Chỉ còn 2 tuần nữa là đến Tết Nguyên đán. Với người dân xa xứ, kỳ nghỉ Tết luôn là dịp họ mong chờ nhất trong năm để được trở về quê, đoàn tụ bên gia đình. Dẫu vậy, trước những quy định phòng chống dịch khác nhau của mỗi địa phương, nhiều người lao động đang có tâm trạng rối bời, phân vân giữa việc ở lại thành phố hay về quê ăn Tết.
Mỗi nơi một kiểu
Những ngày qua, thông tin các địa phương đưa ra các quy định phòng chống dịch khác nhau thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Trong đó, có nơi vận động người dân hạn chế về quê ăn Tết, có nơi yêu cầu cách ly dài ngày.
Nhiều địa phương tại Thanh Hóa đã có thư ngỏ gửi người dân đang làm việc tại tỉnh ngoài, nước ngoài... về việc tạm thời không trở về quê nếu không thực sự cần thiết; nhất là dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.
Xã Thiệu Phú ở Thanh Hóa áp dụng thêm biện pháp khóa trái cửa cổng với những gia đình có người từ vùng dịch về địa phương đón Tết Nguyên đán. Ảnh: Hồng Chiêu.
Trong đó, xã Thiệu Phú ở Thanh Hóa áp dụng thêm biện pháp khóa trái cửa cổng với những gia đình có người từ vùng dịch về địa phương đón Tết Nguyên đán.
Tương tự, Quảng Nam cũng khuyến cáo những người ở vùng dịch (vùng cam, đỏ) nên hạn chế về quê nếu không thật sự cần thiết.
Địa phương này cũng đưa ra quy định, người đến/về từ các khu vực có nguy cơ cao và nguy cơ rất cao, đã tiêm đủ 2 liều vaccine hoặc đã khỏi mắc Covid-19 trong vòng 6 tháng (tính đến thời điểm về) thì sẽ xét nghiệm bằng phương pháp RT-PCR vào ngày đầu tiên đến Quảng Ngãi; tự theo dõi sức khỏe tại nhà, nơi lưu trú trong vòng 7 ngày kể từ ngày về địa phương...
Trong khi đó, tại Vĩnh Phúc, địa phương này yêu cầu người đến, về từ địa bàn có dịch, người tiếp xúc gần (F1): trường hợp đã tiêm đủ liều vaccine phòng Covid-19 thực hiện cách ly y tế 7 ngày tại nhà/nơi lưu trú, tự theo dõi sức khoẻ trong 7 ngày tiếp theo. Thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2 vào ngày thứ nhất, thứ 7.
Đối với người tiêm chưa đủ liều vaccine phòng Covid-19 hoặc chưa tiêm vaccine phòng Covid-19, chưa được công bố khỏi bệnh Covid-19: Thực hiện cách ly y tế tại nhà/nơi lưu trú 14 ngày. Trường hợp không đủ điều kiện cách ly y tế tại nhà/nơi lưu trú thì thực hiện cách ly y tế tập trung.
Thậm chí có địa phương yêu cầu người về quê từ vùng dịch cấp độ 3 phải tự cách ly trong nhà 10 ngày. Trong khi đó, kỳ nghỉ Tết của người dân chỉ kéo dài 9 ngày. Việc quy định người dân cách ly tại nhà 1 tuần hay 10 ngày, 14 ngày khiến nhiều người dân lo lắng, rối bời.
Do dịch bệnh nên hơn 1 năm qua anh Lê Quang Trưởng (32 tuổi, quê Thanh Hóa), lao động tự do tại Hà Nội chưa có dịp về quê thăm bố mẹ, gia đình lần nào. Thời điểm này, anh mong ngóng từng ngày đến dịp nghỉ Tết để được đoàn tụ gia đình.
Thế nhưng, trước quy định của địa phương, anh Trưởng tâm tư: 'Đi làm cả năm cứ đến dịp sát Tết, tôi lại hướng về gia đình. Dù quê tôi không cấm người dân về quê nhưng việc vận động người dân hạn chế về quê đón Tết nếu không thực sự cần thiết khiến tôi trăn trở không biết nên ở lại thành phố hay về quê sum họp gia đình'.
Lo ngại phải cách ly dài ngày, vợ chồng chị Nguyễn Thị Bình (40 tuổi, quê Vĩnh Phúc) đã xin nghỉ để về quê sớm từ cuối tuần qua. Chị Bình chia sẻ: 'Đã lâu rồi vợ chồng tôi chưa được gặp bố mẹ nên chúng tôi rất mong được về quê dịp này. Kỳ nghỉ Tết có 9 ngày mà địa phương yêu cầu người dân phải cách ly 7 ngày thì hết Tết nên vợ chồng chúng tôi đã xin cơ quan được làm việc online để bảo đảm công việc'.
Đừng làm khó người dân
Trao đổi với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết Online, PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho rằng, Việt Nam đã trải qua 4 đợt dịch Covid-19 bùng phát nên chúng ta đã có nhiều kinh nghiệm trong phòng, chống dịch.
Hơn nữa, hiện nay chúng ta đang thực hiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 nên các địa phương cần chú ý: không thực hiện giãn cách diện rộng, chấp nhận có F0 cộng đồng, kiểm soát rủi ro vì đã phủ vaccine.
Nhiều người đang phân vân giữa việc ở lại thành phố hay về quê đón Tết. Ảnh: Kim Vân.
Vì thế, PGS.TS Trần Đắc Phu khuyến cáo, các địa phương cần thực hiện đúng tinh thần của Nghị quyết 128 của Chính phủ, tránh đưa ra những quy định làm khó người dân về quê dịp Tết.
'Các địa phương nên tạo điều kiện cho người lao động về quê đón Tết an toàn. Việc yêu cầu người dân về địa phương phải xét nghiệm vừa không cần thiết, vừa tốn kém, vừa gây tâm lý chủ quan phòng bệnh', PGS.TS Phu cho hay.
Đồng tình với quan điểm trên, PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho rằng, việc một số địa phương vận động người dân không về quê ăn Tết hay đưa ra các quy định bắt cách ly 7 đến 14 ngày là trái với tinh thần của Nghị quyết 128.
PGS.TS Nguyễn Huy Nga nhấn mạnh: 'Những quy định con của một số địa phương thể hiện trình độ, sự thiếu hiểu biết, chưa nghiên cứu kỹ Nghị quyết 128 của lãnh đạo địa phương ấy. Do đó, những địa phương này phải xem lại để có những chỉ đạo, điều hành sao cho phù hợp, trên tinh thần vừa tạo thuận lợi cho người dân về quê đón Tết và vừa phòng, chống dịch phù hợp, an toàn, tránh cực đoan hoặc gây khó cho người dân'.
Theo PGS.TS Nguyễn Huy Nga, thay vì đưa ra các quy định 'ngăn sông cấm chợ' người dân, các địa phương nên tuyên truyền, vận động người dân thực hiện nghiêm hướng dẫn 5K của Bộ Y tế, nâng cao ý thức phòng, chống dịch, tự bảo vệ mình và cộng đồng.