Thay đổi về chiến lược điều trị
PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế cho biết: Phân tích tình hình dịch tễ các ca bệnh lâm sàng cho thấy, khoảng 80% người bệnh không có triệu chứng, 20% còn lại là những trường hợp biểu hiện bệnh ở mức độ vừa, trung bình. Trong số này, 5% chuyển nặng và 0,5-1% người bệnh có diễn tiến rất nặng. Từ những số liệu nói trên, bên cạnh việc số ca bệnh tăng cao, Bộ Y tế nhận thấy cần có sự thay đổi về chiến lược điều trị, nhằm đảm bảo tất cả người bệnh đều được tiếp cận y tế. Căn cứ theo kinh nghiệm quốc tế, các chuyên gia cho rằng, điều trị F0 tại nhà là khả thi.
Ông Khuê cho rằng, khi dịch lây lan mạnh trong cộng đồng như hiện nay, việc áp dụng cách ly điều trị toàn bộ F0 sẽ gây nên quá tải cho hệ thống y tế, giảm khả năng phát hiện sớm, can thiệp sớm các trường hợp diễn biến nặng. Bên cạnh đó, việc F0 được điều trị tại gia đình giúp họ có tâm lý thoải mái, an tâm từ đó nhanh hồi phục.
Tuy nhiên, ông Khuê cũng cho rằng, có những gia đình không có địa điểm, phòng riêng cho người bệnh để cách ly, điều trị. Cũng có những gia đình không có điều kiện về công nghệ thông tin và những điều kiện khác thì không thể áp dụng cứng nhắc. Vì thế, mô hình điều trị F0 tại nhà cần được áp dụng đúng nơi, đúng chỗ, đúng điều kiện.
Còn theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, việc điều trị các trường hợp F0 tại nhà, cộng đồng kèm theo chăm sóc dinh dưỡng, thể chất, tinh thần để làm giảm nguy cơ xuất hiện triệu chứng, giảm chuyển nặng, tử vong và giảm khả năng lây lan là một trong những ưu tiên hàng đầu, đóng vai trò quyết định trong chiến lược mới về phòng, chống dịch Covid-19.
Bộ trưởng cũng thông tin, chương trình thí điểm tại TP HCM sẽ diễn ra với mô hình 3 tại chỗ: Xét nghiệm tại chỗ, điều trị tại chỗ và an sinh tại chỗ. Cụ thể đó là 3 hoạt động chính: lấy mẫu xét nghiệm tại nhà, cộng đồng; cung cấp cho người bệnh hộp thuốc home based care cùng một số sản phẩm nâng cao sức khoẻ, đồng thời hỗ trợ tư vấn và quản lý sức khoẻ trong phòng, chống dịch Covid-19; cung cấp gói thực phẩm bảo đảm an sinh xã hội cho người nhiễm và các thành viên trong gia đình ở tại nhà, không ra ngoài, tránh tiếp xúc, góp phần làm giảm nguy cơ lây lan.
Như vậy, với việc áp dụng chương trình thí điểm nói trên, mô hình tháp điều trị 3 tầng sẽ được bổ sung thêm ở tầng 1 - tầng thấp nhất là người bệnh điều trị tại nhà.
Được biết, Chương trình điều trị F0 tại nhà sẽ được thí điểm ở diện hẹp với các bệnh nhân tại cơ sở y tế do Bệnh viện Thống Nhất và Bệnh viện Phổi trung ương triển khai từ 16-22/8. Nếu có kết quả tốt, việc điều trị người bệnh tại cộng đồng sẽ được triển khai sau ngày 22/8.
Xét nghiệm, kiểm tra phân loại để có phương án điều trị thích hợp.
Cấp thuốc uống cho người bệnh điều trị tại nhà
Thực tế, trước khi chương trình điều trị F0 tại nhà được đưa vào thí điểm, tại TP HCM cũng đã triển khai thí điểm cách ly F0 không triệu chứng tại nhà từ giữa tháng 7. Bình Dương cũng bước đầu triển khai mô hình này với hơn 900 F0 không triệu chứng được điều trị tại nhà.
Theo như mô hình thí điểm điều trị F0 không triệu chứng tại Bình Dương, trước khi quyết định người bệnh điều trị tại nhà, nhân viên y tế sẽ trực tiếp xuống thăm, khám và khảo sát điều kiện gia đình. Hàng ngày, nhân viên y tế sẽ gọi điện 2 lần để kiểm tra sức khoẻ bệnh nhân, mỗi tuần sẽ có cán bộ y tế đến khám và ghi nhật ký sức khoẻ cho từng thành viên trong gia đình. Đồng thời, người bệnh được cung cấp nước muối rửa mũi, súc họng, các loại vitamin…
So với trước đó, tại Chương trình thí điểm mới, bệnh nhân sẽ được cung cấp thuốc Molnupiravir - một trong những loại thuốc kháng virus giúp giảm nhanh nồng độ virus trong cơ thể người bệnh.
Loại thuốc này đã được nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng tại Mỹ và Ấn Độ với kết quả khả quan về tính an toàn, khả năng dung nạp và đặc biệt là giảm tải lượng virus rõ rệt ở bệnh nhân thể nhẹ và vừa chỉ sau 5 ngày điều trị, giảm tỷ lệ nhập viện, giảm nguy cơ tử vong.
Đặc biệt hơn, đây là loại thuốc kháng virus đầu tiên ở dạng viên uống, khác với Remdesivir đang được sử dụng để điều trị bệnh nhân Covid-19 tại TP HCM - tiêm qua tĩnh mạch.
Triển khai mô hình tổ y tế cộng đồng và tổ phản ứng nhanh
Để người bệnh F0 điều trị tại nhà có hiệu quả, một số quận, huyện của thành phố như Quận 7, quận Tân Bình… triển khai mô hình các tổ y tế cộng đồng để thăm khám cho F0, phát hiện F0 chuyển nặng để cấp cứu chuyển viện kịp thời. UBND TP HCM giao các quận, huyện, thành phố Thủ Đức ban hành quyết định thành lập tổ phản ứng nhanh tại mỗi phường, xã, thị trấn. Theo kế hoạch, thành phố khẩn trương lập 312 tổ phản ứng nhanh cấp cứu F0 cách ly tại nhà. Việc thành lập các tổ phản ứng nhanh ở phường, xã, thị trấn nhằm đảm bảo kịp thời tiếp cận và hỗ trợ chăm sóc khi F0 cách ly tại nhà có dấu hiệu chuyển nặng. Khi F0 có triệu chứng chuyển bệnh sẽ gọi cấp cứu 115 và tổ phản ứng nhanh tại địa phương.
Quyết định thay đổi điều trị F0 tại TP HCM được Bộ Y tế đưa ra khi tổng số ca nhiễm tại thành phố là 147.929 trường hợp, tính đến ngày 15/8. Hiện thành phố đang điều trị 32.293 bệnh nhân, trong đó có 1.851 bệnh nhân nặng đang thở máy và 15 bệnh nhân can thiệp ECMO. Số trường hợp F0 đang cách ly, theo dõi, điều trị tại nhà là 35.900 người. Cụ thể, 11.444 trường hợp F0 mới và 24.456 trường hợp F0 sau xuất viện về tiếp tục cách ly, theo dõi tại nhà.
Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên chỉ đạo, thành phố khẩn trương phối hợp và thực hiện hướng dẫn của Bộ Y tế, trọng tâm là xét nghiệm tại nhà, điều trị tại nhà và an sinh tại nhà. Thành phố phải tổ chức xét nghiệm có trọng tâm, trọng điểm tại cộng đồng, tại nhà để kịp thời phát hiện các F0 và hướng dẫn điều trị tại nhà. Cấp phát thuốc (theo hướng dẫn điều trị của Bộ Y tế) và cung cấp lương thực, thực phẩm cho F0 tại nhà. Song song đó cần xây dựng mạng lưới tình nguyện viên chăm sóc, tư vấn F0 và F1 tại cộng đồng; nâng cao năng lực phản ứng nhanh của đội ngũ y tế; sẵn sàng tiếp nhận người bệnh có triệu chứng hoặc chuyển nặng đến cấp cứu.