và lưng con gái.
Ngày 28/9, Công an quận Bắc Từ Liêm đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can Lê Thành Công (SN 1978, trú tại phường Xuân Đỉnh) về tội 'Cố ý gây thương tích'.
Theo luật sư, với tình tiết cố ý gây thương tích làm chết người, khung hình phạt dành cho Lê Thành Công cũng chỉ dừng ở mức từ 7-14 năm tù giam.
Phải áp dụng những tình tiết tăng nặng một cách đích đáng
Những vụ việc gây hậu quả nghiêm trọng nhưng hình phạt dường như chưa tương xứng với tội ác mà người lớn gây ra với trẻ khiến dư luận bất bình. Chưa một 'kẻ thủ ác' nào phải chịu mức án cao nhất - tử hình, chung thân. Dư luận đặt ra vấn đề: Có cần thiết phải sửa đổi, bổ sung luật hay không?.
Trả lời câu hỏi này với phóng viên Infonet, Phó Trưởng Ban Dân nguyện của Quốc hội, nguyên ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng cho rằng, những vụ bạo hành trẻ em nghiêm trọng hiện có hai luồng ý kiến.
Thứ nhất, đối với người thân mà hành hạ ác độc, đến mức đánh chết hoặc dẫn đến cái chết thì phải xử nặng. Vì theo lý giải của những người có quan điểm này cho rằng, 'hổ dữ không ăn thịt con' mà những người trong gia đình còn đối xử với nhau như thế thì người ngoài còn ác độc hơn.
Luồng ý kiến thứ hai cho rằng cũng phải căn cứ tính chất, mức độ hành vi để xử lý chứ không phải áp đặt mang tính chất cảm tính dựa trên những bức xúc, tình cảm như thế .
'Hiện vẫn đang xảy ra hai luồng như thế, gây khó khăn cho khâu điều chỉnh pháp luật. Vì điều chỉnh pháp luật phải căn cứ vào những vấn đề của xã hội chứ không thể áp đặt quan điểm thái quá.
Tuy nhiên, quan điểm chung nhất của pháp luật là đối với hành vi như thế nào thì phải xem xét ở mức độ nào để xử lý, nhằm đảm bảo đủ độ răn đe, đủ trừng trị và cũng để đảm bảo tính chất giáo dục bản thân người đó và những người khác', ông Lưu Bình Nhưỡng cho hay.
Bày tỏ quan điểm cá nhân về vấn đề này, ông Nhưỡng cho rằng, pháp luật trừng trị phải có cơ sở, nhưng điều quan trọng nhất là các cơ quan tố tụng phải tìm được ra đúng bản chất của vấn đề; không được thổi phồng cũng như là không làm hạ bớt các hành vi mang tính tội trạng, đặc biệt đối với những vụ việc như thế này – người dân rất quan tâm, bức xúc.
'Trở lại như vụ vừa rồi, anh chồng đã khai báo trước cơ quan điều tra thấy cô này đánh con riêng nhiều lần nhưng anh ta không can thiệp hoặc không có biện pháp hữu hiệu để ngăn chặn việc đó, cũng không báo báo các cơ quan để can thiệp.
Đặc biệt, anh ta không cho vợ cũ gặp con. Người ta có thể đặt câu hỏi vì sao mà anh ta không làm động tác ấy được trong khi vợ luôn mong muốn được gặp con?
Đối tượng bị bắt khẩn cấp để điều tra về hành vi giúp sức vợ chưa cưới hành hạ con đẻ. Anh ta không nghĩ hoặc không thực hiện các hành động tích cực để những người khác cùng tham gia, cùng cứu giúp cháu nhằm giảm bớt những nỗi đau của con anh ta.
Với trường hợp người 'mẹ kế' (Trang và Thái chưa kết hôn), theo ông Nhưỡng, nhiều người cho rằng, xét về mặt tội phạm học, xét dưới khía cạnh khoa học luật hình sự thìđây gọi là 'giết người' chứ không còn là 'cố ý gây thương tích'.
Cô ta đã đánh hỏng một cái roi rồi, sau đó tiếp tục mua thêm một gậy để dùng…Rõ ràng dùng một gậy gỗ đánh vào một đứa trẻ nhỏ mà đánh đến gẫy 3 xương sườn, đánh thâm tím toàn bộ sau lưng… toàn những chỗ hiểm như thế thì một người bình thường cũng không chịu được chứ đừng nói một đứa trẻ.
Cô ta bắt buộc phải biết rằng, sử dụng những đòn như thế có thể dẫn đến chấn thương và dẫn đến cái chết. Nhưng cô ta vẫn ngang nhiên làm việc đó.
Do đó, cô này không thể bị truy tố về tội 'Hành hạ người khác', cũng không thể bị truy tố về tội 'Vô ý gây thương tích dẫn đến chết người' mà phải truy tố ở tội 'Giết người với hành vi cố ý', ông Lưu Bình Nhưỡng phân tích và nêu quan điểm.
Ngoài ra, ông Nhưỡng cho rằng, đối với một người sống bên cạnh kẻ sẵn sàng giết người như thế hoặc phó mặc cho hoàn cảnh xảy ra như thế đối với một đứa trẻ - đối tượng được bảo vệ đặc biệt của pháp luật - thì anh chồng không thể vô can được. Cho nên việc bắt anh chồng là cần thiết và phải truy cứu trách nhiệm là hoàn toàn chính đáng.
'Các cơ quan pháp luật làm như thế hoàn toàn phù hợp', ông Nhưỡng đánh giá.
Đến nay đã xảy ra nhiều trường hợp bạo hành trẻ dẫn đến cái chết. Những kẻ gây án lại chính là người thân (dì ghẻ, cha dượng, thậm chí cả bố đẻ…). Tình trạng này xảy ra rất đau lòng, gây bức xúc trong dư luận, do đó, ông Lưu Bình Nhưỡng cho rằng việc trừng trị đúng người đúng tội là việc làm cần thiết.
'Trường hợp này cần thiết phải áp dụng những tình tiết tăng nặng một cách đích đáng, đồng thời cần phải tuyên truyền rộng rãi cho mọi người để lấy đó làm gương', ông Nhưỡng nhấn mạnh.