Vừa qua, UBND TP. Hà Nội ban hành kế hoạch xét nghiệm diện rộng, tiêm chủng vắc xin phòng, chống Covid-19 cho người dân trên địa bàn thành phố.
Mục đích của kế hoạch là thần tốc xét nghiệm diện rộng toàn thành phố theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng cho người dân một cách an toàn, hiệu quả nhằm phát hiện sớm các trường hợp lây nhiễm theo hướng dẫn của Bộ trưởng Bộ Y tế.
Yêu cầu của kế hoạch là đến ngày 15/9/2021 tại các khu vực có nguy cơ rất cao, nguy cơ cao hoàn thành lấy mẫu xét nghiệm cho toàn bộ người dân ít nhất 3 lần (từ 2-3 ngày/lần).
Tại các khu vực có nguy cơ và các khu vực khác hoàn thành lấy mẫu xét nghiệm cho toàn bộ người dân ít nhất 1 lần (5-7 ngày/lần); xét nghiệm tầm soát 100% với các trường hợp có biểu hiện ho, sốt, khó thở, viêm đường hô hấp... đến bệnh viện khám, chữa bệnh và tại cộng đồng.
Xét nghiệm 3 ngày/lần đối với nhân viên, người lao động tại các cơ sở khám, chữa bệnh và các đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh.
Ngoài ra, theo kế hoạch, Hà Nội sẽ tổ chức tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 mũi 1 cho toàn bộ người dân từ 18 tuổi trở lên trên địa bàn đến ngày 15/9/2021 trên cơ sở số vaccine được Bộ Y tế phân bổ và giao.
Bác sỹ Trương Hữu Khanh.
Để kiểm soát Covid-19, cần khoanh vùng F0
Trao đổi với PV về cuộc chiến tổng lực của Hà Nội, bác sĩ Trương Hữu Khanh (Chuyên gia dịch tễ học, nguyên Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng I, TP. HCM) cho rằng, để kiểm soát được Covid-19, chúng ta cần biết có bao nhiêu F0 để khoanh vùng F0 đó lại.
Sau khi sàng lọc được F0 thì đánh giá nguy cơ của từng người, đặc biệt là các F0 có khả năng trở nặng để điều trị sớm. Làm như vậy chúng ta sẽ tránh được bất ngờ và các cơ sở y tế không bị rơi vào quá tải.
'Cần phải biết người nào cần được bảo vệ khi họ là F0. Chứ cứ để họ bệnh mà họ không biết rồi đến bệnh viện một lúc quá nhiều người nặng thì các bác sĩ không thể nào chữa trị được, vị bác sĩ này chia sẻ.
Ngoài ra, theo ông Khanh, song song với việc khoanh vùng F0 là triển khai trích ngừa, đặc biệt trích ngừa cho nhóm nguy cơ chưa phải là F0.
Đặc biệt, bác sĩ lưu ý, muốn làm tổng lực thì phải làm nhanh. 'Nếu cứ làm chỗ này rồi mới chuyển qua chỗ khác thì virus lây lan mình sẽ không biết được. Cần tranh thủ thời gian giãn cách, người dân đang đứng yên để triển khai tầm soát đánh giá tổng thể. Quá trình tầm soát diện rộng cần đặc biệt chú ý về năng lực lấy mẫu'.
'Đặc biệt không được để xảy ra tình trạng lây chéo. Không thể đổ thừa rằng chiến dịch xét nghiệm làm lây lan Covid-19 bởi virus lây lan là do cách lấy. Vậy nên cần đảm bảo cách lấy đúng quy chuẩn', bác sĩ Khanh nhấn mạnh.
Theo các chuyên gia, việc lấy mẫu cũng cần phải đảm bảo an toàn tuyệt đối. Ảnh: Việt Hùng
Giữ an toàn tuyệt đối khi tổ chức lấy mẫu
Liên quan đến vấn đề này, PGS.TS.BS Đinh Vạn Trung, nguyên Chủ nhiệm khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho rằng, để giữ được an toàn khi tổ chức lấy mẫu cần lên kế hoạch chi tiết.
Cụ thể, cần xác định đối tượng tầm soát, chuẩn bị nhân lực và trang thiết bị y tế, chuẩn bị địa điểm xét nghiệm có phân luồng vào, ra một chiều, danh sách người cần xét nghiệm chia ra theo giờ để không tập trung đông người, giữ khoảng cách 2m giữa mỗi người đến xét nghiệm, mang khẩu trang đầy đủ.
Các nhân viên y tế thực hiện xét nghiệm phải đảm bảo tốt các quy trình kiểm soát nhiễm khuẩn theo quyết định 5188 của Bộ Y tế như phải vệ sinh kỹ càng, phải thay găng… Nếu không làm đúng thì một nhân viên y tế nếu nhiễm Covid-19 sẽ lây cho rất nhiều người.
Đặc biệt, theo ông Trung, quy trình lấy dịch mũi, dịch hầu họng phải thật cẩn thận, thực hiện bài bản thì mới chính xác và đảm bảo an toàn. Nhân viên y tế từ các địa phương lên hỗ trợ Hà Nội cũng cần đảm bảo năng lực để quy trình xét nghiệm an toàn, không xảy ra sai sót.
Cần phủ vắc xin cho người dân từ 18 tuổi trở lên
Bàn về kế hoạch triển khai tiêm vắc xin cho người dân, GS.TS Nguyễn Anh Trí, nguyên Viện trưởng Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương đã đưa ra nhiều đánh giá.
Theo ông Trí, đây là giai đoạn tốt nhất để thành phố Hà Nội đẩy nhanh mục tiêu hoàn thành tiêm mũi 1 vắc xin phòng Covid-19 cho 100% người dân từ 18 tuổi trở lên. Kinh nghiệm từ thực tế cho thấy, việc tiêm cho người dân cần có thời gian để sinh kháng thể. Vì thế, khi dịch Covid-19 tại Hà Nội còn chưa bùng phát mạnh như các tỉnh miền Nam thì cần hoàn thành việc tiêm vaccine cho người dân để tạo miễn dịch cộng đồng.
Được biết, để hỗ trợ Hà Nội, 11 tỉnh, thành phố đã cử hàng nghìn nhân viên y tế hỗ trợ xét nghiệm, tiêm vaccine phòng Covid-19. Cụ thể 11 tỉnh này là Bắc Giang, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hà Nam, Vĩnh Phúc, Hòa Bình, Thái Nguyên, Hải Dương, Phú Thọ, Quảng Ninh, Hải Phòng.
Với cuộc chiến tổng lực này, nhiều người hi vọng Hà Nội sẽ từng bước thu hẹp các vùng đỏ, vùng vàng và mở rộng vùng xanh tiến tới kiểm soát dịch bệnh để thực hiện 'mục tiêu kép'.
Cán bộ y tế tại TP Hà Nội trong một lần tiêm vắc xin cho người dân. Ảnh: Việt Hùng
TP Hà Nội mong nhận được sự góp ý về phòng chống dịch của các chuyên gia
Ông Chử Xuân Dũng, Phó Chủ tịch UBND thành phố cho biết, thời gian qua thành phố nhận được nhiều ý kiến đóng góp của các chuyên gia trong nhiều lĩnh vực, góp ý xây dựng về các phương hướng phòng chống dịch Covid-19.
'Các chuyên gia, nhà khoa học cũng như các kiến nghị các giải pháp thiết thực, cụ thể để Thành phố thực hiện tốt 'mục tiêu kép', vừa phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả, vừa phát triển kinh tế - xã hội. Đây là những ý kiến tâm huyết và Thành phố lắng nghe với tinh thần cầu thị để xem xét triển khai trong tình hình thực tế. 'Với vị thế là Thủ đô của cả nước, thời gian qua, thành phố Hà Nội luôn tập trung mọi nguồn lực và giải pháp hiệu quả, quyết liệt trong phát hiện, ngăn chặn, tổ chức cách ly, khoanh vùng dập dịch và điều trị cho các bệnh nhân Covid-19. Nhờ đó, đến nay, Thành phố cơ bản kiểm soát được tình hình dịch bệnh, không để bùng phát trong cộng đồng.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Chử Xuân Dũng mong muốn tiếp tục nhận được những góp ý, kiến nghị cũng như đề xuất của các chuyên gia, các nhà khoa học để thành phố Hà Nội triển khai hiệu quả hơn trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 thời gian tới.