Trong số 281 ca mắc mới có 134 ca phát hiện ở khu cách ly, khu phong tỏa, 17 ca phát hiện tại công ty, 118 ca phát hiện tại hiện cơ sở y tế, 12 ca phát hiện khi sàng lọc cộng đồng.
Ban Chỉ đạo cũng thông tin 02 trường hợp tử vong do COVID-19.
Trường hợp thứ nhất là bệnh nhân nữ, sinh năm 1970, địa chỉ: An Điền, Bến Cát; cách ly tập trung tại Hòa Lợi – Bến Cát ngày 11/7/2021; đến ngày 16/7/2021 diễn biến nặng và chuyển sang Bệnh viện Đa khoa tỉnh; tử vong lúc 14h40 ngày 16/7/2021; chẩn đoán: Nhồi máu cơ tim, viêm phổi do SARS-CoV-2.
Trường hợp thứ hai là bệnh nhân nam, sinh năm 1996, địa chỉ: Hòa Phú, Thủ Dầu Một; điều trị tại Trung tâm Y tế Tân Uyên chuyển sang điều trị tại Bệnh viện đa khoa tỉnh ngày 07/7/2021; tử vong lúc 06h30 ngày 17/7/2021. Chẩn đoán: Viêm phổi mức độ nguy kịch biến chứng ARDS nặng do SARS-CoV-2 (Chẩn đoán xác định bằng RT-PCR).
Tính từ đợt dịch thứ 4, Bình Dương ghi nhận 2.580 ca mắc COVID-19, 06 trường hợp tử vong. Hiện tại có 09 khu điều trị bệnh nhân COVID-19 trên địa bàn tỉnh với 2.947 bệnh nhân đang điều trị, trong đó có 40 phụ nữ mang thai, 29 người trên 65 tuổi, 74 người có bệnh lý nền, 48 người có diễn biến nặng. Lũy kế có 112 bệnh nhân xuất viện.
Tổng số trường hợp hiện đang còn cách ly y tế tập trung là 9.789 trường hợp và 20.976 trường hợp đang cách ly y tế tại nhà, nơi cư trú.
Theo nhận định của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Bình Dương, số ca mắc vẫn ở mức cao, tăng ở các địa phương TP. Thuận An, TP. Dĩ An và có dấu hiệu lan ra các địa phương phía Bắc như huyện Bàu Bàng, huyện Dầu Tiếng.
Lên phương án chuẩn bị giãn cách xã hội toàn tỉnh
Trước tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, để thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống dịch và kịp thời chăm lo đời sống, bảo vệ sức khỏe nhân dân, Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương yêu cầu Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh và lãnh đạo UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện ngay một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm.
Theo đó, cho chủ trương để Công ty Xổ số kiến thiết Bình Dương giải ngân nhanh nguồn kinh phí hỗ trợ cho khoảng 7.000 người bán vé số dạo trên địa bàn tỉnh.
Triển khai giải ngân nhanh các nội dung Nghị quyết 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 của Chính phủ và các nguồn lực khác để hỗ trợ; trong đó, Bí thư, Chủ tịch huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm chỉ đạo giải ngân hỗ trợ đúng đối tượng bị ảnh hưởng dịch bệnh và mua sắm vật tư, trang thiết bị y tế, sinh phẩm, hóa chất vật tư tiêu hao phục vụ cho công tác phòng, chống dịch đảm bảo theo quy định trong tình huống khẩn cấp. Tạm ứng kinh phí để giải quyết những việc cấp bách trong phòng, chống dịch COVID-19.
Chỉ đạo rà soát Bệnh viện Becamex có 200 giường điều trị bệnh nhân nặng, đủ đáp ứng điều kiện điều trị bệnh nhân của tỉnh trong tình hình hiện nay; nếu cần thiết bố trí thêm 100 giường điều trị bệnh nhân nặng. Trước mắt, chỉ đạo kiểm tra việc đầu tư toàn diện trang thiết bị y tế cho bệnh viện này.
Để thuận tiện trong việc xét nghiệm và có kết quả nhanh nhất, thống nhất đặt máy của Trung tâm xét nghiệm Việt Á tại 02 địa điểm là Trung tâm Y tế thị xã Bến Cát và ngã tư Hòa Lân, phường Thuận Giao, thành phố Thuận An. Trong điều kiện thiếu nguồn nhân lực y tế, các phương án trưng dụng, huy động thêm các lực lượng từ y tế nghỉ hưu và lực lượng y tế tư nhân hỗ trợ công tác phòng, chống dịch.
Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và ngành Y tế xem xét nguồn kinh phí hỗ trợ triển khai mua 06 máy xét nghiệm để phục vụ công tác xét nghiệm.
Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh khẩn trương ban hành các Chỉ thị, Quyết định giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ và lên phương án hoàn chỉnh chuẩn bị cho việc giãn cách xã hội toàn tỉnh theo quy định; thông báo công khai cho người dân trên phương tiện truyền thông.
Lực lượng vũ trang tỉnh phối hợp với các huyện, thị xã, thành phố chuẩn bị phương án tác chiến, kiểm tra thực hiện nghiêm việc giãn cách xã hội. Công an tỉnh có văn bản báo cáo đề nghị Bộ Công an hỗ trợ thêm lực lượng trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội toàn tỉnh.
Sở Công Thương khẩn trương triển khai kế hoạch đảm bảo việc cung ứng hàng hóa thiết yếu đến người dân, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng hóa thiết yếu phục vụ cho người dân, nhất là ở trong khu vực cách ly, phong tỏa. Liên hệ các địa phương lân cận cung cấp các nguồn thực phẩm thiết yếu cung cấp hỗ trợ cho Bình Dương.
Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Bình Dương thông báo ngay đến các khu, cụm công nghiệp về thực hiện giãn cách xã hội.
Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Bình Dương thực hiện nhiệm vụ chỉ đạo, trực chiến công tác phòng, chống dịch tại Trung tâm Chỉ huy phòng chống, dịch tại Khách sạn Becamex, phường Hòa Phú, thành phố Thủ Dầu Một.
Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bình Dương đảm bảo đường truyền thông tin liên lạc thường xuyên và bố trí kết nối trực tuyến cho các xã, phường trong toàn tỉnh.
Đưa Bệnh viện dã chiến 1500 giường vào hoạt động
Tình hình dịch COVID-19 tại Bình Dương diễn biến phức tạp, khó lường, để kịp thời đáp ứng công tác điều trị cho bệnh nhân COVID-19, UBND tỉnh Bình Dương đã quyết định trưng dụng 02 trụ sở, cơ sở vật chất, hạ tầng thuộc Tổng công ty Đầu tư và Phát triển công nghiệp - CTCP (Becamex IDC) làm Bệnh viện dã chiến điều trị bệnh nhân COVID-19.
Với sự hỗ trợ tích cực của cộng đồng doanh nghiệp, các cơ quan ban ngành trong tỉnh, cùng với sự nỗ lực của Becamex IDC và sự chung tay của các bệnh viện trên địa bàn, Bệnh viện dã chiến đang hoàn thành các công đoạn cuối cùng để chính thức đi vào hoạt động vào ngày 18/7 sau 5 ngày thi công thần tốc, góp phần quan trọng vào công tác phòng, chống dịch COVID-19 của địa phương.
Bệnh viện dã chiến có quy mô 1.500 giường được đặt tại Trung tâm Thương mại Thành phố mới Bình Dương (WTC EXPO) - một trong những trung tâm hội nghị triển lãm lớn nhất Việt Nam được vận hành theo tiêu chuẩn quốc tế với diện tích lên đến 22.000m2, được trang bị đầy đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị cao cấp như: Hệ thống điện, nước, máy nén khí, bãi đậu xe, xử lý rác thải được trang bị hiện đại, đồng thời được thiết kế thuận lợi cho hầu hết mọi hoạt động.
Sau khi đẩy lùi dịch COVID-19, WTC EXPO sẽ được tiến hành khử khuẩn và vệ sinh toàn bộ hệ thống theo hướng dẫn của Bộ Y tế, bao gồm cả ống dẫn điều hòa không khí, tất cả các sảnh, phòng và các khu vực chung để nơi đây tiếp tục là nơi diễn ra các triển lãm thương mại, hội nghị, hội thảo, giao lưu văn hóa... tầm cỡ châu lục và thế giới.
Bên cạnh các bệnh viện điều trị chuyên sâu như Bệnh viện Đa khoa tỉnh và một số bệnh viện chuyên trách hồi sức cấp cứu đối với các trường hợp nhiễm COVID-19 mức độ nặng, việc bổ sung các bệnh viện dã chiến có quy mô lớn, đáp ứng đầy đủ về cơ sở vật chất, trang thiết bị là rất cần thiết, nhằm kịp thời điều trị toàn bộ số ca mới phát hiện qua xét nghiệm tầm soát tại các khu vực có nguy cơ cao trong cộng đồng, vừa đáp ứng yêu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân vừa giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên.
Tùy vào diễn biến của dịch bệnh, Becamex IDC sẵn sàng trưng dụng Xưởng Khởi nghiệp thuộc trường Đại học Quốc tế Miền Đông để hình thành Bệnh viện dã chiến tiếp theo cũng với quy mô 1500 giường, có thể đi vào hoạt động ngay trong tháng 8 tới đây.