Ảnh minh hoạ
Trong đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4 đến nay), Hà Nội ghi nhận 681 ca mắc (255 ca phát hiện ngoài cộng đồng tại 24 tại các quận, huyện; 187 ca F0 là trường hợp đã được cách ly tập trung; 198 ca mắc trong bệnh viện tuyến Trung ương, 9 nhân viên y tế và 32 ca là người nhập cảnh đã được cách ly). Từ ngày 5/7, Hà Nội ghi nhận nhiều ca mắc mới, đặc biệt xuất hiện các chùm ca bệnh có số lượng ca mắc lớn.
Thành phố hiện có 7 chùm ca bệnh, đó là: Chùm ca bệnh tại huyện Đông Anh (liên quan đến Bắc Giang) với tổng số 61 ca; chùm ca bệnh tại 90 Nguyễn Khuyến, Đống Đa với 34 ca; chùm ca bệnh tại Tân Mai, Hoàng Mai với 16 ca; chùm ca bệnh tại Viện Cơ khí Năng lượng và Mỏ - 565 Nguyễn Trãi (liên quan đến Bắc Ninh) với 3 ca; chùm ca bệnh tại Bùi Thị Xuân, Nguyễn Du, Hai Bà Trưng; chùm ca bệnh tại B6 Trại Găng, Thanh Nhàn, Hai Bà Trưng; chùm ca bệnh tại An Mỹ, Mỹ Đức (liên quan đến tỉnh Nghệ An).
Theo đánh giá của Hà Nội, tình hình dịch bệnh vẫn trong tầm kiểm soát, tuy nhiên, nguy cơ về dịch bệnh đang ở mức rất cao và khó lường. Thành phố xuất hiện nhiều ca bệnh, ổ dịch phức tạp với số lượng ca mắc lớn, nhiều ca bệnh chưa xác định được nguồn lây, có thể có các ca bệnh ngoài cộng đồng chưa được phát hiện.
Vì vậy, trong thời gian tới, tình hình dịch trên địa bàn Hà Nội có thể sẽ diễn biến phức tạp hơn, không loại trừ khả năng sẽ xuất hiện thêm nhiều ca bệnh, chùm ca bệnh ngoài cộng đồng. Đặc biệt, có thể có nguy cơ lây lan dịch bệnh trong các nhà máy, xí nghiệp, cơ quan, doanh nghiệp với số ca mắc lớn.
Thực hiện tốt phương châm '4 tại chỗ'
Trong công tác khoanh vùng, phong tỏa, xử lý dịch, đến nay, các địa phương đã thực hiện tốt phương châm '4 tại chỗ', chủ động phát hiện kịp thời các ca mắc mới, thần tốc truy vết, tăng cường xét nghiệm, khoanh vùng cách ly, huy động tổng lực để dập dịch triệt để trong thời gian nhanh nhất.
Công tác khoanh vùng, phong tỏa được thực hiện theo nguyên tắc 'phong tỏa hẹp, quản lý chặt', áp dụng 'mô hình phòng chống dịch 3 lớp' vừa bảo đảm an toàn phòng dịch, vừa bảo đảm an sinh xã hội, hạn chế tối đa sự ảnh hưởng tới đời sống của người dân, trong đó lớp lõi có dịch giãn cách theo Chỉ thị số 16, lớp tiếp theo thực hiện theo Chỉ thị số 15 và lớp ngoài cùng theo Chỉ thị số 19.
Hiện nay, Sở Y tế Hà Nội đang có 03 bệnh viện (Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, Bệnh viện Thanh Nhàn, Bệnh viện Bắc Thăng Long) điều trị các bệnh nhân COVID-19. Thành phố đã phê duyệt phương án đáp ứng 1.000 giường bệnh cách ly điều trị người bệnh COVID-19, đang tiếp tục xây dựng phương án đáp ứng 5.000 giường bệnh và cao hơn nữa khi dịch bệnh lan rộng.
Theo UBND TP. Hà Nội, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh trong những ngày gần đây của các tỉnh, thành phố khác và qua đánh giá nguy cơ đối với Thành phố thì trong thời gian tới, các cấp, các ngành của Thành phố và các quận, huyện, thị xã phải tiếp tục kiên định các biện pháp phòng chống dịch, siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, kiểm tra, giám sát, gắn trách nhiệm người đứng đầu cơ sở về công tác phòng chống dịch.
Thành phố đã ban hành Công điện tăng cường công tác phòng chống dịch COVID-19 trong giai đoạn hiện nay: Yêu cầu người dân không ra khỏi nhà khi không có việc cần thiết, hạn chế tối đa việc di chuyển đến các vùng dịch và các tỉnh, thành phố đang có dịch bệnh diễn biến phức tạp. Trường hợp bắt buộc phải đến với mục đích công vụ, làm việc tại các cơ quan, tổ chức, khu công nghiệp... tại các tỉnh, thành phố có dịch khác thì phải được cấp thẩm quyền cho phép, thực hiện nghiêm các quy định phòng, chống dịch.
Các đơn vị duy trì chế độ thường trực 24/24/7 để sẵn sàng triển khai ngay các biện pháp truy vết thần tốc, khoanh vùng xử lý kịp thời các ca bệnh, nhỏ lẻ, không để bùng phát thành dịch lớn.
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Hà Nội cũng đã tính đến kịch bản để đáp ứng với tình huống khi dịch bệnh bùng phát lan rộng, cụ thể: Chỉ đạo các quận, huyện, thị xã rà soát chuẩn bị địa điểm cách ly tập trung F1 để có thể tiếp nhận ít nhất 1.000 trường hợp; bảo đảm công tác '4 tại chỗ'; rà soát các địa điểm, cơ sở vật chất của các cơ sở dân sự để thiết lập các bệnh viện dã chiến sẵn sàng đáp ứng trong tình huống dịch lan rộng và số lượng bệnh nhân lớn.
Bên cạnh đó, tăng cường xét nghiệm đối với những trường hợp có dấu hiệu chỉ điểm (ho, sốt, khó thở, mất vị giác...) khi đến các cơ sở khám chữa bệnh hoặc mua thuốc tại các nhà thuốc để chủ động phát hiện sớm các trường hợp mắc và kịp thời khoanh vùng xử trí dịch; tiếp tục tổ chức lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc tại những khu vực, cơ sở có nguy cơ; xét nghiệm sàng lọc cho người về từ các tỉnh, thành phố có dịch bệnh đang diễn biến phức tạp.
Tiếp tục chỉ đạo triển khai quyết liệt các biện pháp phòng chống dịch tại các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp, chế xuất; thường xuyên kiểm tra đôn đốc việc thực hiện của các doanh nghiệp, kiên quyết yêu cầu dừng hoạt động nếu không bảo đảm an toàn. Yêu cầu các doanh nghiệp tuyên truyền sâu rộng cho công nhân về các biện pháp phòng chống dịch, gắn trách nhiệm của các chủ doanh nghiệp trong việc bảo đảm an toàn phòng chống dịch; toàn bộ các doanh nghiệp, nhà máy, cơ sở sản xuất trong các khu, cụm công nghiệp chỉ hoạt động khi thực hiện đầy đủ các biện pháp an toàn phòng dịch COVID-19 theo hướng dẫn của ngành y tế.